Luật sư Trần Hồng Phong (người bảo vệ quyền lợi cho Hồ Duy Hải) tiếp tục có đơn cung cấp tình tiết mới và kiến nghị kháng nghị tái thẩm vụ án Hồ Duy Hải. Đơn này được luật sư Phong gửi tới Chủ tịch nước, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao, Chánh án TAND tối cao và Ủy ban Tư pháp Quốc Hội.
Luật sư Phong cho biết, ngay sau khi phiên tòa giám đốc thẩm kết thúc, liên tiếp xuất hiện nhiều tài liệu, tình tiết mới mà trước đây ông và các luật sư chưa từng được biết đến, hoặc không được tiếp cận, hoặc chưa phát hiện ra.
Trong đơn kiến nghị lần này, luật sư Phong tếp tục chỉ ra nhiều điểm chưa được làm rõ, trong đó, đáng chú ý là việc có nhiều tài liệu thể hiện Hồ Duy Hải đã liên tục kêu oan, nhưng chưa bao giờ được xem xét về nội dung kêu oan. Việc Hồ Duy Hải khai nhận tội là có, tuy nhiên cùng đó Hồ Duy Hải cũng liên tục kêu oan, khẳng định mình chỉ khai, chứ không thực hiện hành vi giết hại hai nạn nhân.
Luật sư Phong cho biết, qua những tài liệu mới xuất hiện, ông được biết rõ thêm như sau: Khi nhận cáo trạng, lời nói đầu tiên của Hồ Duy Hải là mình không phạm tội, cáo trạng không đúng. Hồ Duy Hải kêu oan tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên phúc thẩm, Hồ Duy Hải cũng kêu oan.
Trong lời nói sau cùng Hồ Duy Hải đề nghị "xem xét lại vụ án này thật kỹ", và khẳng định mình không phạm tội. Đặc biệt, trong thời gian đang chờ thi hành án, năm 2011 từ trong trại tạm giam công an tỉnh Long An, Hồ Duy Hải đã gửi đơn kêu oan đến Quốc hội. Và trong thời gian tiếp xúc với đoàn giám sát, đoàn công tác liên ngành, Hồ Duy Hải cũng kêu oan.
Thêm nữa, nhiều năm qua và cho tới hiện tại, mỗi khi gia đình vào thăm gặp, Hồ Duy Hải đều nói mình bị oan, và đề nghị gia đình tìm Chủ tịch nước để xin minh oan cho mình.
Tuy nhiên, luật sư Phong cho rằng, điều bất thường là hầu hết những tài liệu thể hiện lời kêu oan của Hồ Duy Hải hoặc là đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án, hoặc là các luật sư chưa bao giờ được tiếp cận. Chỉ sau phiên tòa giám đốc thẩm, những tài liệu thể hiện việc Hồ Duy Hải kêu oan mới xuất hiện và hoàn toàn có thể kiểm chứng.
Như vậy, có thể khẳng định Hồ Duy Hải kêu oan là xuyên suốt, có thật. Nhưng nội dung kêu oan của Hồ Duy Hải chưa bao giờ được xem xét một cách cẩn trọng, đối chiếu với những tình tiết mâu thuẫn, chưa làm rõ trong hồ sơ vụ án.
Ngoài nội dung trên, luật sư Trần Hồng Phong còn cho rằng, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm là ông Lê Quang Hùng trước đó đã chứng kiến thực nghiệm điều tra, vậy không thể bảo đảm xét xử khách quan, độc lập?
Luật sư phân tích, về tố tụng, trong bản ảnh thực nghiệm hiện trường do CQĐT chụp (ngày 20/8/2008) cho thấy một tình tiết bất ngờ đó là thẩm phán Lê Quang Hùng - người sau đó là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã có mặt chứng kiến quá trình thực nghiệm điều tra.
Theo quy định tại Điều 42 và 46 BLTTHS 2003 (nay là Điều 49 và 53 BLTTHS 2015) thì: Người tiến hành tố tụng (thẩm phán) phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ đã tham gia với tư cách là người làm chứng trong vụ án đó; hoặc có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Theo luật sư, mặc dù thẩm phán Hùng không chính thức tham gia vào quá trình thực nghiệm điều tra với tư cách là người làm chứng, tuy nhiên việc ông có mặt, chứng kiến Hồ Duy Hải thực nghiệm điều tra (là một thủ tục tố tụng thuộc giai đoạn điều tra và có ý nghĩa tương đương vai trò là người chứng kiến) rồi sau đó chính ông lại là chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm là không vô tư, khách quan.
Mặt khác, sự có mặt của thẩm phán Lê Quang Hùng khi vụ án vẫn đang trong giai đoạn điều tra, chưa có kết luận điều tra, chưa có cáo trạng nhưng đã có thẩm phán (là người của cơ quan xét xử) tham gia vào là điều bất thường và không bảo đảm sự độc lập.
Từ những tình tiết mới trên, luật sư Trần Hồng Phong đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao xem xét và ra quyết định kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án này theo quy định tại Điều 400 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.