Nuôi loài gà đỏm dáng, đẻ sòn sòn trên đệm lót sinh học

Quốc Định Thứ bảy, ngày 20/04/2019 13:10 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Cao Thỏa, ở Thôn Đoài (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội) quyết định bỏ vịt chuyển sang nuôi gà Ai Cập siêu trứng trên đệm lót sinh học. Cũng nhờ nuôi loài gà có bộ lông đỏm dáng này mà gia đình ông trở nên khá giả.
Bình luận 0

Khởi nghiệp từ nuôi vịt

Ông Thỏa từng có thời điểm nuôi hơn 3.000 con vịt. Ngày ngày ông rong ruổi theo đàn vịt khắp cánh đồng lúa ở huyện Đông Anh. Đang “ăn nên làm ra”, bỗng đất ruộng ngày một thu hẹp do quá trình đô thị hóa. 

Quan sát dãy chuồng nuôi nuôi gà đẻ Ai Cập của ông Thỏa chỉ rộng khoảng 500 m2 nhưng hệ thống nuôi được bố trí đâu ra đấy, khép kín, thoáng mát, sạch sẽ.

Ông nói rằng: Tôi bắt đầu nuôi gà Ai Cập từ năm 2002, gần 20 năm nuôi gà, lúc nào trong chuồng cũng duy trì hơn 1.000 con gà. Gà Ai Cập này là giống gà siêu trứng, dễ nuôi, ít bệnh, hiệu quả kinh tế cao, với số gà này trung bình mỗi ngày tôi thu khoảng 700 quả trứng.

img

Mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng của ông Nguyễn Cao Thỏa.

 “Trước khi nuôi gà Ai Cập tôi từng nuôi vịt cỏ thả đồng, có thời điểm số lượng đàn vịt nuôi lên đến 3.000 con, chỉ riêng tiền bán vịt tháng nào tôi thu ngót gần trăm triệu. Quanh năm, ngày nào cũng vậy gia đình tôi cứ theo chân đàn vịt “nay đây mai đó” rong ruổi khắp vùng đất Đông Anh, bởi đàn vịt ăn, ngủ ngoài đồng, ngày chúng ăn thóc vãi, tôm, tép, tối ngủ luôn tại chỗ. Phải dựng lều tạm ngoài đồng ngủ để trông đàn vịt”, ông Thỏa cho hay.

img

Nhờ chăm sóc tốt đúng kỹ thuật, đàn gà của ông Thỏa luôn khỏe mạnh, phát triển tốt.

Trước đây, vùng đất Đông Anh nhiều hồ, nhiều ao, ruộng, nuôi vịt  thả đồng hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư ít, vịt tự đẻ trứng, tự ấp, tự nở. Thế những vì Đông Anh là vùng đất ven đô của thành phố Hà Nội, chịu ảnh hưởng mạnh quá trình đô thị hóa, nhiều công trình cơ sở hạ tầng mọc lên ngày một nhiều, đất ruộng, bãi chiêm trũng, hồ, ao ngày một thu hẹp, nuôi vịt thả đồng ngày càng khó khăn.

img

Gà ai cập là giống gà nuôi siêu trứng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thấy nuôi không còn phù hợp ông Thỏa quyết định chuyển hướng sang nuôi gà. Qua tìm hiểu thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, ông Thỏa chọn giống gà Ai Cập siêu đẻ trứng về nuôi.Vì theo ông giống gà này dễ nuôi, sức đề kháng tốt, đẻ trứng nhiều, năng suất trứng cao. Nghĩ là làm, từ số vốn tích góp ông đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại trên đất vườn cây ăn quả của gia đình, cách nhà ở chính khoảng 1km. Sau đó ông lặn lội xuống mãi tận Viện chăn nuôi Quốc gia ở Hà Nội lấy giống.

Vực dậy sau đại dịch

Quãng thời gian nuôi vịt đã giúp ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm nuôi loài gia cầm, vì đặc tính của chúng cũng gần giống nhau. Khi chuyển sang nuôi gà ông Thỏa học thêm một số kỹ thuật nuôi để nâng cao kinh nghiệm.

