TTVH Online

Quảng Trị: Về nơi có giếng Chăm cổ nước mát về mùa hè, ấm về mùa đông, ngày xưa thú dữ rất nhiều

Phong Cầm 05/07/2020 06:45 GMT+7

Thôn Nam Tân nằm ở phía Tây của huyện Gio Linh (Quảng Trị), trên một triền đất đỏ ba dan màu mỡ với địa thế trải dài xuôi về hướng Đông. Cây trái ở đây được nuôi dưỡng từ dung nham núi lửa qua ngàn năm tinh chất và nguồn nước mát lành nên sum suê hoa lợi bốn mùa.

Mảnh đất thâm khê xa xôi này ôm trọn trong mình những câu chuyện xưa và nay, hòa quyện trong sự đồng vọng của lịch sử dân tộc nhọc nhằn mà vinh quang qua từng trang sử sách.

Theo cuốn Đồng Khánh dư địa chí của triều Nhà Nguyễn, vào thời Đồng Khánh, phường Nam Tây thuộc tổng An Mỹ Thượng, huyện Minh Linh. 

Sau cách mạng Tháng Tám thuộc về các xã: Nam Linh, Linh Mai, Linh An và đến ngày nay thì phường Nam Tây và Tân Du hợp thành thôn Nam Tân, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Quảng Trị: Về nơi có giếng Chăm cổ nước mát về mùa hè, ấm về mùa đông, ngày xưa thú dữ rất nhiều - Ảnh 1.

Giếng cổ người Chăm tại thôn Nam Tân. Ảnh: Việt Hà

 Qua lời kể của các vị cao niên trong làng thì xưa kia đây là vùng rừng thiêng nước độc, thú dữ hoành hành, cọp beo hàng đàn kéo về quanh làng gầm thét thâu đêm, có một số người bị kéo xác vào rừng sâu…

Sau này làng lập ra các “ Đội hộ pháp” gồm những dân binh trai tráng dũng mãnh, canh gác, săn đuổi liên tục nên thú dữ mới bỏ đi nơi khác.

 Ông Bùi Văn Chức, Hội chủ làng Nam Tây cho biết, người có công lập ra xứ này là ngài Bùi Quý Công- một trong 3 vị tiền khai ra phường Nam Tây. 

Tương truyền ông là một trong những hậu duệ của thủ hạ thân tín Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, theo lệnh đưa dân binh từ vùng Mai Xá lên khai phá đất đai thuộc miền tây Gio Linh ngày nay, lập nên 8 phường thuộc tổng An Mỹ Thượng. 

Các phường có một đình làng chung ở chợ Mai Xá Thượng - nay gọi là chợ Nam Đông. Điều này cũng lý giải vì sao các phường, các làng ở vùng này chỉ có miếu thờ Thành hoàng mà không có các đình làng riêng.

 Miếu thờ Thành hoàng của phường Nam Tây nằm về phía Bắc của làng. Có một điều kỳ lạ là qua các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, tất cả nhà cửa, cây cối trên vùng Cồn Tiên đều bị san phẳng bởi chất độc phát quang và bom đạn nhưng ở khu vực miếu này các cây cổ thụ, tường rào, bức bình phong vẫn còn khá nguyên vẹn từ thuở khởi dựng. 

Ngôi miếu không chỉ thờ vị thần Cao Các Quảng Độ mà còn thờ 3 vị đại lang tiền khai của làng - Những bậc tiền nhân đi lập làng phải chịu bao gian khổ mới hình thành nên một miền quê mới. Nhân dân nơi đây luôn xem ngôi miếu như là một sự linh diệu của thần linh, muôn đời tạo nên sự an yên cho làng vậy.

 Một trong những di tích cổ xưa còn sót lại nhưng còn hữu ích cho thế hệ sau này đó là các giếng cổ người Chăm. Tuy không xây dựng kiên cố và nhiều kiểu dáng như các giếng cổ vùng Gio An, Gio Linh, nhưng các giếng cổ nơi đây cũng được khởi nguồn từ các triền đất đỏ bazan và luôn có nguồn nước mát rượi về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. 

Theo lời kể của bà con nơi đây thì từ nguồn nước này bên cạnh việc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, còn dùng để trồng các loại rau môn, rau xà lách xong phục vụ cho bữa ăn gia đình và cung cấp ra thị trường.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Nhân dân thôn Nam Tân đã một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, trung trinh với cách mạng. Kiên quyết bám trụ trên quê hương để đánh địch. 

Anh hùng lực lượng vũ trang Trương Đức Hai, nguyên Chủ tịch UBND xã Gio Sơn lúc mới giải phóng cho biết: “Trong những năm tháng trước 1954, vùng đất Nam Tân này là nơi nhiều vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh và huyện đến ở lại hoạt động. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi trú ngụ của nhiều đơn vị bộ đội tham gia các trận đánh vang dội tại Cồn Tiên, Dốc Miếu, Mai Lĩnh, Quán Ngang. Địch đã mở nhiều cuộc càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng của ta, nhưng đều thất bại…”.

0
Advanced issue found

Một trong những truyền thống quý báu được lưu giữ xưa nay trên mảnh đất này đó là truyền thống hiếu học. Các dòng họ trong làng bao đời luôn chú trọng việc dạy dỗ con cháu trong họ tộc hiếu đễ, thuần hậu và dùi mài khoa cử.

Truyền thống ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính sự quan tâm sâu sát, động viên kịp thời của các bậc trưởng thượng và dòng họ đã tạo động lực rất lớn cho con cháu vượt khó vươn lên học tập, làm người có ích cho xã hội, rạng danh cho gia đình, họ tộc. 

Ông Bùi Văn Thọ, trưởng họ Bùi, chia sẻ: “Bên cạnh thực hiện tốt công tác khuyến học khuyến tài thì việc răn dạy con cháu không vi phạm pháp luật cũng luôn được dòng họ chú ý. Dòng họ Bùi cũng là dòng họ đầu tiên trong thôn, xã đăng ký thực hiện dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội”.

 Hiện Nam Tân có 158 hộ với gần 600 nhân khẩu. Thôn Nam Tân có lợi thế về trồng các loại cây công nghiệp như cao su và hồ tiêu. Hiện thôn có diện tích hàng chục héc ta hồ tiêu, hầu như gia đình nào cũng trồng cây hồ tiêu và cho năng suất cao; gần 70 héc ta trồng cao su tiểu điền, phần lớn đang trong độ tuổi thu hoạch, góp phần đem lại nguồn thu nhập cho người dân. 

Ngoài ra, Nam Tân có diện tích lúa chừng 10 héc ta được tưới từ những giếng cổ của người Chăm xưa để lại. Từ những giếng cổ, các nguồn nước mát lành ngày đêm chảy không ngừng nghỉ cung cấp cho hồ Phú Dụng, một trong những hồ chứa nước phục vụ hiệu quả cho việc canh tác nông nghiệp của vùng miền Tây của huyện Gio Linh.

Từ ngưỡng vọng truyền thống lịch sử trong quá khứ và sự chung tay xây dựng quê hương của hậu thế hôm nay, tin chắc rằng hồn cốt văn hóa dung dị ấy sẽ tạo dựng một Nam Tân tự tin đi tới tương lai.

Nguyễn Việt Hà
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN