Sóc Trăng: Nông dân thu tiền "khỏe re" khi nuôi tôm trong ruộng lúa

Thứ ba, ngày 01/11/2022 05:13 AM (GMT+7)
Đặc biệt, mô hình tôm - lúa được xem là mô hình canh tác bền vững của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng).
Bình luận 0

Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn, với hơn 50.000ha/năm, đa dạng về hình thức nuôi, như: nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh hay nuôi tôm kết hợp tôm - lúa và tôm - rừng. 

Đặc biệt, mô hình tôm - lúa được xem là mô hình canh tác bền vững của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). 

Chính vì vậy, để hỗ trợ người dân địa phương phát triển mô hình tôm - lúa, nâng cao đời sống và thu nhập tại hộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, đã triển khai mô hình tôm - lúa, với diện tích 15ha, tại 15 hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên.

Để tìm hiểu về hiệu quả mô hình kết hợp tôm - lúa tại xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng hỗ trợ hộ dân, chúng tôi đến tham quan thực tế mô hình nuôi tôm - lúa của ông Nguyễn Văn Mười. 

Theo ông Mười, ông nuôi tôm nước lợ gần 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ việc nuôi tôm thuận lợi như vụ tôm năm 2022 này, bởi đây là vụ tôm đầu tiên ông được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ chi phí thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cùng Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên hướng dẫn chi tiết kỹ thuật nuôi tôm tiên tiến.

Sóc Trăng: Nông dân có thu nhập "khỏe re" khi nuôi tôm trong ruộng lúa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Mười - xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phấn khởi khoe những con tôm sú nuôi theo mô hình tôm - lúa, được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng hỗ trợ. Ảnh: THÚY LIỄU

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật trong việc nuôi tôm, ông Mười có thêm nhiều kiến thức cho các vụ nuôi tôm tiếp theo. 

Vấn đề mà ông Mười tâm đắc nhất là trung tâm khuyến nông các cấp đã hỗ trợ mô hình tôm - lúa đến các thành viên trong Tổ hợp tác Lúa - tôm Hòa Lời và ông Mười là 1 trong 15 thành viên của tổ hợp tác. 

Thông qua sự hỗ trợ này đã tạo được sự thống nhất trong cả vùng nuôi, từ thời điểm xuống giống, quy trình kỹ thuật nuôi và thời gian thu hoạch, tạo ra sản lượng tôm lớn nên thuận lợi trong việc cung ứng cho cơ sở thu mua, chế biến.

Vung chài lưới để bắt tôm sú trong ao mô hình tôm - lúa cho khách tham quan xem kích cỡ tôm, ông Nguyễn Văn Mười tâm tình: “Tôi nhận thấy nuôi theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôm tăng trưởng rất tốt, tôm lớn đồng đều, màu đẹp, không bị đóng rong. 

Trong suốt 5 tháng nuôi tôm và chuẩn bị thu hoạch, tôm chưa gặp bất cứ loại dịch bệnh nào và đây là vụ nuôi tôm thành công. Tôm nuôi thành công thì theo tôi, một là con giống tôm nuôi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; hai là mật độ thả tôm kết hợp thời điểm thả tôm hợp lý; ba là áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật nuôi từ khâu làm đất đến chuẩn bị ao ươm, ao nuôi, ao lắng, ao xả thải… đều được bố trí bài bản. 

Đồng thời, tôm nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, chủ yếu sử dụng các loại khoáng trên tôm. Nhờ đó, tôm nuôi phát triển tốt, an toàn trong suốt vụ nuôi và sản lượng thu hoạch ước 400kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 50 triệu đồng, với diện tích ao nuôi 3.000m3. 

Đây được xem là lợi nhuận rất tốt so với cách nuôi truyền thống của gia đình tôi những năm qua. Kết thúc vụ nuôi tôm, tôi sẽ xuống giống lúa trên diện tích đất nuôi tôm và lúa trên nền tôm sẽ thu hoạch vào cuối tháng giêng” - ông Nguyễn Văn Mười chia sẻ thêm.

Đồng chí Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Từ trước đến nay, bà con một số tỉnh ven biển, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng mô hình nuôi tôm - lúa. Tuy nhiên, bà con nuôi tự phát nên việc áp dụng kỹ thuật sản xuất tôm - lúa chưa đem lại hiệu quả cao. 

Chính vì vậy, để hỗ trợ bà con nông dân thực hiện hiệu quả mô hình tôm - lúa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện dự án liên quan tôm - lúa, trong đó có triển khai mô hình tôm - lúa tại tỉnh Sóc Trăng, nhằm tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất tôm - lúa đến hộ dân. 

Đồng thời, hướng dẫn quy hoạch vùng nuôi tôm, tỷ lệ giữa diện tích tôm và diện tích lúa; quy trình kỹ thuật chăm bón lúa không ảnh hưởng đến nuôi tôm; hướng dẫn việc ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi tôm; quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đảm bảo môi trường cho vùng nuôi tôm…”.

Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem