Nuôi loài cá quý hiếm, nước trong leo lẻo thấy bơi từng đàn, nông dân Hòa Bình bán đắt vẫn khối người mua

Bùi Văn Tiếp (Chủ tịch Hội ND xã Tự Do/Hội ND Hòa Bình) Chủ nhật, ngày 13/11/2022 18:07 PM (GMT+7)
Anh Quách Văn Chương là hội viên nông dân chi hội xóm Sát, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) cho biết, từ khi có du lịch Thác Mu gia đình anh bắt đầu đào ao thả cá, chủ yếu là nuôi cá dầm xanh-một loài cá quý hiếm có nguồn gốc từ xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Bình luận 0

Giống cá dầm xanh quý hiếm có nguồn gốc tự nhiên. Loài cá quý này nuôi tuy chậm lớn nhưng lại không tốn thức ăn.

Cá dầm xanh chỉ nuôi hiệu quả ở ao nước sạch và lưu thông nước

Đặc biệt là cá dầm xanh chỉ sống ở nước sạch đầu nguồn, ít có bệnh tật và mật độ nuôi khi nhỏ khoảng 40 đến 50 con/m, nếu là cá giống đã lơn lớn thì mật độ thả nuôi khoảng 20 đến 30 con/m. Thức ăn của cá dầm xanh chủ yếu là cây cỏ tạp quanh vườn nhà.

Cá dầm xanh ăn các loại lá tươi non thái nhỏ cho ăn một lần/ngày là đủ, ngoài ra không dùng bất cứ loại thức ăn công nghiệp nào cho cá. 

Về nguồn nước nuôi cá dầm xanh" Do cá dầm xanh ưa sạch nên không thể để nước tù đọng, mà phải luôn duy trì nguồn nước chảy vào và chảy ra suốt quá trình nuôi cá. Chính vì vậy mà giống cá dầm xanh đặc sản này chỉ nuôi được ở vùng đầu nguồn hay nơi có độ dốc nước chảy suốt mới phát triển và sinh trưởng tốt.

Những vùng khác có thể nuôi được cá dầm xanh, cá vẫn sống nhưng không phát triển và sinh ra nhiều bệnh và chết cá.

Gia đình anh Quách Văn Chương đã thử nuôi cùng một giống cá ở hai ao khác nhau cùng một thời điểm thả giống nhưng khác nhau về nguồn nước. Một ao không có nước chảy vào và chảy ra liên tục suốt thời gian nuôi nên cá không phát triển và hay mắc bệnh. 

Nuôi loài cá quý hiếm, nước trong leo lẻo thấy bơi từng đàn, nông dân Hòa Bình bán đắt vẫn khối người mua - Ảnh 2.

Anh Quách Văn Chương giới thiệu mô hình nuôi cá quý hiếm-cá dầm xanh của gia đình tại xóm Sát, xã Tự Do, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình). Có thể thấy trong ảnh là nước trong ao nuôi cá dầm xanh khá trong, có thể nhìn thấy đáy ao, đặc biệt thấy rõ từng đàn cá dầm xanh bơi lượn chờ ông chủ cho ăn.

Sau 3 năm, cá dầm đã phát triển đạt trọng lượng từ 2,5 đến 3kg/con, trong 2 năm 2020 và 2021, gia đình anh Văn Chương thu được 340kg cá dầm xanh, bán với giá bình quân là 270.000/kg thu được gần 100 triệu đồng trên 1 ao cá với diện tích khoảng 500m. 

Sản lượng cá dầm xanh đã bán chưa tính công gia đình anh còn chế biến phục vụ khách tham quan ao cá dầm xanh và làm cơm đãi khách và phục vụ cho chính gia đình mình.

Anh Quách Văn Chương cho biết đến nay cả xóm mới chỉ có 4 hộ nuôi loài cá quý hiếm này. Nên nhiều khi khách muốn mua không có cá dầm xanh bán. 

Gia đình anh đã quyết định chuyển đổi ruộng lúa gần nguồn nước sạch sang làm ao nuôi cá dầm xanh.

Tại ao nuôi này, tuy cá dầm xanh nuôi chậm lớn nhưng đổi lại giá bán cá đặc sản này lại cao gấp 3 đến 4 lần so với loại cá khác và khách về tham quan điểm Du lịch Thác Mu thì chỉ muốn thưởng thức món ăn đặc sản này.

Lý do nhiều khách du lịch thích ăn cá dầm xanh là bởi thịt cá ăn rất ngọt và thơm đậm, đặc biệt là cá dầm xanh nướng.

Anh Văn Chương nói, nếu du khách đến tham quan tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình mà chưa thưởng thức món cá dầm xanh nướng thì quả là tiếc. 

Khi dịch bệnh covid-19 bùng phát, ngành du lịch nói riêng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

Điểm du lịch Thác Mu và các địa phương khác đều bị ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển các ngành nghề dịch vụ du lịch, trong đó có nghề nuôi cá dầm xanh ở xã Tự Do.

Nguồn cá dầm xanh là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm để phục vụ du khách các nơi về tham quan. Không chỉ những du khách tham quan được tận hưởng những món ăn đặc sản của các vùng miền, mà nhu cầu chung của mọi người dân đều cần những nguồn nông sản sạch như cá dầm xanh.

Vì vậy, rất cần những hộ nông dân ở xã Tự Do có thuận lợi về nguồn nước và những địa phương khác có nguồn tài nguyên nước dồi dào, có độ dốc, có lưu lượng nước chảy thường xuyên thì nên áp dụng mô hình nuôi cá dầm xanh.

Sản lượng nuôi cá dầm xanh tăng lên góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho thị trường, để mọi người đều có thể được thưởng thức món cá quý hiếm đặc biệt thơm ngon và bổ dưỡng này.

Anh Văn Chương cho biết: Hiện nay tình hình dịch bệnh covid-19 đã được kiểm soát, các địa phương đã được mở cửa trở lại đối với ngành du lịch.

Gia đình anh Chương sẽ chuyển đổi và phát triển thêm diện tích ao nuôi cá dầm xanh để phục vụ du khách về tham quan tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Anh Quách Văn Chương sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dầm xanh và nhân giống cá quý hiếm này cho mọi người có nhu cầu học hỏi, nuôi cá dầm xanh nước sạch như tại xóm Sát, xã Tự Do.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem