Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập Đỏ VN Trần Quốc Hùng: Làm từ thiện, cứu trợ... tự phát không sai luật

Nguyệt Tạ (thực hiện) Thứ sáu, ngày 23/10/2020 06:00 AM (GMT+7)
Để hoạt động từ thiện hiệu quả, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu thay thế nghị định 64.
Bình luận 0

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này PV Báo NTNN đã có bài phỏng vấn với ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam.

Vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu yêu cầu các cơ quan liên quan tham mưu thay thế Nghị định 64. Tổ chức Hội đã làm gì để thực hiện chỉ đạo này?

- Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đã triển khai và phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều hoạt động cứu trợ về các tỉnh đang chịu thiệt hại là: Thừa Thiên - Huế; Quảng Bình; Hà Tĩnh. Trước đó cũng có 2 lần đưa hàng đi cứu trợ, lần này là lần thứ 3. Tổng kinh phí trong 3 đợt đầu là gần 5 tỷ, tiền và hàng.

Ông Trần Quốc Hùng - Phó chủ tịch Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam: Công tác phối hợp còn chưa tốt - Ảnh 1.

Đoàn của Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tham gia cứu trợ đồng bào lũ lụt ở miền Trung. Ảnh: I.T

Chủ yếu là hàng gia đình, gồm những vật dụng cần thiết: Thùng hàng gia đình gồm đồ nhựa và đồ vải... để các hộ gia đình có thể sử dụng. Vừa qua có bổ sung túi hỗ trợ khẩn cấp như: Lương khô, chà bông; bánh mì ruốc, nước uống; đèn pin, áo phao, viên khử khuẩn lọc nước, tiền mặt...

Thông qua các đoàn này, Trung ương Hội cũng đánh giá hoạt động nhu cầu dựa trên thực tiễn. Đồng thời Hội đã ra lời kêu gọi trong hệ thống gửi các cấp hội địa phương trong cả nước, huy động nguồn lực hỗ trợ địa phương bị nạn. Nhiều tỉnh, thành hưởng ứng, ví dụ như tỉnh Hà Nam ủng hộ 800 triệu đồng.

Hội cũng phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở đầu nhắn tin 1403 để kêu gọi ủng hộ. Đầu phía Nam cũng tổ chức tiếp nhận ủng hộ, trực điện thoại.

Ngoài ra Hội cũng đang kết nối với nhóm từ thiện tự phát, các nhóm của người nổi tiếng như ca sĩ Thủy Tiên để thực hiện hỗ trợ. Tuy nhiên, việc tiếp cận với họ không dễ, nhưng nếu nhóm mong muốn phối hợp thì sẽ cùng triển khai các hoạt động. Không cần các đơn vị này chuyển tiền qua Hội mà có thể chỉ cần họ đồng ý phối hợp thì Hội sẽ chuẩn bị địa điểm, đối tượng lên danh sách cung cấp để bên phía họ trao quà. Hội sẽ thực hiện vai trò cầu nối, điều phối nhằm hỗ trợ việc thực hiện từ thiện được công bằng, hiệu quả.

Ngoài ra với tư cách là thành viên trong tổ chức phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế, Việt Nam cũng đã kêu gọi và đề xuất các tổ chức thành viên quốc tế ứng phó quỹ khẩn cấp để hỗ trợ người dân Việt Nam.

Hiện nay có nhiều cá nhân, người nổi tiếng, người có uy tín tự đứng lên kêu gọi ủng hộ và đi từ thiện, theo ông điều này có phù hợp với luật pháp không?

- Đảng, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa hoạt động từ thiện nhân đạo, làm sao để lôi cuốn được nhiều tổ chức cá nhân tham gia. Đấy là chủ trương đúng, nó không chỉ là quan điểm mà còn được thể hiện ngay trong Nghị định 64/2008/NĐ -CP, cụ thể là Khoản 1 điều 2 nghị định 64 quy định "Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong việc đóng góp và tỏ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả và thiên tai hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng nhằm ổn định cuộc sống khôi phục và phát triển sản xuất; giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Tuy vậy, ngay trong Điều 4, Nghị định 64 cũng quy định chỉ có 4 tổ chức chính thống được kêu gọi vận động ủng hộ là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội từ thiện được cấp phép; thứ 4 là các cơ quan thông tin đại chúng (báo đài).

Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tham gia hoạt động từ thiện, tăng nguồn lực, nhưng cũng quy định rõ các đầu mối vận động, tập hợp nguồn lực hỗ trợ... Hiện nay hoạt động từ thiện được Hội Chữ thập Đỏ triển khai chuyên nghiệp, ở nhiều cấp độ, tuân thủ tiêu chuẩn tối thiểu trong cứu trợ nhân đạo. Đó là khi cứu trợ khẩn cấp phải đảm bảo cung cấp đủ: Nước uống; lương thực thực phẩm; chỗ ở an toàn; hỗ trợ y tế...

Vấn đề xã hội hóa công tác từ thiện, trọng tâm là việc thực hiện phối hợp giữa các nhân, tổ chức từ thiện tự phát với các tổ chức từ thiện được do nhà nước quản lý và cấp phép đang được thực hiện thế nào?

- Có thể nói, công tác từ thiện ở Việt Nam như trăm hoa đua nở. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận công tác phối hợp nói chung ở Việt Nam nhiều nơi còn chưa tốt. Ngay trong Chỉ thị 43 của Trung ương Đảng, về sự tăng cường của Đảng với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề. Việc phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập Đỏ trong việc xây dựng quy chế phối hợp chưa được thực hiện xong. Nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện cũng đóng góp qua các tổ chức chính thống, nhưng vẫn có những cá nhân tổ chức ví dụ như: Thủy Tiên; Phan Anh... tự làm từ thiện. Tất nhiên bên cạnh những cái được thì hoạt động tự phát cũng chứa nhiều rủi ro.

Theo ông cần có chỉnh sửa gì trong văn bản luật để phát huy hiệu quả việc cứu trợ người dân?

- Nếu hiểu đúng theo Nghị định 64 thì chỉ có 4 tổ chức được quy định nêu trên được kêu gọi tiếp nhận ủng hộ từ thiện. Tuy nhiên nếu chiếu theo Điều 2 của nghị định thì lại cho người ta quyền được "đóng góp và tổ chức vận động đóng góp". Đây chính là điều chưa chặt chẽ trong văn bản.

Thời gian tới để thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng trong việc tăng cường giám sát nhằm đảm bảo hoạt động từ thiện bài bản hiệu quả hơn Hội đã khuyến nghị cần ban hành nghị định mới quy định về điều này. Tinh thần là vẫn phát huy tinh thần tương thân tương ái của người dân, nhưng phải quy cơ quan quản lý điều phối nguồn lực. Các tổ chức cá nhân chỉ hưởng ứng lời kêu gọi và phải thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan điều phối.

- Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem