Nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, 8X tỉnh Lai Châu rủng rỉnh tiền tiêu

Thanh Ngân Thứ hai, ngày 20/09/2021 06:36 AM (GMT+7)
Qua hơn một năm thực hiện thành công mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, chị Phạm Thị Thư (tỉnh Lai Châu) lãi gần 300 triệu từ bán sản phẩm ra thị trường.
Bình luận 0

Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của chị Phạm Thị Thư (sinh năm 1986), ở tổ 2, phường Quyết Tiến, TP.Lai Châu, tỉnh Lai Châu. 

Nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, 8X Lai Châu rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 1.

Tháng 5/2020, chị Phạm Thị Thư, tổ 2, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu bắt đầu sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. (Ảnh: Thanh Ngân)

Gọi là cơ sở 3 nhưng đây lại là nơi sản xuất đông trùng hạ thảo chính của chị Thư. Cơ sở sản xuất của chị Thư rộng chừng 500m2, trong đó có 3 phòng nuôi cấy nằm sát nhau, với diện tích khoảng 300m2.

Khi chúng tôi đến, chị Thư đang ở trong phòng nuôi cấy, kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của nấm đông trùng hạ thảo. 

Phòng nuôi cấy được chị Thư thiết kế khá khoa học. Phòng nào cũng hệ thống chiếu sáng và máy điều hòa để có thể điều chỉnh nhiệt độ thích hợp cho nấm sinh trưởng và phát triển.

Bên trong phòng nuôi, những chiếc khung sắt được kê ngay ngắn, chia thành nhiều tầng, tầng nào cũng được xếp kín bởi những hộp nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Mùi hương thơm ngầy ngậy từ những hộp giá thể nuôi cấy lan tỏa khắp phòng.

Rót cốc nước pha đông trùng hạ thảo màu đỏ tươi mời khách, chị Thư chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên của mình với loài dược liệu quý này. 

"Năm 2016, bố đẻ tôi bị ốm nặng, cơ thể bị suy nhược. Qua tìm hiểu, tôi thấy đông trùng hạ thảo có tác dụng bồi bổ cơ thể nên đã mua về cho ông dùng thử. Sau một thời gian sử dụng, sức khỏe của bố tôi hồi phục rõ rệt. Lúc đó, tôi liền nghĩ đến việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo" – chị Thư nhớ lại.

Nghĩ là làm, chị Thư bắt tay vào tìm hiểu đặc điểm cũng như kỹ thuật nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo qua sách, báo, mạng internet. Chị Thư còn tìm, học hỏi thêm từ bạn bè và đi thăm quan, trải nghiệm thực tế tại nhiều cơ sở nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo ở một số tỉnh, thành phố trong nước. 

Nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, 8X Lai Châu rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 2.

Ngày nào chị Thư cũng dành thời gian kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của nấm đông trùng hạ thảo tại các phòng nuôi. (Ảnh: Thanh Ngân)

Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, chị Thư quyết định nuôi cấy thử nghiệm nấm đông trùng hạ thảo tại quê nhà Thái Bình. 

Tuy nhiên, tất cả những lần thử nghiệm đó của chị Thư đều không thành công, vì thời tiết nắng nóng, không phù hợp cho nấm đông trùng hạ thảo sinh trưởng và phát triển.

Trước khi xây dựng xưởng nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, chị Thư đã có một thời gian dài vừa nghiên cứu, tìm hiểu vừa bán đông trùng hạ thảo online. Qua đó, chị Thư không chỉ nắm bắt được nhu cầu của thị trường, mà còn thiết lập được mối quan hệ với khách hàng. 

Nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, 8X Lai Châu rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 3.

Chị Thư đăng ký nhãn hiệu Sokuva cho sản phẩm đông trùng hạ thảo của gia đình. (Ảnh: Thanh Ngân)

Năm 2020, chị Thư quyết định quay lên Lai Châu mở xưởng sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Cơ sở nuôi cấy nấm đầu tiên của chị Thư là ở tổ 5 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu). 

"Ăn nên làm ra", chị Thư tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất. Đến nay, chị Thư có 3 cơ sở sản xuất ở thành phố Lai Châu, với tổng diện tích lên đến hơn 700m2, trong đó cơ sở sản xuất ở tổ 2, phường Quyết Tiến là lớn nhất.

Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, chị Thư cho hay: "Tôi mua giống F0 từ Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam về, sau đó tự nhân giống và bảo quản giống trong tủ mát. Quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo đòi hỏi kĩ thuật tỉ mỉ và trải qua nhiều công đoạn...".

Chị Thư chọn gạo lứt đỏ, nước cốt dừa, nhộng tằm và các chất vi ta min để làm giá thể nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. 

Giá thể được phối trộn với nhau theo tỷ lệ phù hợp và được bỏ vào hộp nhựa hấp tiệt trùng, trước khi cấy phôi giống vào. Sau khi cấy giống vào giá thể thì cần phải ủ tối từ 7 – 10 ngày, sau đó mới đưa ra phòng nuôi chiếu sáng...

Theo chị Thư, nấm đông trùng hạ thảo phải được nuôi cấy trong phòng tiêu chuẩn, bảo đảm đầy đủ các điều kiện về vệ sinh, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, hạn chế thấp nhất vi khuẩn gây hại xâm nhập.

Nhiệt độ thích hợp cho nấm sinh trưởng và phát triển tốt dao động từ 18 – 20 độ C, độ ẩm từ 70 – 90%. Ngoài lắp đặt điều hòa 2 chiều, chị Thư còn lắp hệ thống phun sương tạo độ ẩm phù hợp cho nấm sinh trưởng và phát triển tốt.

Nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, 8X Lai Châu rủng rỉnh tiền tiêu - Ảnh 4.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo SUKOVA do gia đình chị Thư sản xuất, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, được nhiều khách hàng ưa chuộng, đặt mua. (Ảnh: Thanh Ngân)

Mỗi ngày, chị Thư sản xuất trên dưới 1000 phôi nấm đông trùng hạ thảo. Chính thức nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo từ tháng 5/2020, đến nay sau hơn 1 năm hoạt động, chị Thư lãi gần 300 triệu đồng từ bán sản phẩm đông trùng hạ thảo ra thị trường. 

Sản phẩm đông trùng hạ thảo do gia đình chị Thư sản xuất, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. 2 sản phẩm: Nhộng đông trùng hạ thảo khô, đông trùng hạ thảo sấy khô nguyên sợi của chị Thư được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP năm 2020 của tỉnh Lai Châu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem