Nuôi dê Boer, con nào cũng khỏe như vâm, anh nông dân vùng biên Sơn La lãi hàng trăm triệu

Mùa Xuân Chủ nhật, ngày 27/03/2022 19:00 PM (GMT+7)
Chọn cho mình hướng đi mới trong phát triển kinh tế, chàng thanh niên trẻ Lường Văn Phong ở xã vùng biên của tỉnh Sơn La đã thành công với mô hình nuôi dê sinh sản theo hướng hàng hóa mang lại thu nhập cao.
Bình luận 0
Nuôi dê Boer sinh sản theo hướng hàng hóa chàng thanh niên vùng biên Sơn La lãi hàng trăm triệu đồng  - Ảnh 1.

Xuất phát điểm anh Phong nuôi dê núi sinh sản, đàn dê được anh Phong nuôi nhốt trong chuồng và cho ăn từ nguồn cỏ của gia đình trồng tại nương đồi. Ảnh: Lê Quyết.

Năm 2015, khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đồi, nương rộng hơn 7 ha của gia đình, anh Lường Văn Phong, bản Híp, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã khởi nghiệp phát triển chăn nuôi dê sinh sản. 

Bỏ gần 100 triệu đồng mua dê giống Boer về nuôi

Cuối năm 2017, tình cờ tìm được mô hình nuôi dê Boer trên mạng internet ở tỉnh Vĩnh Phúc, anh Phong đã rủ một người bạn cùng quê xuống tận nơi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi. 

Nhận thấy đây là giống dê có nhiều triển vọng, anh Phong đã bỏ ra số tiền gần 100 triệu đồng mua thêm 13 con dê giống (trọng lượng đạt 30 kg trở lên, với giá từ 170 - 250 nghìn đồng/kg) về phát triển đàn. 

Nuôi dê Boer sinh sản theo hướng hàng hóa chàng thanh niên vùng biên Sơn La lãi hàng trăm triệu đồng  - Ảnh 2.

Giống dê Boer Nam Phi được anh Phong mua từ tỉnh Vĩnh Phúc về nuôi đã góp phần tăng thêm thu nhập. Ảnh: Lê Quyết.

Ban đầu khi anh Phong mới mua về do thiếu kinh nghiệm chăm sóc giống dê mới này nên đã bị chết 6 con. Không nản chí, anh Phong đã tích cực tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi dê từ các các cơ quan chuyên môn, qua các mạng internet, sách, báo và những gia đình thành công trước đó.

Đồng thời, anh đầu tư xây dựng hai dãy chuồng sàn nuôi dê riêng biệt, mỗi chuồng rộng khoảng 60m2 để đảm bảo mật độ dê hợp lý khi nuôi nhốt. 

Chỉ chăn thả dê lên đồi trong những ngày trời nắng để tận dụng nguồn thức ăn xanh sẵn có trong tự nhiên, giúp giảm tối đa chi phí trong chăn nuôi và cho đàn dê được vận động, sinh trưởng phát triển tốt.

Nuôi dê Boer sinh sản theo hướng hàng hóa chàng thanh niên vùng biên Sơn La lãi hàng trăm triệu đồng  - Ảnh 3.

Giống dê Boer có hai sắc lông đen trắng trên mình, có màu lông nâu, có vòng trắng quanh cổ. Đây là con vật thuần tính, dẻo dai, có khả năng phát triển trong những điều kiện khí hậu khác nhau, tính kháng bệnh tốt và ăn tạp, thích chăn thả. Ảnh: Lê Quyết.

Những ngày trời mưa, đàn dê được nuôi nhốt trong chuồng và cho ăn từ nguồn cỏ của gia đình trồng ở nương đồi và thêm thức ăn tinh như: cám gạo, bột ngô và một số khoáng chất… Đến nay, đàn dê của gia đình anh Phong luôn duy trì hơn 100 con dê, trong đó có 45 con dê Boer.

