Dự án thu phí không dừng đang bị chậm tiến độ và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng phụ trách dự án đã có báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm. Còn nhà đầu tư BOT thì lại đưa hàng trăm lý do để đổ lỗi cho việc chậm tiến độ này.
Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã có báo cáo tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) đang bị chậm tiến độ gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, để kiểm điểm, trách nhiệm về việc chậm tiến độ hệ thống thu phí tự động không dừng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì 3 buổi họp rà soát, kiểm điểm đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Kết quả 8 tập thể có liên quan đều nghiêm túc kiểm điểm trong đó 4 đơn vị trực tiếp liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm.
Về cá nhân, với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm. 30 cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị có liên quan có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ. Trong đó có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm; 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liênquan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 2 buổi họp để đôn đốc triển khai và kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan đơn vị liên quan đến việc chậm tiến độ dự án. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải "nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động trong thời gian qua. Về lộ trình, người đứng đầu ngành giao thông cho biết sẽ bản hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng trong năm 2020.
Đây là vấn đề đã bị chậm chễ nhiều lần trong những năm qua, và cũng đã nhiều lần Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đăng đàn tự nhận trách nhiệm, đưa ra lời hứa cùng với mốc thời gian hoàn thành. Tuy nhiên, dư luận bày tỏ băn khoăn và hoài nghi về lời hứa này.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, hiện có nhiều nhà đầu tư BOT rất muốn triển khai nhanh lắp đặt thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết được và cần có sự đồng tình từ phía các ngân hàng tài trợ vốn dự án, từ đơn vị lắp đặt hệ thống thu phí, nhà đầu tư BOT và Cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT.
Nhà đầu tư BOT luôn sẵn sàng triển khai thu phí không dừng theo chủ trương, nhưng hiện vẫn còn nhiều phát sinh khi triển khai họ sẽ phải chịu rất nhiều ràng buộc từ cơ quan quản lý yêu cầu tất cả các nhà đầu tư phải ký phụ lục hợp đồng với đơn vị cung cấp (công nghệ, thiết bị) thu phí không dừng để họ vào tiếp quản, rồi điều hành luôn việc thu phí. Một vấn đề khác đó là việc nhà đầu tư phải chiết khấu cho đơn vị lắp đặt hệ thống với % cao và phải giao lại dự án BOT hàng nghìn tỷ đồng cho họ quản lý, điều hành là rất vô lý.
Làm rõ vấn đề, tại sao nhà đầu tư không mặn mà với thu phí tự động không dừng, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo một doanh nghiệp dự án cao tốc đang được vận hành khai thác cho biết: "Nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư không muốn lắp đặt thu phí không dừng, không phải là do nhà đầu tư không muốn lắp đặt. Bản thân chúng tôi là nhà đầu tư rất muốn được lắp đặt để minh bạch trong việc thu phí và giảm được ùn tắc mỗi khi nghỉ lễ Tết".
"Lý do các nhà đầu tư không mặn mà là việc chiết khấu % quá cao cho đơn vị lắp đặt hệ thu phí không không dừng. Trong đó, nhà đầu tư BOT phải bàn giao trạm và trích % cho đơn vị lắp đặt cao (từ 2-4% lợi nhuận)", vị này nói.
Vị này đặt ra giả thiết: "Cứ thử nghĩ xem, nhà mình đang sống yên ổn mà tự nhiên có 1 người lạ vào ở cùng rồi phải nuôi ăn, nuôi ở, lại phải trả thêm tiền % cho họ thì liệu có ai muốn như vậy không? Nhà đầu tư chúng tôi đang phải trả lương cho nhân viên thu phí tại trạm, bây giờ lại phải bỏ thêm 1 khoản để trả cho người khác vào thu phí rồi bàn giao lại cho họ thì có hợp lý không?".
Trong khi đó, nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt vấn đề: "Việc thu phí tự động không dừng đã được đưa ra ở nhiều ký Quốc hội rồi, nhưng đến kỳ này vẫn tiếp tục là vấn đề "nóng". Nguyên nhân từ đâu thì cần phải rà soát lại quá trình triển khai dự án, các nhà đầu tư BOT có nhiệt tình triển khai hay không? Nếu nhà đầu tư không mặn mà thì phải làm rõ vì sao họ không mặn mà, có phải do các quy định ràng buộc. Hay quyền lợi của họ chưa được đảm bảo?