Nhiều du khách lần đầu tiên trải nghiệm lội rừng ăn ong lấy mật đã thật sự ngỡ ngàng. Từng đàn ong mật bay ra trước mặt chắc chắn sẽ khiến “người yếu tim” phát hoảng.
Nhiều du khách ngỡ ngàng khi được trải nghiệm nghề gác kèo ong - ăn ong lấy mật. Đây là nghề truyền thống lâu đời của vùng đất U Minh Hạ.
Rừng tràm U Minh Hạ thuộc địa phận tỉnh Cà Mau rộng khoảng 35.000ha, tiếp giáp với rừng U minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Trong hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ có 8.256ha thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ.
Tại đây có hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng, rừng tràm trên đất than bùn. Chính vì vậy, khu vực này có hệ động thực vật phong phú. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch cộng động, du lịch trải nghiệm.
Từ xa xưa, vùng đất U Minh hạ nổi tiếng là nơi giàu sản vật. Hiện nay, tuy không còn trù phú như trước nhưng đất rừng U Minh hạ vẫn đứng hàng đầu trong hệ sinh thái ngọt khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, nơi đây còn có nghề truyền thống gác kèo ong, gắn liền với thương hiệu mật ong U Minh Hạ đã được nhiều người biết tới.
Đến với rừng tràm xứ U Minh Hạ, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên. Song song đó là các hoạt động trải nghiệm rừng tràm nguyên sinh, hệ động thực vật dưới tán rừng; trải nghiệm ăn ong lấy mật trong rừng tràm… Bên cạnh đó, du khách sẽ được thỏa thích thưởng thức nhiều đặc sản nổi tiếng như lẩu mắm U Minh, cá lóc nướng trui, mắm ong, lươn um lá nhàu….
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Duy Khanh, chủ một khu du lịch ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Khi đến khu vực rừng tràm, điều làm du khách thích thú nhất là các hoạt động gần gũi với thiên nhiên. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến là trải nghiệm đi ăn ong lấy mật".
"Nghề gác kèo ong là nghề truyền thống của gia đình. Trước khi phát triển thành sản phẩm du lịch thì đây là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình. Được giới thiệu đến nhiều người nghề truyền thống đặc biệt của quê hương xứ sở là một niềm hạnh phúc lớn lao với chúng tôi", anh Khanh chia sẻ.
Mới đây, nghề gác kèo ong ở huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Nghề gác kèo ong ở huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau là nghề truyền thống lâu đời. Nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở xứ rừng U Minh Hạ.
Theo những người lớn tuổi ở địa phương, nghề thì gác kèo ong hình thành rất sớm, từ những ngày đầu tiên con người đặt chân đến vùng đất này khai hoang mở cõi khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XIX.
Khi hoa tràm rừng U Minh Hạ nở rộ thì hàng đàn ong mật bay về làm tổ, những cư dân sống giữa rừng tràm bạt ngàn này phát hiện ra tập tính của loài ong mật là chỉ làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà. Từ đó, họ tìm hiểu, nghiên cứu rồi nghĩ ra cách làm nhà cho ong và nghề gác kèo ong ra đời như vậy. Đây là một hình thức mô tả quá trình dựng nhà để dẫn dụ ong về làm tổ, tạo môi trường để con ong đến sinh sống.