Nuôi cá hồi trên vùng mây bay, ông tỷ phú nông dân Lào Cai đưa loài cá đặc sản "lên ngôi"

Thiên Hương Thứ năm, ngày 21/07/2022 06:01 AM (GMT+7)
Lên Sa Pa (Lào Cai), nhiều du khách thường chọn thưởng thức món ăn chế biến từ cá hồi, cá tầm được nuôi tại địa phương. Nhờ nuôi cá nước lạnh, nhiều người đã đổi đời, trong đó anh Trần Chung Hưng - Giám đốc HTX Song Nhi Sa Pa là một trong những người đã góp phần đưa sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa “lên ngôi”.
Bình luận 0

Nuôi cá nước lạnh như... chăm con mọn

Sau Covid-19, du lịch Sa Pa dần phục hồi, du khách đến Sa Pa không chỉ thăm quan các danh thắng, bản làng… mà còn thăm các trại nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm). Hiện trung bình mỗi ngày, cơ sở nuôi cá của anh Trần Chhung Hưng đón khoảng 300-400 lượt khách đến tham quan và thưởng thức những món ăn chế biến từ cá hồi, cá tầm ngay tại hệ thống nhà hàng Song Nhi.

Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Chung Hưng cho biết, hiện có nhiều trại nuôi cá hồi và cá tầm, nhưng tập trung nhiều ở xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai). Khu vực này có độ cao trên 1.500m và khá lạnh. 

Do được thiên nhiên ưu đãi nên cá hồi, cá tầm được nuôi tại đây cho chất lượng thơm ngon, người nuôi cá gần như không bao giờ phải lo đầu ra, trừ thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thậm chí, có thời điểm cá hồi Sa Pa nuôi không đủ bán.

“Vớt” tiền tỷ ở trại nuôi cá nước lạnh   - Ảnh 1.

Công nhân đang chăm sóc cá tại trại nuôi cá nước lạnh của Công ty TNHH Song Nhi Sa Pa. Ảnh: Hưng Trần

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh có 215 cơ sở nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), tập trung tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Nghề nuôi cá nước lạnh đem lại giá trị thu nhập khoảng 30 tỷ đồng/ha, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động.

Anh Hưng cho hay, gia đình anh đang sở hữu 3 trang trại nuôi cá nước lạnh có quy mô lớn nhất tỉnh Lào Cai, trong đó có 1 trại cá giống, 2 trại nuôi cá thịt. Anh cũng đang tiếp tục đầu tư xây dựng 3 trại nuôi cá mới ở Lai Châu và Lào Cai. Tổng số lượng cá thịt hiện nay là 3 vạn con cá tầm và khoảng 3 vạn cá hồi.

Mặc dù có quy mô chăn nuôi cá tầm, cá hồi lớn nhất tỉnh Lào Cai, song anh Hưng cho biết, toàn bộ cá nuôi chỉ đủ cung cấp cho nhà hàng của Công ty Song Nhi Sa Pa do anh làm giám đốc.

"Do 2 năm vừa qua dịch Covid-19 căng thẳng nên chúng tôi hạn chế thả cá. Năm 2021, có lúc giá cá hồi chỉ còn 120.000 đồng/kg, thua lỗ nên nhiều trại phải đóng cửa. Cá tầm Trung Quốc cũng không xuất sang nhiều như trước nên giá cá thương phẩm hiện nay tăng rất cao. 

Tại trại của tôi, giá cá hồi nguyên con là 350.000 đồng/kg; chế biến tại nhà hàng 600.000 đồng/kg. Giá cá tầm 250.000 đồng/kg, chế biến tại nhà hàng là 500.000 đồng/kg. Ấy vậy mà vẫn không có cá để bán, nuôi được 1,7-1,8kg/con đã phải bắt rồi" - anh Hưng vui vẻ cho hay.

Sở dĩ dù có nhiều người nuôi, song giá cá tầm, cá hồi luôn ở mức cao là vì rất khó nuôi. "Loài cá hồi chỉ sống được ở môi trường nước sạch, phải có dòng chảy và luôn ở nhiệt độ dưới 20 độ C với nồng độ oxy hòa tan cao. 

Vì vậy mà tôi phải chọn xây dựng ao nuôi ở đầu nguồn suối Bạc, bởi nguồn nước ở khu vực này sạch, nhiều khoáng chất và mát lạnh. Thức ăn cho cá phải là loại chuyên dùng. Trước đây tôi thường phải mua từ nước ngoài, nhưng bây giờ đã có thức ăn chuyên biệt cho cá hồi, cá tầm do Công ty TNHH De Heus cung cấp" - anh Hưng kể.

Mặc dù có đủ điều kiện về khí hậu, nguồn nước, nhưng theo anh Hưng, không phải cứ thế mà nuôi được cá hồi. Theo đó, người nuôi phải nắm rõ tập tính, cách phòng trị bệnh cho cá… 

"Nuôi cá hồi không như cá trắm, cá chép, vất vả như chăm con mọn, mà lại nhiều may rủi. Nhiều khi mình đã cố gắng nhưng thiên tai, dịch bệnh, rồi biến động giá cả thị trường cũng khiến nhiều người trắng tay vì con cá" - anh Hưng nói.

“Vớt” tiền tỷ ở trại nuôi cá nước lạnh   - Ảnh 3.

Cá hồi được nuôi tại trang trại của anh Trần Chung Hưng. Ảnh: Hưng Trần

Nhớ lại những ngày đầu "bập" vào con cá hồi đầy vất vả, khó khăn, anh Hưng kể: Trước khi bắt tay vào nuôi cá hồi, anh đã phải bỏ ra mấy tháng trời ăn ở tại Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa để học kỹ thuật nuôi, sau đó mới đầu tư xây ao nuôi. 

Lứa cá giống đầu tiên nhập về từ châu Âu, nuôi rất suôn sẻ. Nhìn đàn cá lớn lên trông thấy, vợ chồng anh phấn khởi lắm. Nhưng khi đến đầu hè năm ấy, thời tiết nóng dần lên, rồi mưa nhiều khiến nước suối chuyển đục. 

Trong khi đó, anh Hưng mới chỉ biết cho cá ăn và chăm sóc, chưa từng có kinh nghiệm xử lý tình huống nước đục, nhiệt độ tăng. Vậy là chỉ sau 4 ngày bắt đầu xuất hiện cá chết. Những ngày sau đó, có hôm vợ chồng anh phải vớt tới cả tạ cá chết. Mà lúc đó cá cũng sắp được xuất bán rồi, nên anh Hưng và vợ xót ruột lắm.

"Cũng may, sau đó có kỹ sư ở Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa đã kịp thời đến giúp cứu đàn cá. Đợt đó tôi lỗ gần 50 triệu đồng, nhưng quan trọng là học được những kinh nghiệm rất quý báu trong quá trình nuôi cá nước lạnh" - anh Hưng chia sẻ.

Áp dụng công nghệ vào nuôi cá hồi đặc sản

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Chung Hưng cho biết, trại nuôi cá của anh cũng là đơn vị đầu tiên ở Lào Cai sử dụng các sản phẩm và công nghệ mới như máy cho ăn tự động, máy lọc nước tuần hoàn, đồng thời sử dụng cám dành riêng cho cá tầm và cá hồi.

"Thực tế cho thấy, khi áp dụng khoa học công nghệ, trang trại sẽ giảm nhân công và kiểm soát được lượng thức ăn. Thay vì cho ăn thủ công, cá sẽ được ăn nhiều bữa trong một ngày thông qua bảng điểu khiển. Đối với các trang trại lớn không đủ nhân công, việc sử dụng máy móc giảm chi phí đáng kể về nhân công cũng như thức ăn thừa" - anh Hưng đánh giá.

Sau một thời gian cho cá hồi, cá tầm ăn thức ăn chuyên biệt mua của Công ty TNHH De Heus, anh Hưng nhận thấy đàn cá khỏe mạnh, nhanh lớn. Chi phí thức ăn giảm nhiều so với thức ăn nhập ngoại, chính vì vậy anh đã mạnh dạn mở cơ sở buôn bán thức ăn để cung cấp cho những người nuôi cá nước lạnh trên địa bàn. Thậm chí, bây giờ anh Hưng đã trở thành đại lí cung cấp thức ăn lớn nhất của De Heus tại khu vực Lào Cai, Lai Châu.  

Về giải pháp lọc nước tuần hoàn, anh Hưng cho biết trại của anh đã thử nghiệm tuần hoàn một phần và đang triển khai xây dựng hệ thống tuần hoàn khép kín.

"Vào mùa khô, suối thường không có nước. Việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp trang trại tái sử dụng nguồn nước, giải quyết bài toán mùa khô thiếu nước nuôi cá. Quá trình này rất thích hợp nuôi trong giai đoạn cá giống nhỏ, khi cá được khoảng 7-8 lạng cũng là lúc chuyển sang mùa hè, nhiều nước, các trại có thể bung ra để nuôi cá lớn thành cá thịt" - anh Hưng phân tích.

Không chỉ nuôi cá hồi giỏi, anh Hưng còn biết làm những món ăn từ cá hồi cực khéo và là người đầu tiên làm cá hồi hun khói kiểu Anh, ruốc cá hồi siêu sạch, trứng cá hồi muối… được rất nhiều khách hàng ưa thích.

Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá cá thấp nên doanh thu từ nuôi cá nước lạnh của Song Nhi Sa Pa chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng. Còn lúc cao điểm, anh Hưng cho biết, doanh thu đạt khoảng 7 tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem