Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của một tỷ phú Sóc Trăng năng làm việc thiện

Trương Cẩm Tiên (Cổng TTĐT Hội ND Sóc Trăng) Thứ ba, ngày 25/10/2022 18:47 PM (GMT+7)
Hiện có rất nhiều nông dân “chân đất” Sóc Trăng đã và đang trở thành tỷ phú từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Với 6ha diện tích đất đầu tư nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, mỗi năm “đại gia” Tăng Văn Xúa (65 tuổi) ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu rủng rỉnh bỏ túi vài tỷ đồng.
Bình luận 0
Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đã lan tỏa trong hội viên nông dân, từ phong trào đang ngày càng nỗi bật lên nhiều nhân tố mới mang tính điển hình trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp.

Hiện có rất nhiều nông dân “chân đất” đã và đang trở thành tỷ phú từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Với 6ha diện tích đất đầu tư nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, mỗi năm “Đại gia” Tăng Văn Xúa (65 tuổi) ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông rủng rỉnh bỏ túi vài tỷ đồng.

Để có được thành công đó, ông Tăng Văn Xúa đã quyết tâm bám trụ nghề nuôi tôm, liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong từng thời điểm khác nhau. Đến khi chuyển sang nuôi tôm công nghệ cao, ông mới thật sự nắm bắt được thành công và vững niềm tin để tiếp tục phát triển hơn nữa.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của một tỷ phú Sóc Trăng năng làm việc thiện - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của một tỷ phú Sóc Trăng năng làm việc thiện - Ảnh 2.

Cận cảnh ao nuôi tôm công nghệ cao của Ông Tăng Văn Xúa, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh Hội Nông dân thị xã Vĩnh Châu.

Ông Xúa nhớ lại: “Từ nhiều năm trước, ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều nông dân khác gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm nuôi tôm chưa nhiều, thời tiết không thuận lợi, tôm thường bị chết với số lượng lớn. Với niềm đam mê nuôi tôm và quyết tâm cao độ, ông vẫn bám trụ vào nghề nuôi tôm.”

“Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của chính quyền, Hội Nông dân các cấp và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Tất cả quy trình nuôi được khép kín và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật rất nghiêm ngặt, góp phần bảo vệ môi trường.

Nếu như theo cách nuôi tôm truyền thống như trước đây, 1ha đất sẽ có 2 ao nuôi, mỗi ao khoảng 4 ngàn mét vuông mặt nước. Diện tích còn lại là ao lắng xử lý nước, tuy có thể thả tôm với mật độ dày nhưng hiệu quả không cao.

Với cách nuôi tôm công nghệ cao, 1ha đất chỉ nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước. Phần diện tích còn lại làm ao ương và ao xử lý nước. Cách làm này có thể thả tôm với mật độ cao dày đặc, rồi liên tục thay đổi nguồn nước sạch nên tôm lớn nhanh, ít bệnh, cho năng suất cao, tăng hơn 3 lần so với thả nuôi theo cách truyền thống…”, ông Tăng Văn Xúa chia sẻ.

Ông Xúa cho biết: Để thực hiện mô hình này, ông đã bỏ nguồn vốn đầu tư khoảng 700 triệu cho hai ao nuôi có diện tích 1.500 m2/ao, bao gồm thiết kế hệ thống xi-phông, lót bạt, đường ống cấp oxy, quạt nước và dây chuyền cho tôm ăn, xử lý nước...

Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ thực hiện qua giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm. Mỗi giai đoạn, tôm được nuôi trong một ao phù hợp, tôm sẽ được di chuyển từ ao này sang ao khác theo dòng chảy tự nhiên sau mỗi giai đoạn phát triển, nhờ đó tôm không bị sốc nước. 

Tôm giống được thả với mật độ 2.200 con/m2, ương dưỡng từ 20 đến 25 ngày thì chuyển tôm sang ao nuôi bằng đường ống liên hoàn. Lúc này mật độ tôm trong ao nuôi dãn ra 235 con/m2. Sau 75 ngày là đạt cỡ tôm thương phẩm, năng suất dao động từ 5 đến 9 tấn/ao, tùy theo mùa. 

Với 2 ao đầu tư hệ thống lót bạt rộng 3.000 m2, năm đầu tiên ông thả nuôi 03 vụ điều thắng lợi thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Thấy mô hình hiệu quả, ông Xúa tiếp tục thực hiện cho những năm tiếp theo. Đến nay, hơn 7 năm nuôi theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao, năm nào ông Xúa cũng trúng mùa, trung bình mỗi năm lợi nhuận thu được nuôi tôm từ 1,2 -1,5 tỷ đồng.

Thấy mô hình hiệu quả, ông Xúa đã vận động bà con ở đây đầu tư nuôi theo, hiện đã có 10 hộ nuôi theo mô hình này.

Cũng theo ông Xúa thì nuôi tôm bằng ao phủ bạt rất hiệu quả vì mực nước muốn lấy bao nhiêu thì trong vài tiếng đồng hồ đã lấy đủ, dễ kiểm soát các khoáng chất, độ PH của nước ao. 

