Theo luật sư, đối tượng giết mẹ vợ ở Quảng Bình đối mặt với việc bị xử lý hình sự về tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, vào sáng 6/7, hàng xóm phát hiện bà Hà Thị Th. (SN 1967, trú tại thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) tử vong sau vườn nhà với nhiều vết đâm, chém.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra và xác định đối tượng nghi can số 1 là Lê Văn Triễn (SN 1988, quê ở thôn Vĩnh Tuy 3, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Đối tượng Triển là con rể của nạn nhân Hà Thị Th. Ngay sau đó, đối tượng gây án đã bỏ trốn.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này, sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập các dấu vết trên hiện trường vụ án cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự và tiến hành truy tìm đối tượng có liên quan.
Thông thường khi thực hiện hành vi phạm tội có thể đối tượng phạm tội mất kiểm soát về mặt lý trí do bị cảm xúc chi phối hoặc có động cơ từ trước, cố ý quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên sau khi thực hiện tội phạm đối tượng thường sẽ lo sợ bị trừng phạt bởi pháp luật, sợ bị phát hiện, bị trả thù... nên thường bỏ trốn, trốn tránh.
Hành vi bỏ trốn, trốn tránh trách nhiệm không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nhưng sẽ làm tăng tính chất nghiêm trọng của vụ án, đây là một trong những yếu tố quyết định đến loại và mức hình phạt.
Còn trường hợp bị can đầu thú, tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải đó là các tình tiết có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, trường hợp có căn cứ cho thấy nghi phạm đang bỏ trốn chính là hung thủ đã sát hại nạn nhân thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ, phạm tội đến cùng, phạm tội đối với người có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng...
"Sau khi thực hiện hành vi phạm tội lại bỏ trốn gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc giải quyết vụ án nên đối tượng trong vụ án này có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết thêm, thời gian gần đây liên tục những vụ án mạng xảy ra mà hung thủ chính là những người thân trong gia đình.
Nạn nhân thiệt mạng là vợ, con, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ của hung thủ, trong đó phần lớn không thủ là những đối tượng có tiền án tiền sự, liên quan đến ma túy hoặc trong những gia đình mà mâu thuẫn kéo dài không có lối thoát...
Chính vì vậy, để giảm bớt những vụ án đau lòng việc đầu tiên cần phải làm là tăng cường giáo dục đạo đức xã hội, hoạt động giáo dục phải có hiệu quả sâu rộng trong nhân dân.
Khi đạo đức xã hội được đề cao, sự tôn trọng, yêu quý giữa những người thân với nhau được duy trì thì đạo đức xã hội sẽ được cải thiện.
Khi con người biết tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhau, của người khác thì những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm sẽ giảm đi.
Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội giết người cụ thể như sau:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.