Mọi quy trình chăm sóc, phòng dịch bệnh được ông Thỏa áp dụng đúng bài bản, chính vì thế đàn gà luôn phát triển tốt, khỏe mạnh, lớn nhanh, sau 5 – 6 tháng gà đã bắt đầu đẻ trứng.

Nghề nuôi gà đang thuận buồm xuôi gió, năm 2004 bất ngờ đại dịch H5N1 bùng phát ở một số địa phương, rồi lan ra cả xã Việt Hùng. Tuy cả ngìn con gà của ông Thỏa chưa con nào bị chết dịch nhưng theo quy định do nằm trong vùng dịch nên phải đem tiêu hủy toàn bộ, tránh dịch bùng phát lây rộng. Cả đống tài sản chỉ sau một đêm mất trắng, người lớn, trẻ nhỏ trong nhà ông Thỏa ai nấy đều xót xa, vì tiếc.

img

Nuôi giống gà Ai Cập rất phù trong phát phát triển kinh tế gia đình của người nông dân nông thôn.

Đại dịch H5N1 quét qua khiến gia đình ông hao tốn bao của cải, tiền bạc, khiến người nông dân lâm vào khó khăn. Nhưng không vì thế mà ông Thỏa bỏ cuộc, ông quyết tâm gây dựng lại từ đầu. Có sẵn khu chuồng và kinh nghiệm nuôi giống gà Ai Cập nên ông tiếp tục vay mượn vốn từ ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân xã mua giống gà Ai Cập về tiếp tục nuôi.

Quá trình nuôi ông Thỏa tiếp tục áp dụng đúng kỹ thuật, từ khâu chọn giống, tiêm phòng, thường xuyên theo dõi đàn gà từ khi gà ăn đến lúc gà ngủ, tiêm vắc xin định kỳ, đủ liều lượng cho gà. Gà được nuôi đúng kỹ thuật, chỉ sau một năm ông đã bắt đầu hồi vốn, trả được nợ.

Hiện nay, ông Thỏa nuôi với số lượng trên 1.000 con gà Ai Cập siêu trứng, mỗi ngày thu khoảng 700 quả trứng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ông Thỏa bán cho các thương lái, với giá bán từ 3000 – 3300 đồng/quả tùy vào thời điểm.

Do trứng gà Ai Cập có màu sắc đẹp, hàm lượng dinh dưỡng cao, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài nguồn thu từ trứng gà, sau 2 - 3 năm gà đẻ gia đình ông lại có một nguồn thu khác từ việc bán gà thải đàn, với giá từ 50.000 đồng - 70.000 đồng/kg. Trừ chi phí trung bình mỗi năm gia đình ông lãi hơn 200 triệu đồng.

img

Trứng gà Ai Cập

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà đẻ Ai Cập, ông Thỏa nói rằng: Muốn gà Ai Cập khỏe mạnh, đẻ đều, chất lượng trứng tốt thì thức ăn cho gà phải đảm báo các thành phần dinh dưỡng, điều chỉnh hàm lượng thức ăn phù hợp. Thường xuyên theo dõi quá trình phát triển, sinh trưởng của gà Ai Cập, chú ý tiêm phòng vắcxin phòng dịch bệnh định kỳ cho gà.

Ngoài ra, theo ông Thỏa, người nuôi gà để Ai Cập phải luôn vệ sinh môi trường chuồng trại, máng ăn, nước uống, giữ vệ sinh khu vực nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát để đàn gà phát triển tốt mà không bị dịch bệnh. Vì ông Thỏa nuôi gà bằng công nghệ đệm lót sinh học và phun sát trùng thường xuyên, nên thời gian gần 20 năm nuôi gà trở về đây đàn gà chưa mắc bệnh lần nào.

Dám nghĩ, dám làm, vực dậy sau thất bại ông Thỏa đã vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình với mô hình nuôi gà Ai Cập. Một trong những mô hình tiêu biểu của xã Việt Hùng, góp phần tạo việc làm, thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trang trai, mang lại thu nhập ổn định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem