Trong 5 năm qua dòng vốn FDI và nhiều ông lớn trong nước đã đổ mạnh vào ngành năng lượng tái tạo. Riêng các tập đoàn nước ngoài đổ vào lĩnh vực này trong 5 năm qua lên tới 5,1 tỷ USD, tăng gấp 38 lần so với 5 năm qua.
Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ tăng từ 47.000 MW hiện nay lên đến 130.000 MW vào năm 2030.
Như vậy, hơn 80.000 MW nguồn điện mới cần phải được xây dựng và đưa vào vận hành trong khoảng 10 năm tới, cùng với đó là cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối. Ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn này là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió… và giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống.
Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 6,6 tỷ kWh điện vào năm 2021; 11,8 tỷ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm trên 13 tỷ kWh vào năm 2023. Để bù đắp sản lượng thiếu hụt này, ước tính từ nay đến 2030 sẽ cần trên 12 tỷ USD mỗi năm để đầu tư nguồn điện mới.
Với nhu cầu lớn như vậy, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thực tế thời gian qua, hàng chục tỷ USD vốn FDI đã đổ vào ngành điện của Việt Nam, trong đó tâm điểm là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điển hình như dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG tỉnh Bạc Liêu, có công suất thiết kế 3.200 MW, tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) đầu tư.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, năm 2020, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện thu hút tổng vốn đầu tư trên 5,1 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư đăng ký (thu hút FDI năm 2020 đạt 28,53 tỷ USD) cao gấp 38 lần so với thời kỳ 5 năm trước đó.
Trước đó, tại diễn đàn Cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức vào cuối tháng 7/2020 cũng có 5 bản ghi nhớ (MOU) được ký kết về việc hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển các dự án điện khí LNG, điện gió ngoài khơi giữa các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Thừa Thiên-Huế, ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu chế tạo trong nước, với tổng giá trị dự kiến của các dự án khoảng trên 20 tỷ USD...
Trong đó, tập đoàn tiên phong trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại châu Á-TBD Copenhagen Infrastructure Partners (CIP-Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận đã ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất lên đến 3.500 MW, vốn đầu tư 10 tỷ USD..
Ở trong nước, các tập đoàn kinh tế lớn triển khai một loạt các dự án năng lượng tái tạo với kỳ vọng bắt kịp xu thế tương lai, tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
Đơn cử như bước chuyển mình từ một nhà phát triển bất động sản sang phát triển năng lượng tái tạo của CTCP Tập đoàn Hà Đô với dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4, nhà máy điện gió Ninh Thuận 7A.. T&T Group của doanh nhân Đỗ Quang Hiển với dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (tỉnh Ninh Thuận); Xuân Cầu Holding với Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2; Dầu Tiếng 3.. đã bước đầu hòa vào lưới điện quốc gia, đưa về mặt lợi ích về kinh tế tương xứng cho từng doanh nghiệp.
Tương tự, Trungnam Group với Dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW. Đồng thời, Trungnam Group cũng đang tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh bằng việc triển khai đồng loạt các dự án năng lượng tái tạo với tham vọng hòa 10 GW vào lưới điện quốc gia đến năm 2027 thông qua hàng loạt dự án tại các tỉnh như Trà Vinh, Gia Lai, Đắk Lắk và Ninh Thuận.
Hay hồi đầu tháng 12/2020, các thành viên thị trường chứng khoán xôn xao khi nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động tổng cộng gần 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu để đầu tư vào điện mặt trời. Các doanh nghiệp này gồm Công ty Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đắk Lắk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty TNHH Năng lượng Sơn La. Trong đó, nhóm Ea Súp (được giao đầu tư, vận hành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, Đắk Lắk) huy động được 7.000 tỷ đồng.
Đáng chú , một trong những dự án gây chú ý nhất của sinh thái Xuân Thiện là Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ hai thế giới.
Trước đó, BCG Energy đã gọi vốn thành công 43,6 triệu USD tương đương với hơn 1.018 tỷ đồng từ Leader Energy (Vietnam) dưới dạng trái phiếu chuyển đổi để đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo của BCG.
Chưa kể, việc giá mua điện hấp dẫn tạo ra sức hút về lợi nhuận của các dự án điện mặt trời tại Việt Nam đã khiến nhiều dự án điện mặt trời từ chỗ ban đầu chỉ có cổ đông trong nước, nhưng sau khi được bổ sung quy hoạch hoặc đi vào vận hành, đã nhanh chóng được sang tay nhà đầu tư nước ngoài.
Một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ảrập Xêút...
Theo tìm hiểu, giá mua điện của các dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 30/6/2019 theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg tương đương 9,35 US cent/kWh, cao hơn tương đối so với giá bán lẻ điện đến các hộ tiêu thụ hiện ở mức bình quân 8 UScent/kWh.
Đánh giá của giới chuyên môn được Công ty Chứng khoán Rồng Việt tổng hợp cũng cho thấy, với sự tiến bộ của công nghệ, chi phí đầu tư sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng giảm, góp phần thúc đẩy xu hướng đầu tư cho mảng năng lượng tái tạo này. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, chi phí sản xuất điện mặt trời có thể đạt trung bình 3,9 US cent/kWh đối với những dự án được vận hành từ năm 2021, giảm 42% so với năm 2019.
Như vậy, ngay cả với mức giá mua điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 US cent/kWh, hay nổi trên hồ là 7,69 US cent/kWh theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, thì dù đã thấp đi đáng kể so với tại Quyết định 11/QĐ-TTg, nhưng vẫn được cho là sinh lợi tốt so với chi phí đầu tư ban đầu.
Ngoài ra, cơ chế mua điện theo giá cố định (FIT) hiện tại ở Việt Nam được cho là hấp dẫn hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, khi áp dụng cơ chế đấu giá cạnh tranh với giá bán điện mặt trời 4,5-6 cent/kWh ở Trung Quốc, và 4,2-5,7 cent/kWh ở Malaysia..
Thay lời kết, một nhà đầu tư cũng là kỹ sư chuyên môn gần 30 năm trong ngành điện cho rằng, với số giờ nắng cao như ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ, các dự án điện mặt trời có thể thu hồi vốn sau 3-4 năm đưa vào vận hành khai thác. Hoàn vốn nhanh, cầu lớn là 2 yếu tố quan trọng hút các nhà đầu tư đổ vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.