Chợ "5 nghìn" nằm ven quốc lộ 32 từ Văn Chấn vào thị xã Nghĩa Lộ thuộc thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái…
Nơi đây người dân vùng cao bán các mặt hàng nông sản và sản vật của người dân địa phương với mức giá 5 nghìn (5.000 đồng). Theo những người buôn bán lâu năm thì chợ đã được hình thành hơn chục năm nay.
Trước kia, người dân bản địa chưa biết buôn bán nông sản và các sản phẩm họ làm ra, do từ xã Đồng Khê mang hàng tới chợ trung tâm huyện Văn Chấn đường sá xa xôi, nên người dân bày những sạp hàng nhỏ ngay tại ven quốc lộ 32 để bán.
Chủ nhân của những món hàng bán tại chợ là bà con các dân tộc Mông, Thái, Tày… sinh sống ở xã Đồng Khê và Suối Bu nhiều người không nói được tiếng phổ thông. Ban đầu họ bán với giá cao thấp khác nhau, nên ông Hoàng Hiệp Ước là người đầu tiên buôn bán tại chợ đã bảo với mọi người bán chung một giá cho tất cả mặt hàng là 5 nghìn. Do chưa có tên và chưa được quy hoạch thành chợ dân sinh nên người dân xung quanh và khách đi đường gọi nơi đây là chợ 5 nghìn, hay chợ một giá.
Vào chợ, tôi bắt gặp chị Sùng Thị Dong đang cùng con trai bày bán rau cải ở ven đường. Chị là người dân tộc Mông sinh sống tại thôn Ba Cầu, xã Suối Bu, mới đây chị mới ra chợ bán rau. Khách hàng của chị là những người đi đường và nhân dân các xã quanh đó. Do giá chỉ có 5 nghìn, rau trồng ở trên núi cao, luôn tươi nên mỗi khách thường mua một lần vài mớ.
Ngồi bán hàng ngoài nắng, đường nhiều xe chạy nên rất bụi bặm, tuy vậy giúp chị kiếm được thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Ngồi cạnh chị là những cụ già người dân tộc Mông và Thái đang bày bán những mớ rau rừng, măng và các loại gạo đặc sản. Các cụ bà này chưa nói sõi tiếng phổ thông nhưng cũng mang hàng đến chợ bán, bởi các mặt hàng đều chỉ có một giá không cần phải mặc cả như các chợ bình thường khác.
Anh Hoàng Văn Hạnh, nhà ở ngay chợ, anh vừa mang dưa chuột, bí đỏ, măng, mướp đắng, rau rớn…bày bán ngay trước cửa nhà. Anh Hạnh cho biết: Tôi cùng vợ là Lò Thị Thủy mang những thứ của gia đình làm ra bày bán cho những khách qua đường. Rau cỏ nhà tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên các anh dùng cứ yên tâm đi… Anh cho biết thêm, mùa măng vợ chồng anh có thể bán được gần 2 tấn mỗi tháng cùng vài tạ nông sản khác, nhờ đó gia đình có thểm khoản thu nhập không nhỏ.
Một số người quanh đây cũng mang hàng ra bán, trong đó có nhiều mặt hàng là thuốc nam do bà con khai thác ở trên rừng, lúc này các mặt hàng không đồng nhất một giá 5 nghìn như trước nữa.
Chị Nguyễn Thị Thảo chuyên bán các loại gạo đặc sản như gạo lứt đen, gạo cẩm, gạo tẻ nương… mức giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Chị cho biết, người mua hàng của chị phần lớn là khách du lịch và những người đi đường, nhiều người ở TP Yên Bái, Hà Nội… mua vài chục cân về ăn và làm quà.
Các sạp hàng lớn trong chợ 5 nghìn đều bán các loại dược liệu quý và nhiều loại thuốc nam. Trong đó phải kể đến sạp hàng của chị Nguyễn Thị Xoan có gần 100 mặt hàng khác nhau, bao gồm: Nấm hương rừng, chuối hột rừng, sim rừng, mú từn, tứn khửn, nhục thung dung, trà sơn mật - hồng sâm, dây thìa canh, giảo cổ lam, bí đao sấy khô, chè dây, cà gai, dứa dại, sơn tra, ngọc cẩu… Nhiều mặt hàng do mẹ chồng chị là bà Hà Thị Ấn biết bốc thuốc khai thác ở trên rừng và mua lại của người dân, ngoài ra chị còn bán các loại thuốc cho các sản phụ sau sinh, thuốc thận, thuốc đặc trị xương khớp, thuốc trị đau dạ dày…
Các loại dược liệu chị thu mua từ người dân địa phương, chồng là anh Lộc Đức Huỳnh hàng ngày giúp chị băm, phơi, sàng, sảy rồi đóng thành gói để bán.
Trước kia anh Huỳnh làm công nhân trên mỏ đá Đồng Khê và nhiều nơi khác, công việc vất vả lại chẳng kiếm được bao nhiêu, nên anh về giúp vợ và mẹ mua bán dược liệu. Mỗi tháng vợ chồng chị Xoan bán được gần 1 tấn dược liệu các loại cho khách du lịch, các nhà thuốc ở khắp nơi từ Lào Cai, Hà Nội cho đến tận Đồng Nai.
Một chủ sạp hàng khác trong chợ 5 nghìn là chị Hoàng Vân Nga người dân tộc Thái sinh sống tại đây từ lâu, nhà chị cũng bán các loại thuốc nam có tác dụng bổ thận tráng dương, mát gan, giải độc gan…Ngoài ra chị còn bán qua mạng chở theo đường bưu điện hoặc xe khách.
Trải qua hơn mười năm, chợ 5 nghìn không chỉ có ý nghĩa về mặt thương mại, mà còn là địa chỉ văn hóa thu hút khách du lịch gần xa bởi chính yếu tố con người giản dị, mộc mạc, chân chất nơi đây.