Nuôi dê lai Boer lớn nhanh gấp đôi so với dê núi

Theo anh Phong, so với giống dê núi gia đình anh từng nuôi thì dê Boer lớn rất nhanh, đối với dê bản núi, tính thời gian từ lúc đẻ ra khi nuôi được 2 tháng mới đạt trọng lượng 4-5 kg, còn dê Boer đã đạt trọng lượng trên 10kg. 

Ngoài ra, khi các loại cỏ làm rơi xuống đất dê địa phương sẽ không ăn nhưng dê này vẫn nhặt ăn, dê địa phương kém ăn hơn.

Nuôi dê Boer sinh sản theo hướng hàng hóa chàng thanh niên vùng biên Sơn La lãi hàng trăm triệu đồng  - Ảnh 4.

Dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại cho dê cần phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Ảnh: Lê Quyết.

Chia sẻ bí quyết nuôi dê,  anh Phong bảo: Để nuôi dê thành công phải bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn tránh dịch bệnh; phải phun thuốc khử trùng chuồng trại định kỳ từ 10-15 ngày một lần. 

Hằng ngày, tôi phải thu dọn vệ sinh; rắc vôi bột dưới nền chuồng định kỳ mỗi tuần một lần; ngoài ra còn tiêm phòng một số loại vaccine để phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê.

Thức ăn cho dê phải bảo đảm khô ráo, sạch sẽ và không bị ôi thiu. Dê ăn phải cỏ còn đọng sương, đọng nước mưa rất dễ bị bệnh chướng hơi dạ cỏ.

Nuôi dê Boer sinh sản theo hướng hàng hóa chàng thanh niên vùng biên Sơn La lãi hàng trăm triệu đồng  - Ảnh 5.

Vào những ngày trời nắng để tận dụng nguồn thức ăn xanh sẵn có trong tự nhiên, giúp giảm tối đa chi phí trong chăn nuôi và cho đàn dê được vận động, sinh trưởng phát triển tốt anh Phong sẽ chăn thả lên đồi. Ảnh: Lê Quyết.

Mỗi năm, gia đình anh Phong xuất bán gần 100 con dê giống, dê thịt và chia thành nhiều đợt, mỗi đợt bán từ 3 -10 con. Bình quân mỗi con có trọng lượng khoảng 35kg, giá bán dê thịt từ 140 - 155 nghìn đồng/kg; dê giống có giá bán cao hơn khoảng từ 5 triệu đồng/con trở lên. 

Trung bình mỗi năm tổng thu nhập từ bán dê của gia đình tôi hơn 500 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 400 triệu đồng.

Nuôi dê Boer sinh sản theo hướng hàng hóa chàng thanh niên vùng biên Sơn La lãi hàng trăm triệu đồng  - Ảnh 6.

Nhiều đoàn viên thanh niên và nông dân thường xuyên đến tham quan, học tập kinh nghiệm và được anh Phong chia sẻ tận tình. Ảnh: Lê Quyết.

Nhờ chăm chỉ tìm tòi, học hỏi, không ngại khó khăn, anh Phong đã trở thành một trong những người tiên phong làm giàu từ mô hình chăn nuôi dê sinh sản ở xã biên giới Chiềng Khương. 

Đây là hướng đi giúp đoàn viên, thanh niên và bà con chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững. 

Mô hình phát triển chăn nuôi dê sinh sản theo hướng hàng hóa của gia đình anh Phong đang trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều thanh niên, nông dân trong và ngoài huyện Sông Mã.

Dê Boer có nguồn gốc từ Nam Phi nhưng phù hợp với khí hậu Việt Nam, tăng trưởng nhanh, tối đa có thể lên tới 150kg; tuy nhiên, nuôi hiệu quả nhất khoảng 40 - 50 kg thì xuất chuồng.

Dê Boer có giá thành cao, chất lượng thịt thơm ngon, tỉ lệ thịt móc hàm đạt 40 - 50%, hiệu quả kinh tế gấp 2 lần so với nuôi dê thường (dê núi).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem