Anh Nguyễn Thanh Nhàn (Ấp 6, xã Vĩnh Trung) được xem là người đầu tiên phát hiện giống xoài lạ này và bắt đầu trồng, nhân giống tại địa phương.
Ông Tống Bữu Sơn - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy (Hậu Giang) giải thích ngay khi thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc về giống xoài lạ có màu hồng phấn rất đẹp đang có rất nhiều tại xã Vĩnh Trung (huyện Vị Thủy).
“Nhiều người đã lầm lẫn giữa xoài cát hồng phấn đặc sản của vùng này với xoài cát hồng có tên Ngọc Vân ở các vùng khác. Xoài ở đây màu đẹp, trái to, chất lượng thơm ngon hơn nhiều và tất nhiên giá bán cũng rất cao. Hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, các loại xoài khác rớt giá thảm hại chỉ còn từ 8.000- 15.000 đồng/kg, nhưng xoài hồng phấn này vẫn đang ở mức 30.000- 35.000 đồng/kg” - ông Sơn nói.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn (Ấp 6, xã Vĩnh Trung) được xem là người đầu tiên phát hiện giống xoài lạ này và bắt đầu trồng, nhân giống tại địa phương.
Anh kể: Trước đây, gia đình anh có 25 công ruộng chuyên canh mía sau đó lên bờ trồng xoài Đài Loan nhưng thu nhập không cao. Năm 2015, anh Nhàn đến huyện Chợ Mới (An Giang) tìm hiểu về loại xoài hồng phấn đang có thu nhập rất cao.
Sau đó anh tìm hiểu về thổ nhưỡng, cách trồng, cách phòng trị bệnh và thấy rằng giống xoài này hoàn toàn phù hợp với đất đai của mình hiện có.
Từ đó anh trồng thử nghiệm 720 cây xoài hồng phấn trên 10 công đất. Kết quả mang về khá bất ngờ, năm 2017 ngay trong vụ đầu tiên anh đã thu hoạch trên 12 tấn trái với giá bán 50.000 đ/kg, sau khi trừ hết chi phí anh còn lời trên 400 triệu đồng; đó là chưa kể trên nguồn tiền lời 200 triệu đồng từ 15 công xoài Đài Loan còn lại. Thừa thắng xông lên, anh đã thay đổi toàn bộ diện tích trồng xoài Đài Loan sang xoài hồng phấn và dự kiến thu hoạch trong năm 2020.
Anh Nhàn kể thêm: “Tên hồng phấn là do tôi tự đặt do khi còn nhỏ chúng có màu xanh, khi lớn có màu vàng và chuyển sang màu hồng phấn khi chín. Xoài này có mùi thơm rất lâu, ít xơ, nhiều nước, hạt nhỏ có thể để lâu từ 10 - 12 ngày trong điều kiện bình thường, rất thuận lợi cho việc vận chuyển đi xa để xuất khẩu. Mình phải bao trái từ nhỏ để tránh sâu bệnh và an toàn cho người dùng do không sử dụng thuốc tăng trưởng và các loại thuốc bảo vệ thực vật”.
Thấy cách làm của anh Nhàn mang lại hiệu quả cao, hàng chục nông dân tại xã Vĩnh Trung đã đến tìm hiểu và mua cây giống từ anh Nhàn về trồng và kết quả vô cùng khả quan.
Ông Nguyễn Văn Tỷ (Ấp 6, xã Vĩnh Trung) phấn khởi nói: “Tôi đã phá bỏ vườn nhà đang trồng cam, quýt không hiệu quả và chuyển sang trồng xoài hồng phấn theo hướng dẫn của chú Nhàn. Năm 2019, với 5 công đất, sau khi trừ hết chi phí tôi còn lời hơn 250 triệu đồng bởi giá thị trường lúc này lên đến 60.000 đ/kg xoài hồng phấn”.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: Giống xoài này có thân rất khỏe tốt, tán cây không quá cao nên dễ thu hoạch trái. Cây có thể cho trái sau 24 tháng trồng; trồng được trên nhiều loại đất, chỉ cần đất có độ tơi xốp, đường thoát nước tốt không bị ngập úng và không bị nhiễm mặn.
Hiện nay, anh Nhàn đã chủ động cho trái 2 vụ/năm thay vì 1 vụ như cách làm ở An Giang. Vụ thứ nhất sẽ thu hoạch vào tháng 2- 3 âm lịch; vụ thứ hai từ tháng 10- 11 âm lịch, từ đó sản lượng sẽ tăng gấp đôi nhưng chất lượng vẫn luôn đảm bảo.
Bình quân mỗi trái khi thu hoạch có trọng lượng từ 1,2 - 1,5kg, có những trái đạt trọng lượng trên 2,5kg. Thị trường tiêu thụ xoài hồng phấn hiện nay là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất sang Trung Quốc…
Chưa dừng lại ở đó, anh Nhàn còn tự chiết ghép cây giống gồm 3 loại: xoài Đài Loan, xoài hồng phấn và xoài Úc có chất lượng rất cao và bán với giá 40.000 đ/cây. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm anh bán khoảng 2.500 cây giống thu về trên 100 triệu đồng.
Với cách làm khoa học, nhạy bén, thông minh, anh Nguyễn Thanh Nhàn đã có thu nhập mỗi năm trên 700 triệu đồng và sẽ chưa dừng lại ở con số này bởi năm nay 15 công xoài hồng phấn của anh bắt đầu cho trái chiếng sẽ mang lại cho anh số tiền không nhỏ.
Hiện chính quyền xã Vĩnh Trung đang làm kế hoạch thực hiện quy trình hỗ trợ dán tem nguồn gốc xuất xứ trên trái xoài cát hồng phấn của anh Nhàn và những hộ trồng xung quanh. Đây là biện pháp giúp người tiêu dùng an tâm hơn về nguồn gốc của trái xoài đang cho tín hiệu lạc quan và tạo tiền đề để người dân vùng này phát triển loại cây xoài hồng phấn cho hiệu quả kinh tế rất cao.