Ông Lê Hùng Dũng – mạnh thường quân thầm lặng phía sau ‘hiệp sĩ bắt cướp’ Nguyễn Văn Minh Tiến

Cao Hùng Thứ sáu, ngày 17/06/2022 20:38 PM (GMT+7)
Được rất nhiều người biết đến tại VFF, Ngân hàng Eximbank và Công ty SJC, nhưng ít ai biết, ông Lê Hùng Dũng (sinh 1954) còn là người giúp đỡ hết mình cho “hiệp sĩ” bắt cướp đường phố Nguyễn Văn Minh Tiến. Không có ông Lê Hùng Dũng, chưa chắc “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến có được căn hộ để ở gần 10 năm qua.
Bình luận 0

Vừa nhận được tin ông Lê Hùng Dũng qua đời vào sáng 17/6, "hiệp sĩ" bắt cướp Nguyễn Văn Minh Tiến (sinh 1974) đã không giấu được hụt hẫng, choáng váng. Bởi nhiều năm qua, với anh, ông Lê Hùng Dũng là một ân nhân mà anh mãi mãi mang ơn.

Anh Tiến kể: Vào năm 2007, thời điểm anh Tiến bắt cướp sung nhất, khi đó, người dân Sài Gòn đã ví von đặt tên cho anh là "hiệp sĩ đường phố". Mỗi tuần, anh Tiến lại bắt 2-5 vụ cướp giật trên đường phố Sài Gòn.

Ông Lê Hùng Dũng – mạnh thường quân thầm lặng phía sau ‘hiệp sĩ bắt cướp’ Nguyễn Văn Minh Tiến - Ảnh 1.

Ông Lê Hùng Dũng. Ảnh: T.N

Một ngày nọ, một vụ bắt cướp được đăng trên báo Lao Động. Trong bài báo có mô tả chiếc xe gắn máy độ nòng của anh Tiến quá cũ kỹ. Anh Tiến than thở, "giá có chiếc xe phân khối đủ lớn, việc rượt đuổi bắt cướp sẽ hiệu quả hơn". Vài ngày sau, anh Tiến nhận được tin có một mạnh thường quân sẽ hỗ trợ anh Tiến một chiếc xe gắn máy mới, với dung tích lớn hơn để "hiệp sĩ" Minh Tiến bắt cướp.

Anh Tiến đến bất kỳ cửa hàng bán xe gắn máy nào, tự chọn cho mình chiếc xe như ý. Sau đó, nhờ chủ cửa hàng gửi chứng từ về, mạnh thường quân kia sẽ thanh toán toàn bộ tiền mua xe, thuế má… Vui mừng khôn tả, anh Tiến ra luôn cửa hàng kinh doanh xe máy ở ngã 6 Phù Đổng, chọn luôn cho mình chiếc xe gắn máy phù hợp với việc săn bắt cướp. PV báo Lao Động là người lái chiếc xe mới ấy về căn nhà thuê của anh Tiến trên đường Gò Dầu, quận Tân Phú.

Ông Lê Hùng Dũng – mạnh thường quân thầm lặng phía sau ‘hiệp sĩ bắt cướp’ Nguyễn Văn Minh Tiến - Ảnh 2.

"Hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến (trái, đội nón) đang bắt một vụ cướp giật trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: T.L

Tới khi cung cấp thông tin trên chứng từ thanh toán, anh Tiến mới biết được mạnh thường quân tốt bụng hỗ trợ xe máy cho anh là ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty vàng bạc đá quý SJC (TP.HCM).

Chưa hết, vào ngày 14/9/2012, một bài báo khác đăng trên báo Lao Động, lên tiếng về tình trạng không nhà, hơn 20 năm ở thuê của "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến.

Ngay trong buổi sáng bài báo xuất bản, lãnh đạo Ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã liên lạc với tác giả bài báo và tòa soạn báo Lao Động, xin được hỗ trợ "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến 120 triệu đồng để anh Tiến "đặt cọc" mua căn hộ trả góp, tránh nguy cơ mất xuất mua căn hộ do không có tiền "đặt cọc".

Lãnh đạo Eximbank hẹn 14h cùng ngày sẽ tổ chức cuộc gặp để trao tiền hỗ trợ cho "hiệp sĩ" Minh Tiến ngay tại trụ sở Eximbank. Thật bất ngờ, tại buổi gặp kỳ lạ ấy, lãnh đạo Eximbank đã cho biết: HĐQT và tập thể Eximbank đã quyết định trao số tiền 1.170.000.000đ để hỗ trợ cho "hiệp sỹ đường phố" Nguyễn Văn Minh Tiến có điều kiện mua nhà.

Ông Lê Hùng Dũng – mạnh thường quân thầm lặng phía sau ‘hiệp sĩ bắt cướp’ Nguyễn Văn Minh Tiến - Ảnh 4.

Lãnh đạo Ngân hàng Eximbank hỗ trợ tiền mua căn hộ cho "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến. Ảnh: Eximbank

Trong đó, cán bộ nhân viên Eximbank ủng hộ số tiền 1 tỷ đồng, Ngân hàng Eximbank  ủng hộ 120 triệu đồng và cá nhân ông Lê Hùng Dũng –Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Eximbank ủng hộ 50 triệu đồng.

Ngay tại buổi trao tặng tiền hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Phụng – Chủ tịch Công đoàn Eximbank – cho biết: "Hiệp sỹ đường phố" Nguyễn Văn Minh Tiến đã thực hiện gần 400 vụ truy đuổi tội phạm cướp giật ở TP.HCM. Năm 2005, anh Tiến là một trong 8 đại biểu của Tp.HCM đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc. Được biết, anh Tiến đang gặp khó khăn trong việc thuê mua căn hộ mà UBND TP.HCM dành cho anh.

Ông Lê Hùng Dũng – mạnh thường quân thầm lặng phía sau ‘hiệp sĩ bắt cướp’ Nguyễn Văn Minh Tiến - Ảnh 5.

Quang cảnh buổi trao tiền hỗ trợ cho "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến vào ngày 14/9/2012. Ảnh: Eximbank

Nhằm tạo điều kiện cho "hiệp sĩ" "an cư lạc nghiệp" Eximbank đã trao tặng số tiền 1.170.000.000đ để anh có cơ hội sở hữu căn hộ tại chung cư Đông Hưng Thuận, Q.12, biến giấc mơ của anh thành hiện thực. Eximbank mong muốn với việc hỗ trợ của mình sẽ giúp được "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến an tâm công tác, tiếp tục phát huy sở trường "săn bắt cướp" đem lại sự bình yên cho xã hội".

Lúc đó, ông Lê Hùng Dũng không có mặt, ngoài số tiền cá nhân ông Dũng hỗ trợ anh Tiến đã được nêu ra. Tuy nhiên, với "hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến, anh biết, vai trò của ông Lê Hùng Dũng rất quan trọng trong việc vận động, kêu gọi sự ủng hộ hơn 5.000 cán bộ - công nhân viên Eximbank đóng góp 1 ngày lương, anh Tiến mới có được số tiền hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng.

Tôi cảm nhận và thấm đẫm trong tim mình câu nói "an cư thì mới lạc nghiệp". Lòng tôi luôn khắc ghi, sự biết ơn sâu sắc về một người đã luôn theo dõi, quan tâm, giúp đỡ tôi ở những bước ngoặt của cuộc đời.

Anh đã giúp đỡ tôi như một người thân trong gia đình. Một người anh mà tôi mãi mãi không bao giờ quên – Anh Lê Hùng Dũng (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank).

Giai đoạn từ năm 2006-2012, anh Dũng luôn là người bên cạnh tôi, giúp đỡ tôi, quan tâm và thầm lặng dõi theo tôi trên mọi bước đường hiệp nghĩa.

Mãi mãi, cho đến hôm nay và mãi về sau, anh luôn là một người mà tôi cảm thấy biết ơn trong cả cuộc đời. Chính anh đã tiếp lửa để tôi có được mái nhà để nương thân. Nhờ anh, tôi mới có một nơi để ở, để tôi có chỗ đi – về mỗi ngày, sau những lần săn bắt cướp trên các nẻo đường phố.

Tôi rất biết ơn anh, dù đến tận hôm nay, tôi vẫn chưa một lần gặp anh ngoài đời. Nhưng những nghĩa cử cao đẹp đó của anh dành cho tôi sẽ sống mãi trong lòng tôi. Mãi nhớ về Anh – Lê Hùng Dũng !

"Hiệp sĩ" Nguyễn Văn Minh Tiến


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem