Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Phải đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU vào năm 2022

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 13/07/2021 14:25 PM (GMT+7)
Sáng 13/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) họp lần thứ 5. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp để gỡ thẻ vàng IUU vào năm 2022.
Bình luận 0

Phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, việc bị EC áp dụng thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào năm 2017 đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bà con ngư dân, đến tình hình xuất khẩu thủy sản cũng như hình ảnh đất nước.

Chính vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, thực hiện các giải pháp để gỡ "thẻ vàng" của EC.  

Các bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển và mỗi ngư dân đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp, gỡ thẻ vàng IUU vào năm 2022 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp để gỡ thẻ vàng IUU vào năm 2022. (Ảnh: Đức Tuân/VGP).

"Qua đó, chúng ta đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EC để tháo gỡ "thẻ vàng"; triển khai bước đầu có hiệu quả các giải pháp, nhóm giải pháp khắc phục, coi đây là cơ hội để phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam một cách có trách nhiệm, ngày càng bền vững" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc gỡ thẻ vàng IUU là rất cao, nếu thực hiện nghiêm túc, đời sống của bà con được cải thiện, góp phần xây dựng hình ảnh đất nước, thúc đẩy xuất khẩu, củng cố quốc phòng an ninh.

Năm 2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt là 61.904.462.000 đồng. Năm 2021, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là 13.679.600.000 đồng. Một số tỉnh bước đầu đã xử phạt các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận…

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, thời gian qua, các bộ ngành chức năng đã tích cực xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan thực hiện; từ đó đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng của ngư dân, số lượng tàu vi phạm giảm, trang thiết bị tàu cá được củng cố, 90% số tàu từ 15m trở lên được lắp đặt thiết bị hành trình.

Việc quản lý truy xuất nguồn gốc có nhiều tiến bộ, đã thực hiện chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; bước đầu kiểm soát được hoạt động nhập khẩu sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc chống khai thác IUU ở nhiều địa phương.

Trong đó, EC nhìn chung vẫn rất quan ngại, cho rằng vẫn còn những vấn đề nghiêm trọng trong việc thực hiện khung pháp lý và đặc biệt là công tác kiểm soát tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, thực thi quy định xử phạt hành chính đối với công tác kiểm soát tàu cá và kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam nhằm đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp, gỡ thẻ vàng IUU vào năm 2022 - Ảnh 2.

Cuộc họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì đưa ra nhiều nhóm giải pháp mạnh để quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU vào năm 2022. (Ảnh: Đức Tuân/VGP).

"Trên thực tế đã xuất hiện những hành vi, hiện tượng ngư dân lách quy định nhằm trục lợi như tắt thiết bị giám sát hành trình VMS, hoặc cấu kết với nhau để làm sai lệch tín hiệu giám sát… Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo độ tin cậy. Hạ tầng cảng cá còn rất lạc hậu, không được quan tâm đầu tư trong thời gian dài. Đặc biệt, vẫn còn để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài" - Phó Thủ tướng nhấn manh.

Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu tiên quyết của EC là phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nếu để tình trạng này tiếp tục kéo dài, không chấm dứt thì Việt Nam sẽ không thể gỡ cảnh báo "thẻ vàng" và thậm chí có khả năng EC sẽ nâng lên cảnh báo "thẻ đỏ".

Quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU trong năm 2022

Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng đề nghị bộ ngành chức năng, các địa phương phải thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp để mục tiêu đến năm 2022 phải gỡ được thẻ vàng. 

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo phòng chống khai thác IUU một các hiệu quả. 

Cần triển khai tất cả các cơ chế toàn diện (bao gồm cơ chế kiểm tra liên ngành, cơ chế phối hợp tổ chức triển khai thực hiện); tăng cường sự giám sát trong việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong thực tế.

Có các quy định xử phạt thật nặng việc tàu cá vi phạm vùng biển của các quốc gia, các vùng biển không được phép khai thác.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn các hoạt động sử dụng phương tiện đánh bắt trái phép, hoạt động sai vùng, tuyến và hoạt động đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; kiên quyết xử lý, xử phạt nghiêm các vụ việc vi phạm, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Từ khi thành lập đến nay (tháng 6/2019), Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU đã tổ chức 04 cuộc họp; ban hành các văn bản chỉ đạo; trực tiếp kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác chống khai thác IUU.

Cơ quan thường trực của BCĐ đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo; tổ chức trên 10 Đoàn đi kiểm tra thực tế.

Hiện, số lượng tàu cá đã được lắp thiết bị giám sát đạt 87,45%; 90,53% tàu cá đã thực hiện đánh dấu đạt.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo các yêu cầu về hoạt động khai thác thủy sản theo quy định, đặc biệt là các yêu cầu về đảm bảo an toàn tàu cá, giấy phép khai thác, lắp đặt, sử dụng thiết bị VMS.

 Phối hợp với Bộ Công an trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến đối tượng nghi vấn môi giới đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác trái phép để tổ chức điều tra, xử lý.

Ngăn chặn hoạt động vi phạm vùng biển Việt Nam của tàu cá nước ngoài; đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác hải sản.

Bộ Công an tập trung chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đồng thời xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao tăng cường công tác nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam; phối hợp với các cơ quan chức năng ở nước sở tại thu thập thông tin, hồ sơ bằng chứng tàu cá vi phạm để kịp thời trao đổi với cơ quan chức năng trong nước củng cố hồ sơ, bằng chứng tàu cá vi phạm, xử phạt nghiêm các đường dây môi giới tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép;

Phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến tàu cá, ngư dân Việt Nam bị bắt giữ; đề nghị các nước giải quyết trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và tuân thủ luật pháp quốc tế, không làm ảnh hưởng quan hệ ngoại giao hai nước; kịp thời phản đối các vụ việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài đối xử thô bạo trên các vùng biển, nhất là tại các vùng biển chồng lấn, đang đàm phán phân định.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định. Kiên quyết không cho bốc dỡ thủy sản đối với các tàu cá có vi phạm.

Khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS), đánh dấu tàu cá, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý hoạt động tàu cá. 

Quản lý, xử lý nghiêm các tàu cá không lắp đặt thiết bị VMS vẫn khai thác, các tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị khi hoạt động trên biển.

 Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích pháp luật, vận động ngư dân thay đổi thói quen, nhận thức rõ các hành vi vi phạm, tuyệt đối tuân thủ các quy định về khai thác thuỷ sản.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem