Anh Trần Thái Bình, ấp An Phú, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) đã ghép giống nhãn tím (đột biến từ nhãn xuồng cơm vàng) lên cây nhãn xuồng cơm vàng cho vườn nhãn của gia đình và bước đầu đem lại hiệu quả đáng kể...
Theo lời của anh Bình, giống nhãn xuồng tím được anh mua ở Bến Tre là cây đầu dòng. Chỉ với 2 cây nhãn, anh phải bỏ ra số tiền 9 triệu đồng để mua về. Lúc mới mua, thân cây nhãn chỉ bằng đầu đũa ăn, sau thời gian chăm sóc, anh tiến hành lấy bo để ghép trên vườn nhãn xuồng có tuổi đời từ 2 đến 6 năm tại gia đình, với 2 cây nhãn tím đầu dòng chỉ ghép được 20 cây nhãn tại hộ. Sau 8 tháng đến 12 tháng ghép (tùy vào thời điểm mùa vụ), cây được ghép bắt đầu ra hoa, kết trái và toàn bộ cây đều cho trái màu tím, kể cả lá cũng màu tím.
Anh Trần Thái Bình, ấp An Phú, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) bên cây nhãn xuồng tím do chính tay anh đã ghép thành công. Ảnh: THÚY LIỄU
Tính đến nay, vườn nhãn tím của anh Bình đã cho trái hơn 1 năm. Để cung ứng thị trường liên tục, anh xử lý cây nhãn tím cho trái quanh năm. Do trái nhãn tím xuồng chất lượng ngon, cơm dày, màu sắc lạ, đẹp mắt nên được khách đặt hàng mua dùng liên tục và thường nhãn được cung ứng cho khách ở TP. Hồ Chí Minh với giá bán 250.000 đồng/kg.
Để tạo ra trái nhãn tím chất lượng ngon có thể ghép vào các loại nhãn khác, như: thanh nhãn, nhãn xuồng, nhãn phát tài, nhãn hồng phúc, nhãn hương tri (Đắk Lắk). Với các loại nhãn trên, chỉ cần giữ nguyên gốc cây và ghép bo nhãn tím vào sẽ thu về sản phẩm là những trái nhãn tím. Nếu cây nhãn được ghép có tuổi đời 8 năm thì cho trái khoảng 70kg - 80kg/năm và tùy vào tuổi đời nhãn, sẽ cho sản lượng trái như cây nhãn lúc chưa được ghép. Đồng thời, để nâng cao giá trị trái nhãn xuồng tím, anh Bình đã lựa chọn việc sản xuất trái theo hướng “sạch”, hoàn toàn dùng phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh cung cấp cho cây. Nhãn xuồng tím ra hoa kết trái tự nhiên theo mùa vụ trong năm. Để ra trái quanh năm, anh Bình đã áp dụng kỹ thuật chăm sóc tác động lên cây theo phương pháp tự nhiên, không cần dùng đến phân bón hay thuốc, cây vẫn ra hoa kết trái theo ý muốn.
Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cùng doanh nghiệp đến tham quan vườn nhãn tím của anh Trần Thái Bình, ấp An Phú, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung). Ảnh: THÚY LIỄU
Hiện tại, anh Bình đã cung cấp giống nhãn xuồng tím cho người dân có nhu cầu trồng, bình quân mỗi tháng xuất bán từ 50 - 100 nhánh nhãn, giá 300.000 đồng/nhánh. Bên cạnh đó, anh cũng đang mở rộng việc ghép nhãn tím trên vườn nhãn xuồng hơn 1ha của gia đình, khi việc cắt ghép hoàn tất sẽ cung cấp số lượng giống tầm 50.000 nhánh/tháng. “Sở dĩ tôi mạnh dạn mở rộng việc trồng nhãn xuồng tím bởi qua khảo sát thị trường, khách hàng rất ưa chuộng, trái nhãn cơm dày, thơm ngon, màu đẹp, thích hợp dùng trong các buổi tiệc, liên hoan và thêm vào đó, tôi quyết định trồng nhãn xuồng tím vì có một số doanh nghiệp xuất khẩu đã đến tìm hiểu trái nhãn tím. Nếu sản xuất nhãn xuồng tím theo hướng hữu cơ như hiện tại sẽ đảm bảo phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Tôi cũng nghĩ đến phương án nếu trái nhãn tím đầu ra không thuận lợi thì có thể cắt bỏ phần nhánh ghép màu tím, ghép lại nhãn nguyên bản vẫn cho trái bình thường” - anh Bình bộc bạch.
Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể do người dân chuyển đổi cây mía kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái như: bưởi, dừa, chanh và đặc biệt là cây nhãn. Riêng tại xã An Thạnh 3, anh Bình phát triển trồng nhãn xuồng tím cho năng suất trái tốt và thị trường ưa chuộng. Tới đây, ngành Nông nghiệp huyện sẽ quy hoạch vùng trồng nhãn xuồng tím tại các địa phương có điểm du lịch nhằm kết hợp du lịch sinh thái, tạo điểm nhấn cho khách khi đến tham quan, thưởng thức trái nhãn xuồng tím trên đất cù lao”.