Từng thất bại khi nuôi nhím, rồi tình cờ biết đến mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Thanh Lịch, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã quyết định chuyển hướng sang nuôi loài chim mắn đẻ này. Đến nay, anh đã là ông chủ trại đang nuôi 4.000 cặp chim bồ câu Pháp, thu lãi 1 tỷ đồng/năm.
Năm 2011 từng thất bại, mất cả chì lẫn chài khi nuôi nhím, cơ duyên bắt đầu trong một lần đến huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh cùng một người bạn, anh Lịch được tham quan mô hình nuôi chim bồ câu Pháp với quy mô lớn nhất huyện lúc bấy giờ. Đó là mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ủa ông Nguyễn Ngọc Thức.
Bị cuốn hút bởi loài chim "chung thủy", nhanh nhẹn, thông minh này, anh Lịch đã nảy sinh niềm đam mê, khao khát xây dựng được mô hình nuôi chim bồ câu Pháp.
Trở về nhà, trăn trở, suy nghĩ mãi, anh Lịch quyết định bàn bạc với gia đình mở một trại nuôi chim để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Nhận được sự ủng hộ của gia đình, anh mạnh dạn bắt tay vào nghề nuôi chim bồ câu với mong muốn làm sao thoát nghèo, ổn định cuộc sống gia đình.
Khởi nghiệp nuôi chim bồ câu Pháp chỉ với hơn 50 triệu đồng vốn trong tay, ban đầu anh Lịch nuôi thử nghiệm 60 cặp chim.
Háo hức làm chuồng, chăm sóc với biết bao hy vọng nhưng kết quả không như anh mong đợi, chim bị chết hàng loạt do không được phát hiện bệnh kịp thời.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Lịch kể lại: "Chán nản! Thời điểm đó, đàn chim bồ câu Pháp chết mất 1/2, lỗ 50% số vốn ban đầu. Đã có lúc tôi có ý định bỏ nghề. Nhưng lại tiếc công sức, số tiền đầu tư vào chuồng trại, được gia đình, cán bộ Hội Nông dân xã đặt niềm tin, động viên nên tôi quyết tâm làm lại một lần nữa".
Bỏ lai thất bại phía sau, anh Lịch tìm đến các mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đã thành công ở các tỉnh. Vốn là một người tỷ mỷ, chịu khó, không bỏ cuộc, anh tìm tòi kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp trên mạng Internet, nghiên cứu tập tính của chim bồ câu Pháp, từ đó ứng dụng vào thực tế chăn nuôi.
Khi nắm chắc kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp, kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp trong tay, chim bồ câu nuôi nhanh lớn và bắt đầu sinh sản. Nhận thấy đây là loài chim dễ nuôi, nhu cầu thị trường đa dạng nên anh Lịch đã tiếp tục "chơi lớn" khi vay thêm vốn để nhân rộng mô hình nuôi thêm 1.000 cặp chim bồ câu Pháp.
"Những ngày đầu bắt tay vào nuôi giống chim bồ câu Pháp, do chưa có điều kiện đầu tư xây dựng nên chuồng trại chật hẹp, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chúng. Một thời gian sau, thấy có triển vọng, kinh tế ổn định hơn, tôi chủ động mua mảnh đất 3 ha ra ở riêng, xây dựng khu chăn nuôi tập trung" – Anh Lịch chia sẻ.
Sau gần 10 năm, bỏ ra nhiều công sức, hiện nay mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Lịch đã có hơn 4.000 cặp chim bố mẹ sinh sản.
Hơn nữa, là người vốn nhạy bén với công nghệ thông tin, anh Lịch tự lập trang web, fanpage giới thiệu, quảng bá sản phẩm chim bồ câu Pháp, mở rộng thị trường.
Đến nay, chim bồ câu Pháo thương phẩm tại trang trại của anh Lịch đẫ có đầu ra ổn định.
Chim bồ câu thương phẩm được cung ứng chủ yếu cho nhà hàng, khách sạn trong nội thành Hà Nội và đây cũng là địa chỉ uy tín, chất lượng cung cấp chim bồ câu giống cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi.
Bắt chim ấp trứng giả mà thu hơn tỷ đồng mỗi năm
Đưa chúng tôi tham quan mô hình, khác kiểu nuôi thông thường, mỗi cặp bồ câu bố mẹ được anh Lịch bố trí nuôi trong lồng riêng rộng 50 cm, chiều cao từ 2,5 – 3m nhằm kháng bệnh và cho trọng lượng cao hơn.
Chuồng trại được anh xây khép kín và có giàn quạt thông gió nên rất thoáng mát, hơn nữa, còn được đầu tư hệ thống nước uống tự động, tiết kiệm thời gian chăn nuôi.
Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, anh Lịch cho hay, đặc tính của chim bồ câu Pháp là một loài dễ nuôi, nhưng luôn luôn phải nắm 3 tiêu chí: ăn sạch, ở sạch, uống sạch.
Vì thế, phải thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại, nếu không bảo đảm được điều kiện vệ sinh thì tỷ lệ chim mắc bệnh, chết rất cao. Về thức ăn, chim chủ yếu ăn cám ngô, mỗi ngày 2 lần và chủ động thay nước uống liên tục.
"Niềm đam mê của tôi là gắn bó với giống chim bồ câu Pháp, chăm sóc chúng còn hơn cả bản thân mình. Hàng ngày, cứ tỉ mỉ ghi chép, đánh dấu số tuổi, tính toán số lượng con giống, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng trại để ngăn bệnh kịp thời. Con nào con nấy, cứ lớn nhanh, khỏe mạnh là tôi vui lắm rồi" - anh Lịch chia sẻ.
Theo anh Lịch, chim bồ câu Pháp có đặc điểm mắc bệnh theo mùa, tháng 1, 2 chim hay bị bệnh đậu, bệnh newcastle; mùa đông chim hay bị bệnh thở, đường hô hấp. Vì vậy, trong suốt quá trình nuôi, cứ 3 - 4 tháng là phải tiêm vaccine phòng bệnh 1 lần.
Cũng theo anh Lịch, ưu điểm của chim bồ câu Pháp là có sức đề kháng và khả năng sinh sản rất cao. Mỗi con bồ câu mái sau 6 tháng bắt đầu đẻ trứng, cứ trung bình 4 ngày chim bồ câu đẻ 2 trứng, mỗi con chim đẻ từ 7 - 9 lứa/năm.
Để đảm bảo được chất lượng trứng ấp nở tối đa, anh Lịch sử dụng máy ấp trứng để nâng cao hiệu quả, tỷ lệ nở đạt đến 95%. Tuy nhiên, quá trình này cần cho bồ câu ấp trứng giả, để không quên mất bản năng nuôi con sau này. Ấp trong máy đảm bảo được nhiệt độ ổn định, sau 17-18 ngày, trứng ấp sẽ nở thành con được anh đưa vào chuồng cho chim bố mẹ nuôi.
Anh Lịch cho biết, bình quân mỗi tháng anh cung cấp ra thị trường hơn 3.000 con chim thương phẩm và 4.500 chim bồ câu giống, trọng lượng đạt từ 500 - 600g/con, giá bán dao động từ 65.000 - 75.000 đồng/con, tùy từng thời điểm; còn con giống có giá 200.000 đồng/cặp.
Trước khi xuất bán, chim bồ câu giống phải đảm bảo yêu cầu kĩ lưỡng của thị trường như: khoẻ mạnh, không được xù lông hay sã cánh và bị dị tật. Trung bình mỗi năm anh Lịch có thể thu về hơn 4 tỷ đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giải quyết việc làm cho 3 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn nhiệt tình hướng dẫn, thiết kế chuồng trại cho các hộ dân trong xã cùng chí hướng.
Do dịch Covid-19, sức mua chim thương phẩm ở các nhà hàng, khách sạn sụt giảm nên giá chim thương phẩm cũng giảm, hiện chỉ còn 65.000 đồng/con. Để ổn định về đầu ra, anh Lịch đã chủ động mang bán trực tiếp tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối để duy trì nguồn vốn tái đàn tiếp theo.
Hiện nay, xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) chỉ có 3 hộ nuôi chim bồ câu Pháp, nhưng đây là mô hình đi đầu và định hướng tốt mà Hội Nông dân hàng năm hướng tới.
"Thành công của anh Lịch những năm qua, không chỉ đóng góp tiêu chí thu nhập đầu người trong xây dựng nông thôn mới mà còn đóng góp phát triển địa phương. Thời gian tới, hy vọng anh Lịch tiếp tục phát triển mô hình để các hội viên trong xã mạnh dạn học tập, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương", bà Nguyễn Thị Vui, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.