Bộ lạc Aeta (còn gọi là Ayta, Agta) là tộc người da đen bản địa sống rải rác ở vùng núi hẻo lánh trên đảo Luzon. Họ vẫn duy trì những tập tục kỳ lạ, đặc biệt là tự gây sẹo trên cơ thể và có những nữ thợ săn rất “sát thú”…
Người Aeta được tin là đã từ lục địa châu Á di chuyển tới vùng núi cao và hẻo lánh trên đảo Luzon của Philippines. Do ở nơi biệt lập như vậy nên suốt thời gian dài bộ lạc Aeta không bị ảnh hưởng bởi tiến trình phát triển của xã hội bên ngoài.
Bộ lạc Aeta được cho là hậu duệ của những cư dân gốc của Philippines, vì họ là một trong những nhóm cư dân đầu tiên đến Philippines trước cả khi người Nam Đảo di cư đến.
Người Aeta được cho là cùng nhóm với thổ dân Australia và người Melanesia ở quần đảo Solomon. Họ cũng có làn da và màu mắt từ nâu sẫm tới nâu đen, tóc xoăn, tầm vóc nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn.
Người Nam Đảo (còn gọi là người Austronesia) là tên chỉ nhiều nhóm sắc tộc ở Đông Nam Á, châu Đại Dương và Đông Phi, nói các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Austronesia.
Giống như các bộ lạc du mục châu Phi khác, người Aeta rất thành thạo việc sử dụng cung tên. Họ là những chiến binh thiện xạ, sẵn sàng tấn công bất kỳ ai bị nghi là có ý định "xâm nhập lãnh địa" Aeta.
Có lẽ một phần do vậy mà cư dân bộ lạc Aeta được ví như "Pugot" hoặc "Pugut" - theo tiếng Ilocano (ngôn ngữ đứng thứ tư về số người sử dụng ở Philippines) có nghĩa là "yêu tinh" hoặc "Thần Rừng".
Thời trước nơi ở của cư dân bộ lạc Aeta chỉ là những lều lán tạm bợ dựng bằng cành cây, phủ lá cọ lên trên. Thời nay có một bộ phận người Aeta rời vùng núi xa xôi hiểm trở, tái định các khu vực đồng bằng như Pampanga và Tarlac, làm nhà ở vững chãi hơn bằng tre, mái lợp cỏ Cogon…
Các cư dân bộ lạc Aeta tin vào thần linh, thờ Thần Rừng, Thần Biển… Nhiều người tôn thờ một vị Thần tối cao là Apo Na. Người Aeta cũng yêu âm nhạc, thích nhảy múa nhất là trước hoặc sau khi đi săn. Nhạc cụ chính của họ là Agung’s (loại cồng chiêng treo, có núm vặn để điều chỉnh giai điệu).
Trong số những phong tục tập quán của bộ lạc Aeta, có lẽ cách làm đẹp bằng tự gây thương tích trên cơ thể mình là… kỳ quặc nhất.
Người Aeta tự gây ra những vết thương ở lưng, ngực, bụng, tay và chân rồi dùng lửa và vôi khiến vết thương sau đó để lại từng chuỗi sẹo "nghệ thuật". Thêm vào đó, người Dumagat (nhóm phụ của bộ lạc Aeta) còn có tục lệ cà mòn răng rồi nhuộm đen.
Nhưng gây ấn tượng hơn là phụ nữ bộ tộc Aeta. Họ vốn nổi tiếng là những lang y lành nghề với bí quyết điều chế một số biệt dược truyền thống.
Không chỉ vậy, đa số phụ nữ Aeta còn là thợ săn thiện xạ. Với sự hỗ trợ của chó săn hoặc vài cung thủ nam giới, các nữ thợ săn Aeta có khi còn "sát thú" đem về nhiều chiến lợi phẩm hơn cả đàn ông.
Nhìn chung cư dân bộ lạc Aeta rất khéo tay. Phụ nữ dệt vải sợi, dệt chiếu, đan giỏ mây, võng mây... nhưng trang phục truyền thống của họ thường chỉ đơn giản là váy áo bằng vỏ cây.
Chỉ có đàn ông Aeta mới kết được những phụ kiện làm đẹp như thắt lưng, dây đeo và vòng cổ bằng dây mây hoặc lông lợn. Họ cũng làm ra những chiếc áo mưa bằng lá cọ khá bắt mắt.