Các trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đã được điều động từ nhiều nơi về nằm vùng, đeo bám các đối tượng để nắm rõ quy luật hoạt động, sơ đồ địa hình sào huyệt của bọn chúng trước khi Ban chuyên án cất lưới.
Vừa qua, lực lượng của Bộ Công an và Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp bắt khẩn cấp hàng chục đối tượng trong đường dây sản xuất trên 200 triệu lít xăng giả, trong đó có 2 đối tượng cầm đầu là Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ cùng "ông trùm" Lê Thanh Trung (38 tuổi, ngụ xã Long Tuyền, huyện Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) chuyên cung ứng hóa đơn giả cho đường dây này.
Cảnh sát vây bắt đường dây làm xăng giả, thu giữ hơn 100 tỷ đồng và hàng loạt vật chứng. Video: Công an Đồng Nai.
"Giăng lưới" trên sông Hậu
Trong vụ án này, các đối tượng tham gia đường dây làm xăng giả rất thông thuộc địa bàn, có nhiều "quỷ kế" qua mặt cơ quan chức năng.
Sào huyệt buôn lậu, pha chế, bơm hút, vận chuyển xăng giả tại ụ nổi trên sông Hậu, thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nằm cách chân cầu Cần Thơ chưa đầy 8km. Tuy nhiên, người lạ rất khó xâm nhập vào bởi lối đi phức tạp, càng đi sâu càng vắng vẻ và có tai mắt cảnh giới của Phan Thanh Hữu.
Ngoài mặt đường, các đối tượng cho dựng một cây xăng có nhân viên túc trực. Thực tế, ở đây không diễn ra hoạt động buôn bán gì mà chỉ che mắt, canh chừng hai ngôi nhà nuôi chim yến phía sau. Dưới căn nhà chính là tầng hầm chứa các dung môi, hoá chất pha chế xăng giả.
Ban đêm, những chiếc tàu trọng tải trên 1.500 tấn chở đầy xăng giả được lấy từ phao số 0 chạy vào cập bến. Một con tàu khác có tải trọng tương đương neo ở ụ nổi và xăng giả được bơm qua trước khi trời sáng. Tiếp đó là những chiếc sà lan 400 - 1.000 tấn nối đuôi nhau chờ lấy xăng đưa đi tiêu thụ ở các nơi.
Theo trinh sát C02, các đối tượng hoạt động rất chuyên nghiệp, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, từ nhập hàng, bơm hút, pha chế, hợp thức hóa chứng từ và vận chuyển đến cây xăng để tiêu thụ. Khi phát hiện bị động, chúng cực kì nhanh gọn rút lui bằng tàu, sà lan.
Nhờ hoạt động tinh vi, mỗi ngày các đối tượng cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường.
Để nắm được quy luật hoạt động của đường dây này, cũng như sơ đồ địa hình sào huyệt của chúng, các trinh sát phải tiếp cận từ nhiều phía, cả đường bộ lẫn đường thuỷ.
Khi ở trên bờ, để vào được khu vực sào huyệt và điểm mặt từng đối tượng cảnh giới, các tinh sát phải giả làm dân chạy xe ôm, rồi đến cả dân nhậu say xỉn đi nhầm đường… để tiếp cận đối tượng.
Ở khu vực sông Hậu, có những đêm giữa tháng Chạp, trời rất lạnh, gió to nhưng các trinh sát phải chạy xe máy từ Hậu Giang qua cầu Cần Thơ rồi thuê xuồng nhỏ giả làm dân câu cá trên sông. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nước chảy xiết và lòng sông rộng đến 2,5km là khó khăn không hề nhỏ đối với những trinh sát vốn không phải dân miệt sông nước dù có biết bơi.
"Càng đến gần, chúng tôi phải tắt hết đèn. Đêm khuya gió càng lớn làm cho chiếc xuồng chao đảo nhưng phải cố bình tĩnh vượt qua, tránh bị động", một trinh sát tham gia vụ án nói.
Thời điểm triệt phá đường dây làm xăng giả tại miền Tây là khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đã cận kề. Tuy nhiên, cả tổ trinh sát đều xác định tinh thần không có Tết nếu đánh án chưa xong. Chỉ với vài bộ quần áo trong chiếc ba lô, các trinh sát viên nhận lệnh xong chỉ kịp gọi báo một vài câu cho gia đình rồi tức tốc chạy xe máy về miền Tây trong đêm cho kịp.
Đêm 6/2 (25 Tết), xác định thời cơ cất lưới chín muồi, Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phối hợp với Công an Đồng Nai triển khai trên 500 cảnh sát, 14 tổ công tác đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng trong đường dây làm xăng giả quy mô lớn hơn 200 triệu lít xăng tại nhiều tỉnh thành ở phía Nam gồm: Đồng Nai, TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu và TP. HCM.
Trong đó, lực lượng đường bộ với trên 20 xe máy, 5 chiếc ca nô, người nhái áp sát mục tiêu ở ụ nổi tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - nơi các trinh sát Cục Cảnh sát hình sự ngày đêm nằm vùng.
Khi ập vào bắt quả tang, các đối tượng đang hút xăng giả trên tàu. Con tàu 1.500 tấn chở đầy xăng chuẩn bị nhổ neo bỏ trốn khi phát hiện lực lượng chức năng nhưng Đại tá Mai Hoàng cùng một tổ trinh sát tiếp cận đầu tiên đã kịp thời ngăn chặn.
Khi các lực lượng áp sát, đối tượng chống trả quyết liệt, liều lĩnh dùng tàu lớn lao thẳng vào tàu của lực lượng công an, bỏ chạy nhằm xóa bỏ hiện trường.
Với tinh thần quả cảm, quyết liệt, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các lực lượng chức năng đã kịp thời khống chế toàn bộ các đối tượng.
Quá trình phá án, lực lượng chức năng thu giữ 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 xà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỉ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng.
Được biết, sau đó Công an Đồng Nai phải dùng đến 4 máy đếm tiền chạy trong nhiều giờ đồng hồ mới đếm hết số tiền 100 tỷ đồng và 100 nghìn USD thu giữ từ hoạt động phi pháp của đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả.
Cục Cảnh sát hình sự cho biết, thành công chuyên án triệt phá trên 200 triệu lít xăng giả ở phía Nam là sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị Công an tỉnh Đồng Nai, Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự mưu lược, dấn thân của 3 tổ trinh sát, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm phối hợp với công an địa phương tham gia phá án dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Mai Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự.
Khởi tố 32 đối tượng về hành vi "Buôn lậu"
Đại tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban chuyên án 92G cho biết, các đối tượng trong đường dây đã dùng tàu lớn ra hải phận quốc tế mua xăng dầu bất hợp pháp của nước ngoài, sau đó vận chuyển về Việt Nam dùng hóa chất pha chế thành xăng A95 kém chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ và mua hóa đơn hợp thức hóa nguồn xăng lậu, kém chất lượng này.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 32 đối tượng có liên quan trong vụ án để điều tra về tội "Buôn lậu". Đồng thời công an đang đấu tranh làm rõ hành vi sản xuất buôn bán hàng giả và mua bán hoá đơn trái phép của các đối tượng khác có liên quan vụ án.