dd/mm/yyyy

Ông "trùm lợn thịt" sáng chế nồi nấu cám thiêu khí nhà kính

Nhiều chủ trang trại lợn thịt quy mô lớn cho rằng, muốn “tận diệt” khí gây hiệu ứng nhà kính sinh ra từ chất thải chăn nuôi là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng... mô hình xử lý môi trường của ông Nguyễn Bá Hữu ở thôn Đầm Lác, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, Bắc Giang đã phá tan quan điểm này.

Người từng “đầu độc” môi trường...

Đầm Lác từng là vùng đất bỏ hoang. Cựu chiến binh Nguyễn Bá Hữu - người đã cải hoán để biến nơi đây thành một trong những trang trại có quy mô lớn nhất tỉnh Bắc Giang. 15 năm qua, hàng chục tỉ đồng đã đổ xuống để các dãy chuồng sản xuất 4.000 lợn thịt/lứa mọc lên. Trên mặt trận kinh tế, ông Hữu là một điển hình tiên tiến. Nhưng, ông luôn có cảm giác bất an, ái ngại với bà con khu vực lân cận bởi môi trường chăn nuôi không đảm bảo. Đầu năm 2016, cán bộ Sở TN-MT đã từng kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trang trại của ông Hữu vì công trình xử lý chất thải chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một góc trang trại nhà ông Hữu.
Một góc trang trại nhà ông Hữu.

“Không thể như vậy được. Phải thay đổi ngay tức khắc”, ông nghĩ và triển khai hành động. Nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu về xử lý chất thải chăn nuôi đã được ông ngấu nghiến, thế rồi ý tưởng thiết kế, đầu tư cũng hình thành.

Đầu tiên, ông Hữu xây một hệ thống mương dẫn phân, nước thải từ các khu chuồng nuôi xuống một bể lọc đặc biệt. Bể lọc này có thể tích 49m2 , hình vuông (7x7x7), bên trong được chia làm 4 ngăn bằng tường gạch. Các ngăn thông nhau bằng một hệ thống lọc (được thiết kế bằng một ống nhựa chữ “T” phi 200 đục các lỗ nhỏ như đầu đũa) để tách, giữ lại chất thải rắn. Chất thải lỏng còn lại được chảy xuống hai hầm biogas lớn phủ bạt xây bằng gạch. Hầm thứ nhất dài 57m, rộng 42m, sâu 6,2m. Hầm thứ hai dài 60m, rộng 15m, sâu 6,2m.

Để ngăn không cho phân lợn tại bể lọc (49m2 ) phân huỷ thành khí gây ô nhiễm môi trường, ông Hữu xây một khu xử lý phân rộng khoảng 70m2  ngay kế bên. Khu xử lý phân này có nền cao, có hệ thống rãnh và lỗ thoát nước phía dưới và xung quanh nối với bể lọc. Cách vài ngày, ông Hữu sử dụng máy múc múc phân lên khu xử lý phân. Toàn bộ nước lỏng tiếp tục chảy xuống phía dưới và xung quanh, sau đó đi theo các rãnh thoát nước trở lại bể chứa lọc. Nhiệm vụ còn lại của công nhân trong trang trại là đổ vôi và các chế phẩm để ủ phân, chờ phân khô thì đóng bao. Toàn bộ phân khô từ trang trại sản xuất ra đều được các trang trại trồng trọt thu gom toàn bộ với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/bao.

Đối với chất thải lỏng sau khi xử lý qua hầm biogas, ông Hữu thiết kế đường ống chảy ra nhiều ao nuôi cá trong phạm vi trang trại rộng 6,4ha. Từ đây, nước thải chảy theo hệ thống mương máng dài khoảng 1km ra cánh đồng (do ông tự đầu tư xây dựng, trong đó có cả một trạm bơm) để chia sẻ nguồn dưỡng chất hữu cơ cho nông dân trồng màu (lạc, sắn, ngô, rau) cạnh đó.

Chiếc nồi nấu cám khổng lồ

Trước đây, ông Hữu cho lợn ăn 100% thức ăn thẳng. Nhưng từ khi có nguồn năng lượng dồi dào từ hai hầm biogas cỡ lớn, ông suy nghĩ: “Nếu không tận thu hết khí gas thì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường rất lớn”.

Ông Hữu giới thiệu về chiếc nồi nấu cám sử dụng khí gas từ hai hầm biogas cỡ lớn của trang trại lợn.
Ông Hữu giới thiệu về chiếc nồi nấu cám sử dụng khí gas từ hai hầm biogas cỡ lớn của trang trại lợn.

Thời gian qua, giá lợn xuống thấp, gánh nặng đầu tư đè nặng trên vai các trang trại lớn. Ông Hữu đã sáng chế 4 chiếc nồi nấu cám lợn “siêu khủng” để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên nấu cám cho lợn. Chiếc nồi này được thiết kế theo hình chữ nhật. Đáy được làm bằng thép chất lượng cao, dầy 10mm, dài 2,7m, rộng 0,8m. Thành nồi làm bằng thép dầy 03mm có chiều cao 0,8m. Mỗi mẻ cám, một chiếc nồi nấu được trên 3 tạ ngô (nghiền), 2 tạ gạo, 50kg cá, 5 gánh bèo công nghiệp). Thời gian nấu mỗi mẻ cám khoảng 6 - 8 tiếng, phụ thuộc vào nguồn khí gas mạnh hay yếu.

Từ đó, ông Hữu cho lợn ăn luôn phiên 1 ngày sử dụng cám ăn thẳng, 1 ngày sử dụng cám tự nấu. Lợn lớn nhanh, da hồng và gần như không có bệnh. Điều đặc biệt, giá thành sản xuất 1kg lợn giảm từ 35.000 đồng xuống 32.000 đồng/kg. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết nguồn khí gas dư thừa sinh ra từ hầm biogas tại các trang trại lớn ở Việt Nam hiện nay.

Ông Phạm Thanh Bắc, Trưởng thôn Đầm Lác cho biết: “Xứ đồng sản xuất hoa màu quanh khu vực Đầm Lác không được tiếp nguồn từ hệ thống thuỷ lợi nên thiếu nước trầm trọng, nếu không có mưa thì đây sẽ là vùng khô hạn.

Những tháng mùa đông, nguồn nước thải trang trại ông Hữu trở thành tài nguyên quý giá. Do được tưới nước biogas thường xuyên, bà con gần như không phải sử dụng phân bón vô cơ mà hoa màu vẫn đạt năng suất cao. Đặc biệt, nguồn nước thải này không có mùi, không còn tồn dư cặn bã phân nên không gây ô nhiễm môi trường, bà con rất thích sử dụng”.

Minh Phúc - Trần Long