dd/mm/yyyy

Nuôi loài gà xương đen xì, thu 400-500 triệu đồng mỗi năm

Sở hữu trang trại gà Mông đen đặc sản xương đen xì xì với giá bán trung bình từ 190.000 – 200.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình chị Nguyễn Lan Anh (Thôn Nậm Châu, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) có nguồn thu nhập 400-500 triệu đồng.

Ai đến thăm trang trang trại gà Mông đen của gia đình chị Nguyễn Lan Anh trong những ngày đầu xuân cũng không khỏi thích thú trước cảnh những chú gà có chân, mỏ và bộ lông đen đang kiếm ăn bên những gốc mận bung hoa trắng xóa.

Chị Nguyễn Lan Anh (SN 1983) vui vẻ cho biết, trang trại của gia đình chị có diện tích hơn 1,5ha đất đồi, vừa nuôi gà vừa kết hợp trồng các loại cây ăn quả. Là người mạnh dạn đi tiên phong nuôi gà Mông đen thả đồi ở thị trấn Bắc Hà, chị đã trải qua 3 năm với nhiều bài học mới có được cơ ngơi như bây giờ.

Trang trại gà Mông đen của gia đình chị Nguyễn Lan Anh ở thôn Nậm Châu, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Trang trại gà Mông đen của gia đình chị Nguyễn Lan Anh ở thôn Nậm Châu, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Đầu năm 2015, nhận thấy tiềm năng phát triển của giống gà Mông đen đặc sản, gia đình chị Lan Anh đã mạnh dạn vay hơn 100 triệu của Ngân hàng CSXH, cùng với số vốn ít ỏi mà 2 vợ chồng chị đã tiết kiệm được trong những năm công tác tại huyện Si Ma Cai, đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen theo phương thức thả vườn, đồi.

Theo chị Lan Anh, gà Mông đen là giống gà quý hiếm. Điểm nổi bật của giống gà ác này là có thịt, da và xương đều có màu đen đậm và có chất lượng thịt thơm ngon. Ngoài làm thực phẩm thì xương và thịt của gà xương đen còn là một vị thuốc quý trong dân gian. Tuy nhiên, khởi đầu chị chăn nuôi gà rất khó khăn do không có kinh nghiệm chăn nuôi, thiếu vốn đầu tư và nhất là thị trường tiêu thụ.

Thời điểm cách đây hơn ba năm khi chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi và thị trường thì mọi thứ với gia đình chị Lan Anh còn tương đối khó khăn. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Thời điểm cách đây hơn ba năm khi chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi và thị trường thì mọi thứ với gia đình chị Lan Anh còn tương đối khó khăn. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Chị Lan Anh tâm sự: "Ban đầu, tôi không chỉ nuôi gà đen mà còn nuôi một số loại gia cầm khác như vịt Sín Chéng, vịt trời... nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên liên tục thất bát. Ví như có đợt tôi mua tới gần 800 con gà giống, chi ra hết gần 40 triệu đồng tiền thức ăn mà do bị mắc bệnh, đến khi xuất chuồng chỉ còn chưa đầy 100 con."

Từ những bài học, kinh nghiệm được rút ra, đầu năm 2016 đến nay, gia đình chị chỉ tập trung vào nuôi gà Mông đen. Hai vợ chồng chị đi mua lưới thép về quây kín xung quanh toàn bộ khu vực trồng cây ăn quả để thả gà.

Theo chị Lan Anh, gà Mông đen dễ nuôi, ít bị dịch bệnh so với các loại gà khác, thức ăn của gà cũng đơn giản, ngoài sử dụng thức ăn đóng sẵn của gà, chị Lan Anh trộn thêm bột ngô, cám gạo, rau xanh để giảm chi phí. Đặc biệt, giống gà này ít bị bệnh do có sức đề kháng tốt.

Nhờ cách chăn nuôi đúng kỹ thuật, phòng dịch tốt nên đàn gà đen của gia đình chị Lan Anh sinh trưởng phát triển tốt, hiện nay nhà chị vừa nuôi gà bán thịt, vừa chủ động nguồn giống, nên quy mô đàn gà luôn duy trì từ 5.000 - 6.000 con.

Theo chị Lan Anh, trứng gà Mông đen có phần lòng đỏ nhiều hơn các loại trứng khác, hương vị thơm ngon và rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Theo chị Lan Anh, trứng gà Mông đen có phần lòng đỏ nhiều hơn các loại trứng khác, hương vị thơm ngon và rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Khoảng 2 năm trở lại đây, trang trại gà của chị Lan Anh đã được nhiều người dân ở Bắc Hà và nhiều nơi khác biết đến. Với nguồn gà thường xuyên, chất lượng thịt gà đảm bảo nên việc kinh doanh khá thuận lợi. Ngoài số lượng trứng và gà thịt cung cấp cho một cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, gia đình chị cũng là địa chỉ tin cậy của nhiều nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.

Theo chị Lan Anh, muốn thành công trong chăn nuôi cần nhiều yếu tố, trong đó có việc vệ sinh và phòng dịch cho đàn vật nuôi. Chị cũng đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn thức ăn và không gian sinh trưởng gắn liền với môi trường tự nhiên cho đàn gà của mình.

Ngoài phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình, chị Lan Anh luôn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà đen với người dân trên địa bàn để cùng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Với tiềm năng về du lịch của địa phương, chị Lan Anh hi vọng có thể góp sức xây dựng thương hiệu cho gà đen Bắc Hà. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Với tiềm năng về du lịch của địa phương, chị Lan Anh hi vọng có thể góp sức xây dựng thương hiệu cho gà đen Bắc Hà. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Nói về dự định sắp tới, chị Lan Anh tiết lộ: "Tôi sẽ mày mò chế ra máy đảo cám cho gà để tiết kiệm công sức, tiếp tục mở rộng quy mô trang trại để duy trì thường xuyên khoảng 7.000 con gà thịt, đồng thời lai tạo giống để chuyển sang chuyên nuôi loại gà đen bản địa để tăng thêm thu nhập."

“Tôi mong muốn qua việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm của trang trại cũng như của bà con tại địa phương, sản phẩm thịt gà đen sẽ trở thành một món ăn đặc trưng, điểm nhấn cho khách du lịch mỗi khi đến với cao nguyên trắng Bắc Hà”, chị Lan Anh chia sẻ.

"Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng tập trung, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương của gia đình chị Lan Anh đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, duy trì nguồn gen quý, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Qua đó, giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân tại địa phương”, ông Nông Tiến Dũng, chủ tịch UBND thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Quỳnh Nguyễn