Giữa cái nắng như lửa, đến làng nghề làm cao khô ở thôn Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (tỉnh Lạng Sơn), từ ngõ nhỏ đến sân phơi, đâu đâu cũng thấy bánh phở phơi trắng lối. Mỗi năm, nhờ nghề làm cao khô, người dân nơi đây có thu nhập gần 1,9 tỷ đồng.
Làm cao khô (phở khô) là nghề truyền thống ở thôn Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Cao khô Chợ Bãi rất nổi tiếng bởi vị thơm, ngon đặc trưng riêng.
Bình quân mỗi ngày, làng nghề này sản xuất và tiêu thụ gần 3.600 bó cao khô, giá trị thu được gần 5,2 triệu đồng mỗi ngày, tương đương trên 150 triệu đồng/tháng và gần 1,9 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa có sự liên kết và chưa có thương hiệu nên người tiêu dùng khó nhận biết và phân biệt cao khô Chợ Bãi với sản phẩm ở địa phương khác.
Do đó, từ tháng 6/2018, UBND huyện Văn Quan đã triển khai thực hiện Dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi”.
Dự án nhằm phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời giúp các hộ sản xuất, kinh doanh cao khô kết nối với các tổ chức sản xuất, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Qua 2 năm triển khai, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Điều tra, khảo sát bản đồ quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa sản phẩm cao khô; kiểm nghiệm một số mẫu cao khô theo các chỉ tiêu, chất lượng; xây dựng tem, nhãn mác; quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm,...
Tháng 7/2019, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Cao khô Chợ Bãi".
Nói về quá trình xây dựng nhãn hiệu tập thể, ông Hà Văn Thiện, Chủ nhiệm Dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cao khô Chợ Bãi” cho biết: Nghề làm cao khô vốn là nghề truyền thống từ xa xưa ở đây, tuy nhiên hiện chỉ còn khoảng 50 hộ dân vẫn giữ và phát triển nghề này.
Để xây dựng được thương hiệu, bà con đã xây dựng nhãn mác, đóng logo sản phẩm. Đồng thời xây dựng đơn đăng ký và đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định phê duyệt nhãn hiệu tập thể.
Chị Hoàng Thị Hương - người có nhiều năm làm cao khô cho biết: "Nghề này là nghề gia truyền của gia đình tôi. Nếu trước đây bánh phở được tráng bằng tay thì giờ đây đã được đầu tư máy móc tráng bánh. Giờ đây trung bình khoảng 3 ngày xong một mẻ cao khô, giảm một nửa thời gian so với làm bằng phương pháp thủ công”.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì tổ chức Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể "Cao khô Chợ Bãi”. Hội đồng đánh giá đã thống nhất nghiệm thu dự án đạt yêu cầu đề ra.
Theo chị Hương, thời điểm nắng nóng như hiện nay đang rất thuận lợi cho việc phơi cao khô nên các hộ dân đều tranh thủ tráng bánh để đóng gói. Trung bình một ngày gia đình chị Hương làm được khoảng 800 bó. Nhờ làm nghề cao khô mà gia đình chị có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Cũng theo chị Hương, cao khô có thể để được 2- 3 tháng mà không hỏng nên rất đông khách phương xa từ Hà Nội, Hà Nam, Đắk Lắk, TP.HCM… đến đặt mua. Người dân địa phương đi công tác, đi chơi xa đều lấy cao khô quê nhà để làm quà.
Hiện nay, các hộ sản xuất cao khô đã áp dụng cải tiến công nghệ để phù hợp với xu thế phát triển. Nhiều hộ dân đã tự động hóa một số công đoạn để nâng cao năng suất, ngoài ra vẫn thực hiện thủ công nhằm đảm bảo chất lượng và giữ những ưu điểm của cao khô Chợ Bãi.
Cao khô dễ sử dụng nên thường được sử dụng nhiều trong các bữa ăn như: Làm mì ăn liền; làm các món ăn xào củ; xào gà, nấm; xào giòn; xào cùng rau cần hoặc rau bò khai; ăn kèm với sốt vang; nhúng lẩu...
Để nâng cao chất lượng sản phẩm cao khô Chợ Bãi, chính quyền các cấp của huyện Văn Quan đã tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như mở các lớp đào tạo kỹ năng về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ năng sản xuất cho các hộ sản xuất cao khô; tạo ra sự đồng đều về chất lượng; các sản phẩm sẽ được thiết kế mới hoặc cải tiến phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường; đồng thời gìn giữ được giá trị của sản phẩm truyền thống.