“Nuôi mô hình này quan trọng nhất là chúng ta kiểm tra môi trường nuôi. Nếu môi trường tốt thì nuôi thành công rất cao, Tôi thả cá rô phi đơn tính vào ao nuôi tôm, tận dụng tập tính đảo trộn các tầng nước của cá rô phi để giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn. Tôi thiết kế mô hình theo hướng tuần hoàn gồm: ao lắng -> ao nuôi tôm -> ao chứa nước thải -> ao lắng rồi lặp lại...".

Theo ông Xúa, nước bơm trực tiếp từ các nguồn tự nhiên như ao, hồ, sông… sẽ được trữ trong ao lắng. Tại đây, ông tiến hành thả cá rô phi trong khoảng một tháng. Trong suốt thời gian này, cá không được cho ăn, thay vào đó, chúng sẽ sử dụng nguồn thức ăn là xác tôm, cá, động vật thủy sản chết và các loại tảo có trong nước. 

Việc làm này giúp tạo ổn định cho môi trường nước, hạn chế sự phát tán của các sinh vật gây bệnh từ bên ngoài. Nước từ ao lắng sau khi xử lý được bơm vào ao nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, ông Xúa bổ sung nguồn nước từ ao lắng vào ao nuôi định kỳ mỗi tuần một lần.

Khi nước ở ao nuôi tôm có dấu hiệu chuyển màu, ông Xúa tiến hành bơm nước này ra ao thải. Tại đây, nước được lắng cặn một phần rồi cho chảy sang ao lắng thả cá rô phi. Cứ như vậy, nước được tuần hoàn và tái sử dụng, hạn chế việc xả ra môi trường. 

"Do nuôi khép kín, quản lý được thức ăn, môi trường nước được xử lý kỹ, quản lý được dịch bệnh ngay từ ban đầu nên hạn chế được tối đa các mầm bệnh so với cách nuôi truyền thống. Đồng thời, tôm lớn nhanh, dễ thu hồi vốn và mau có lợi nhuận”, ông Xúa cho biết thêm

Hiện nay, diện tích nuôi vừa tôm sú và thẻ chân trắng công nghệ cao của gia đình chú Xúa lên đến 6ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 37 tấn tôm, với giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg, mỗi năm chú Xúa “bỏ túi sơ sơ năm, sáu tỷ”.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của một tỷ phú Sóc Trăng năng làm việc thiện - Ảnh 6.

Một ao nuôi tôm công nghệ cao của ông Xúa đang trong giai đoạn thu hoạch, Ảnh Hội Nông dân thị xã Vĩnh Châu.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm để thành công, chú Tăng Văn Xúa bật mí: “Để thành công trong nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng thì phải chịu bỏ vốn đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao, sẽ hạn chế rủi ro. Hơn nữa, đây là xu thế tất yếu trong nuôi trồng thủy sản hiện đại. Đặc biệt, nuôi tôm theo quy trình tiên tiến nên chủ động trong sản xuất, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, không dùng kháng sinh nên cho sản phẩm tôm sạch, nâng cao năng suất và chất lượng. Từ đó, được rất nhiều thương lái tranh nhau thu mua”.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của một tỷ phú Sóc Trăng năng làm việc thiện - Ảnh 7.

Ông Xúa đang thử độ PH trong nước, Ảnh Hội Nông dân thị xã Vĩnh Châu.

Ngoài nuôi tôm, gia đình ông Xúa đã mở thêm 01 cửa hàng kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản chăn nuôi thủy sản, vừa sử dụng cho gia đình, vừa cung cấp hỗ trợ cho bà con nuôi tôm ở địa phương. Khi bà con khó khăn về vốn, ông Xúa sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp tôm giống, bán nợ thức ăn lãi xuất thấp, khi nào người nuôi thu hoạch mới thanh toán tiền thức ăn và thuốc thủy sản. 

Qua đó, đã giúp cho hơn 25 lao động có việc làm với thu nhập hơn 7 triệu đồng trên tháng, giúp đỡ cho 15 lượt hộ nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, ông Xúa còn đóng góp sửa chữa cầu, lộ nông thôn trị giá hơn 35 triệu đồng, xây dựng 4 cầu nông thôn trị giá 1 tỷ 200 triệu đồng, đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân 01 triệu đồng/năm. 

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid – 19 bùng phát vào năm 2021, ông đã hỗ trợ tham gia phòng chống dịch, ủng hộ 01 tấn gạo, nhu yếu phẩm cho bà con nông dân ở địa bàn xã Hòa Đông nói riêng và Thị xã Vĩnh Châu nói chung.

Ông Lý Hoàng Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nhận xét: “Nhiều năm qua, chú Tăng Văn Xúa được Hội Nông dân từ cấp xã đến cấp Trung ương công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật và tôm giống cho bà con gặp khó khăn ở địa phương, chú Xúa còn tự nguyện tham gia vào các hoạt động tuyên truyền trong cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để đảm bảo vì mục đích phát triển nghề nuôi tôm tỉnh nhà ngày càng hiệu quả và bền vững”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem