TTVH Online

Thế chấp sổ đỏ ở nhiều ngân hàng, có được không?

Phong Cầm 09/10/2020 16:36 GMT+7

Theo luật sư, muốn thế chấp sổ đỏ ở nhiều ngân hàng cần đáp ứng rất nhiều các điều kiện như: Giá trị tài sản tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác...

Câu hỏi:

Gia đình tôi hiện nay có nhu cầu vay vốn ngân hàng, cho tôi hỏi một sổ đỏ của gia đình tôi có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng được không?

Bạn đọc Thành Phạm – Nam Định

Trả lời:

Về việc một sổ đỏ có được thế chấp ở nhiều ngân hàng hay không luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết:

Thế chấp là một trong những biện pháp bảo đảm tương đối phổ biến nhằm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản. Theo đó bên có nghĩa vụ dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền.


Trước tiên, cần xác định tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch. Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được thế chấp để thực hiện vay vốn theo mục đích của bên vay.

Một sổ đỏ có được thế chấp ở nhiều ngân hàng? - Ảnh 1.

Một sổ đỏ có được thế chấp ở nhiều ngân hàng?

Căn cứ theo Điều 296 Bộ luật dân sự 2015 quy định một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. 

Cụ thể, điều 296, một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. 

Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.

Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác.

Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn".

Như vậy, theo quy định trên một sổ đỏ có thể được thế chấp ở nhiều ngân hàng khi đáp ứng các điều kiện sau: Giá trị tài sản tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác; Bên thế chấp phải thông báo về tình trạng tài sản đang thế chấp cho ngân hàng nhận thế chấp tiếp theo; Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản; Khi dùng tài sản để bảo đảm cho các nghĩa vụ tại nhiều ngân hàng cần phải đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Khi đến hạn trả nợ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa hoặc thực hiện không đúng hoặc không đúng hạn thì tài sản bảo đảm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản.


Bảo Yến (ghi)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN