"Phát hờn" với hoa cúc cổ Sơn La, hai bên lối đi đỏ rực màu hoa quý, dân chơi đang săn lùng

Chủ nhật, ngày 05/03/2023 15:12 PM (GMT+7)
Cây cúc cổ có hoa mầu đỏ đô, cây thân gỗ, dễ chăm sóc với hương thơm dễ chịu, tượng trưng cho sự kiên cường, đem lại may mắn và hưng thịnh cho gia chủ…Do vậy, mấy năm gần đây, thú chơi mới với loài hoa cúc cổ Sơn La đang được những người yêu hoa, sưu tầm và săn lùng.
Bình luận 0

Cây hoa cúc cổ Sơn La là một trong những loài hoa nở rộ vào đúng dịp Tết Nguyên đán và hoa nở bền hơn một tháng. 

Cây cúc cổ Sơn La thường được trồng trong vườn, trong chậu để trang trí sân, ban-công của ngôi nhà hay tại các khuôn viên của gia đình. Loại hoa này cũng thường được cắm lọ để thắp hương, trang trí nội thất hay đặt trên bàn làm việc…

Những người yêu hoa, chơi hoa cúc cổ Sơn La thích loài hoa này còn bởi hương thơm dịu nhẹ, giúp xóa tan mệt mỏi và căng thẳng sau những giờ làm việc, lao động.

Đi tìm nguồn gốc hoa cúc cổ Sơn La

Dịp rằm tháng Giêng vừa rồi, vào thăm một gia đình người bạn ở bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, TP Sơn La (tỉnh Sơn La). Bước vào cổng nhà, hình ảnh thu hút sự chú ý của chúng tôi là khóm hoa mầu đỏ đậm bắt mắt có ba gốc với tán rộng hơn 1m. 

"Phát hờn" với hoa hóa cúc cổ Sơn La, hai bên lối đi đỏ rực màu hoa quý, dân chơi đang săn lùng - Ảnh 1.

Sau rằm tháng Giêng là thời điểm cắt tỉa cúc cổ Sơn La để chuẩn bị cho mùa hoa sau.

Lại gần, hoa tỏa ra một mùi hương rất nhẹ nhàng riêng biệt. Chủ nhà chia sẻ: Đây là hoa cúc cổ Sơn La, loại cúc này có hoa nở bền, dễ chăm sóc và đang được giới chơi hoa cổ từ bắc đến nam sưu tầm. Khóm hoa cúc cổ Sơn La này trồng hơn năm nay từ một nhánh nhỏ hơn gang tay, thi thoảng mới phải tưới nước cho cây và chưa thấy cây bị sâu bệnh như một số loại hoa khác. 

Theo chủ nhà, từ ngày cây cúc cổ ra hoa, nhiều người trong bản đến xin cành về trồng và đều phát triển tốt…

Tiếng là công tác ở Sơn La gần 20 năm nhưng đúng hôm rồi mới biết đến vẻ đẹp của hoa cúc cổ Sơn La. Thắc mắc về tên gọi, tôi cũng đặt câu hỏi với chủ nhà nhưng câu trả lời là không rõ. Vì chỉ thấy hoa đẹp nên cũng xin từ một người quen ở xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, nơi rất nhiều gia đình trồng loại hoa này ở cổng, sân vườn hay trong những chậu hoa bày ở cửa nhà…

Trong câu chuyện về cây cúc cổ Sơn La, ông Đỗ Xuân Tảo, một người chuyên cây cảnh, chơi hoa ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, thông tin thêm: “Cách đây hai năm, vô tình thấy vẻ đẹp của cúc cổ Sơn La trên mạng, tôi đã đặt mua mấy gốc từ vườn hồng Nguyệt Điền ở Sơn La về chơi và nhân giống. Đây là cây thân gỗ sống lâu năm, là giống cổ có từ rất lâu đời tại Việt Nam, nhất là tại Sơn La, dễ trồng và dễ chăm sóc. 

Như Tết vừa rồi, toàn bộ các chậu cúc cổ một năm tuổi tôi đã bán hết với giá 500 đến 700 nghìn đồng/chậu. Hiện, vẫn còn một gốc cúc cổ Sơn La mua ở vườn hồng Nguyệt Điền hai năm tuổi, cao 1,5m, tán rộng hơn 1m, họ trả mấy triệu đồng không bán vì muốn để làm kỷ niệm và nhân giống”.

Câu chuyện bẵng đi mấy hôm thì nhận được cuộc gọi từ một đồng nghiệp dưới Hà Nội hỏi về loài cúc cổ Sơn La. 

Vì dịp Tết vừa rồi, những chậu hoa cúc cổ Sơn La dáng đẹp, tán to đã đổ bộ về Hà Nội rất nhiều, được khách chơi hoa chọn mua với giá từ 750 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/cây… Tôi hỏi nhiều người bạn, chủ vườn hoa về loài cúc cổ Sơn La. Tuy nhiên, câu trả lời nguồn gốc loài hoa này cũng đều là “không rõ hoặc không biết”.

Chia sẻ thông tin về loại hoa cúc cổ này, bà Mùi Thị Thủy, chủ vườn hoa Bảo Châm, TP Sơn La, nơi chuyên cung cấp các loại hoa, cây cảnh giống tại phường Tô Hiệu, thông tin: “Giống cũng được lấy từ một vườn hoa ở huyện Mai Sơn. Khoảng hai năm nay, chúng tôi không ươm giống loại này nữa, chủ yếu là mua cây về chăm rồi bán Tết. Như Tết vừa rồi, chỉ bán được gần 100 chậu với cây cao hơn 1,3m, có tán rộng chừng 60cm với giá 250 nghìn đồng/chậu, chủ yếu là tiêu thụ về Hà Nội và các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh. 

Dù ươm, bán loài cúc cổ Sơn La gần bốn năm nay nhưng nguồn gốc thì không rõ từ đâu dù đã tìm hiểu. Chỉ biết loài cúc cổ Sơn La này được bà con tại các bản ở huyện Mai Sơn trồng quanh nhà rất nhiều”.

Là người cách đây hơn 60 năm đã từng trồng cúc cổ Sơn La trong sân vườn của gia đình, sau này chuyển nhà đến vị trí khác không có không gian vườn nên đã không trồng loài hoa này nữa, ông Hoàng Chí Sường, hơn 80 tuổi, bản Lầu, phường Chiềng Lề, TP Sơn La, nói: “Ngày thanh niên đã thấy bố mẹ trồng ở vườn. Ngày Tết hay đánh cả cây cho vào bình rồi đặt ở cửa ra vào hoặc cắt những cành có hoa nở đẹp nhất để thắp hương. 

Có nghe người già trong bản bảo loại hoa này đem lại may mắn cho gia đình nên các nhà trồng rất nhiều ở sân vườn. Còn về nguồn gốc của hoa thì không rõ, chỉ thấy những người chuyên chơi hồng cổ bảo loại hoa này có mặt ở đâu thì ở đó có hoa hồng cổ”.

"Phát hờn" với hoa hóa cúc cổ Sơn La, hai bên lối đi đỏ rực màu hoa quý, dân chơi đang săn lùng - Ảnh 4.

Hoa cúc cổ Sơn La được trồng hai bên lối đi trông rất đẹp mắt.

Loài hoa mang biểu tượng kiên cường

Với những thắc mắc về nguồn gốc của cúc cổ Sơn La và thông tin “ở đâu có hồng cổ thì ở đó có cúc cổ Sơn La”, chúng tôi tìm đến vườn hồng Nguyệt Điền, bản Nà Nghịu 1, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), nơi được coi là địa điểm ươm trồng và bán nhiều loại hoa hồng nhất ở Sơn La với khoảng 600 giống hoa hồng, trong đó nổi bật là hàng nghìn gốc hồng cổ, có gốc hơn 70 năm tuổi với những sắc hoa khác nhau đẹp hút hồn. 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, người chuyên sưu tầm, nhân giống các loại hồng cổ, chia sẻ: “Cũng bởi yêu hoa hồng cổ mà tôi đã vô tình bắt gặp vẻ đẹp của một cây cúc cổ Sơn La cao chừng 3m trong một lần đi sưu tầm hồng cổ ở bản để rồi bén duyên với loài cúc cổ Sơn La trong hơn 5 năm qua. 

Mấy năm gần đây, người chơi hoa hay yêu hoa từ bắc vào nam đều rất thích chơi cúc cổ Sơn La vì độ bền và vẻ đẹp của hoa. Từ ngày đưa hình ảnh, clip về loài hoa này quảng bá trên mạng xã hội, rất nhiều người ở các nơi đã đặt mua. Thậm chí tận trong Phú Quốc cũng đặt mua về trồng”.

Đưa chúng tôi ra thăm khu ươm trồng hoa hồng cổ, bà Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ thêm: “Dịp này là thời điểm hoa cúc cổ đang xuống sắc nên phải cắt tỉa và chuyển các chậu cúc cổ Sơn La để dưới tán các gốc hồng cổ, dành đất cho vụ hoa khác. 

Mỗi chậu cúc cổ Sơn La cao hơn 1m, bán với giá từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/chậu. Cây 2 năm tuổi bán với giá hơn 200 nghìn đồng… Như vườn hoa chúng tôi, mỗi khách mua một chậu hồng cổ đều được tặng kèm một chậu cúc cổ Sơn La hay những người yêu hoa đến không mua hoa cũng được tặng. Không chỉ biểu trưng cho sự may mắn, sức sống bền bỉ, cúc cổ Sơn La còn biểu trưng cho sự kiên cường, ý chí không bao giờ khuất phục. 

Do vậy, những người yêu hoa, thích sưu tầm hoa đã lựa chọn cúc cổ trong sân vườn, bên thềm nhà của gia đình mình hay quà tặng trong dịp Tết đến xuân về. Dễ trồng, cắm xuống đất là sống, không mất công chăm sóc nên chỉ cần một cành tầm gang tay người lớn với ba nhánh nhỏ, sau một năm là có thể tạo ra được một vườn cúc đẹp với hàng trăm cây”.

Mặc dù thú chơi hoa cúc cổ Sơn La mới xuất hiện mấy năm nay nhưng đã thu hút được đông đảo từ những người yêu hoa, sưu tầm hoa cho đến những người mua hoa vì thấy thích vẻ đẹp riêng biệt của sắc cúc cổ Sơn La. 

Giới chơi và chuyên sưu tầm các loài hoa cổ nhận định, ngoài vẻ đẹp với sắc đỏ thắm không loài hoa nào có thì cúc cổ Sơn La còn “lôi kéo” được người yêu hoa vì đặc tính ra hoa kéo dài hơn một tháng đúng dịp Tết Nguyên đán, thậm chí là dài hơn nếu kỹ thuật chăm sóc tốt. 

Đồng thời, đây cũng là loài hoa dễ chăm sóc, giá thành không cao, không mất nhiều công sức và có thể tạo tán theo sở thích của mỗi người chơi hoa… Giờ đây, trong bộ sưu tập của những người chơi hoa cổ lại có thêm niềm vui khi hiện diện loài hoa biểu trưng cho sự may mắn, hưng thịnh, kiên cường và ý chí không bao giờ khuất phục.

Quốc Tuấn (Ấn phẩm Thời Nay/Báo Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem