Hai loài cây gì xanh mát mắt giúp nông dân vùng đất này của Yên Bái đổi đời, xây được biệt thự?

Thứ bảy, ngày 30/07/2022 19:00 PM (GMT+7)
Những ngày tháng Sáu, trời nắng nóng như thiêu đốt vào da thịt, chúng tôi vẫn quyết định trở lại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) để được chứng kiến sự thay da đổi thịt ở vùng quê có “hai cây” đổi đời cho người dân nơi đây.
Bình luận 0

Theo đường Yên Bái - Khe Sang qua xã Báo Đáp, rẽ phải khoảng 3 km là đến trung tâm xã Tân Đồng. Dọc hai bên đường qua các thôn Khe Nhài, Bánh Xe, Làng Đồng... đến các thôn người Dao sinh sống là: Khe Loóng, Khe Đát, Phúc Lương đều hiện hữu trước mắt chúng tôi là rừng quế, những ngôi biệt thự liền kề mới xây, phía dưới là những ruộng dâu xanh ngút ngàn...

Hai loài cây gì xanh mát mắt giúp nông dân vùng đất này của Yên Bái đổi đời, xây được biệt thự? - Ảnh 1.

Ngôi biệt thự khang trang của gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn ở thôn Sài Lương, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) được xây dựng bằng tiền bán quế, trồng dâu, nuôi tằm….

Như đã hẹn, anh Trần Đức Học, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Đồng đã có mặt tại trụ sở từ đầu giờ làm việc buổi sáng để đưa chúng tôi đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của xã. 

 

Trên đường đến thôn Sài Lương, Khe Nhài thăm các tỷ phú quế, triệu phú dâu tằm, anh Trần Đức Học đã thông tin về quá trình phát triển đi lên của xã Tân Đồng. Cách đây hơn một thập kỷ, Tân Đồng vẫn là xã đặc biệt khó khăn của cả nước, đường giao thông liên xã mới được rải cấp phối; đường liên thôn, nội thôn vẫn chủ yếu là đường đất đi lại lầy lội, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm khá cao. 

 

Song, nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư thông qua chương trình mục tiêu quốc gia 135, 134 giai đoạn 2005 - 2010; xây dựng nông thôn mới, giai  đoạn 2011 - 2015, cùng với thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện như: trồng dâu nuôi tằm, trồng quế đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa... mà đến năm 2010, Tân Đồng là một trong những xã đầu tiên của huyện Trấn Yên được ra khỏi diện xã đặc biệt khó khăn. 

 

Từ đó đến nay, người dân trong xã lại tập trung vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, nhân rộng diện tích dâu và quế thay thế các loại cây trồng khác, coi hai cây trồng này là cây chủ lực xóa nghèo bền vững.... 

 

Anh Học vừa ngừng lời, chúng tôi đã tới gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn ở thôn Sài Lương - một tỷ phú quế đã từng 18 năm làm trưởng thôn. Trong ngôi biệt thự 2 tầng, rộng khoảng 240 m vuông, ông Sơn nhanh nhẹn rót trà mời khách, tác phong không khác gì người trưởng thôn cách đây 4 năm. 

 

Ông Sơn phấn khởi chia sẻ: "Mình làm trưởng thôn từ năm 2000 đến năm 2018 thì được nghỉ. Lúc đó, cuộc sống người dân còn khó khăn lắm, rất nhiều hộ vẫn phải vào rừng lấy măng, lấy củi bán để trang trải cuộc sống, đường sá đi lại khó khăn, thiếu phương tiện thông tin, nghe, nhìn... nói chung là đói, nghèo đa chiều. 

Trong những lúc khó khăn đó thì huyện đưa dự án trồng dâu nuôi tằm về Tân Đồng và gia đình tôi cũng là một trong những hộ đầu tiên tham gia chương trình này. Đồng thời, tôi cũng là người cùng phối hợp với lãnh đạo các đoàn thể, ban công tác mặt trận thôn tổ chức họp thôn, xuống từng hộ dân để vận động chuyển diện tích ruộng kém hiệu quả và đất soi bãi trồng màu sang trồng dâu nuôi tằm”.

 

 - Gia đình ông đã gắn bó với cây dâu, con tằm và cây quế đặc sản được bao nhiêu năm rồi? Tôi hỏi.

 

- Tôi chính thức bắt đầu trồng dâu, nuôi tằm từ năm 2008, có lúc làm tới 3 mẫu dâu, nhà có 1 mẫu còn đi thầu thêm 2 mẫu. Vừa nuôi tằm lấy kén vừa nuôi trứng tằm để bán con giống cho các hộ và kết hợp làm dịch vụ thu mua kén tằm cho bà con, công việc lúc nào cũng xoay như chong chóng, không có thời gian nghỉ nữa. 

Còn cây quế thì mới trồng từ năm 2012, mỗi năm trồng một ít, đến năm 2017 thì phủ kín được trên 4 ha đất rừng trước đây trồng bồ đề và tre măng Bát độ. Năm 2020, một số diện tích quế phải bóc tỉa cành, lá, làm không xuể nữa tôi đành chia tay với cây dâu, con tằm để tập trung vào phát triển cây quế - ông Sơn say sưa.

 

- Ngôi nhà này ông xây bằng tiền bán quế hay dâu tằm?

 

- Nhà này tôi xây năm 2014, hết hơn 1 tỷ đồng, tiền bồ đề có một ít, tiền dâu tằm một ít, còn lại là tiền bán quế tỉa, quế giống. Mình bây giờ cũng có tuổi rồi, ở nhà làm việc nhẹ, thu mua quế của bà con mang đến, ươm quế giống còn việc nặng như làm cỏ, khai thác, đều phải thuê. Con trai ở cùng thì mua xe ô tô 3 tấn để thu mua quế cho bà con ở các thôn, chở đi nơi khác bán, bận lắm!

 

- Thôn mình giờ tỷ lệ hộ có nhà xây kiên cố cũng khá nhiều rồi ông nhỉ?

 

- Thôn Sài Lương hiện có 110 hộ, nhà nào cũng có từ 1-2 ha quế chưa kể dâu tằm, giờ cả thôn đã có trên 40% số hộ xây được nhà ở chủ yếu nhờ cây quế và một phần của cây dâu tằm. Những hộ có nhiều quế như hộ ông Nguyễn Văn Bắc 10 ha, ông Phạm Văn Quân có 12 ha. Các ông ấy cũng xây được nhà đẹp lắm rồi! 

 

Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Hồng Sơn, chúng tôi tiếp tục đến thăm mô hình trồng quế của gia đình ông Phạm Hồng Quân ở thôn Sài Lương. 

Ông Quân kể: "Năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi trở về quê hương cùng vợ con phát triển kinh tế, nhưng thời kỳ đó rất khó khăn, nhà làm 1,7 mẫu ruộng và lúa nương nữa mà vẫn không đủ ăn phải đi mót sắn về ăn. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, gia đình tôi nhận 6 ha để trồng bồ đề, luồng, sau này trồng 3 ha cà phê nhưng cuộc sống vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu". 

 

"Năm 1997, tôi quyết định đi mua cây quế giống về trồng thử, sau 2 năm thấy cây quế phù hợp với khí hậu đất đai ở đây, thế là mua hạt về ươm, trồng hết diện tích nhận của Nhà nước và mua thêm 6 ha nữa để trồng quế. Năm 2021, gia đình tôi thuê người bóc quế, tỉa bán được trên 700 triệu đồng, cộng với tiền tích lũy xây ngôi nhà này hơn 200 m2, hết 1,3 tỷ đồng. Bây giờ các con lớn ra ở riêng chia cho mỗi đứa mấy héc-ta mình cũng còn gần 4 ha, mỗi năm tỉa bán cây, cành, lá thu được khoảng 300 - 400 triệu đồng, cuộc sống được như hôm nay là tất cả nhờ vào cây quế đấy các chú ạ...!” - ông Quân chia sẻ.

 

Bên cạnh những ngôi nhà mới xây hiện đại nhờ nguồn thu từ cây quế thì cũng không ít ngôi nhà xây từ nguồn tích lũy trồng dâu nuôi tằm như gia đình chị Phạm Thị Ngân ở thôn Khe Nhài vẫn chung thủy với cây dâu, con tằm. 

 

Hai loài cây gì xanh mát mắt giúp nông dân vùng đất này của Yên Bái đổi đời, xây được biệt thự? - Ảnh 4.

 

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Đồng Trần Đức Học (đứng giữa) thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Tạ Văn Mạnh ở thôn Sài Lương. 

 

 

Hiện, gia đình chị đang làm 3 mẫu dâu, nuôi tằm giống, mua xe ô tô cung cấp tằm giống cho nhân dân các xã Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành và một số xã của tỉnh Tuyên Quang, doanh thu mỗi năm trên 700 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi trên 250 triệu đồng. Còn gia đình anh Tạ Văn Mạnh ở thôn Sài Lương thì gắn bó với cây dâu, con tằm từ năm 2001 đến nay. 

 

Thời gian đầu anh tự mua giống dâu về trồng thử 3 sào để nuôi tằm, khi thấy nuôi tằm hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, anh đăng ký xin dự án của huyện hỗ trợ trồng thêm được 1 mẫu và thầu thêm hơn 1 mẫu nữa để nuôi tằm lấy kén, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng thu về trên 200 triệu đồng. Năm 2019, gia đình anh đã xây được ngôi nhà rộng trên 200 m2, hết trên 800 triệu đồng.

 

Ở Tân Đồng không chỉ các thôn người Kinh làm kinh tế giỏi mà 3 thôn người Dao kinh tế cũng phát triển mạnh nhờ trồng quế và trồng dâu nuôi tằm. Tiêu biểu như gia đình chị Đặng Thị Đạt ở thôn Khe Loóng. 

 

Năm 2004, gia đình chị lên xã Đại Sơn (Văn Yên) mua hạt quế về gieo ươm và trồng thay thế vào rừng keo, bồ đề đã khai thác. Đến nay gia đình chị đã có hơn 4 ha quế từ 15 năm tuổi trở lên và 1 ha trên 4 năm tuổi, mỗi năm khai thác tỉa thưa, cành, lá cũng thu về trên 150 triệu đồng. 

 

Cùng với cây quế, năm 2015, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi 8 sào ruộng sang trồng dâu, nuôi tằm, mỗi năm thu được trên 700 kg kén, bán ra thị trường, thu về gần 70 triệu đồng. 

 

Cũng nhờ cây quế, cây dâu gia đình chị đã xây được ngôi nhà khang trang và có tiền đầu tư cho các con học hành đầy đủ... Hiện Tân Đồng có 1.800 ha quế, hàng năm khai thác và trồng mới 160 ha, sản lượng đạt 3.000 tấn vỏ tươi, cộng với bán lá quế, gỗ quế... mang về nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng cho nhân dân. 

 

Cùng với đó là 134,6 ha dâu đang canh tác, với hàng trăm hộ trồng dâu, nuôi tằm, sản lượng kén đạt trên 200 tấn/năm, giá trị đạt trên 20 tỷ đồng. Xã phấn đấu đến năm 2025, sản lượng kén tằm đạt 300 tấn, giá trị đạt trên 30 tỷ đồng; nghề trồng dâu, nuôi tằm đã giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương. 

 

Chia tay với những cán bộ và người dân chân chất ở Tân Đồng, tôi trầm tĩnh ngắm nhìn những ngôi biệt thự tiền tỷ và những tuyến đường liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm đã kiên cố hóa được trên 90%. Hiện toàn xã đã có 937/994 hộ dân có nhà ở đạt chuẩn theo Bộ Xây dựng; thu nhập bình quân năm 2021 đạt trên 48 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo đa chiều giảm còn 11 hộ, chiếm tỷ lệ 1,1%;  xã đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào tháng 12/2021... 

 

Những thành công đó là nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước đối với xã đặc biệt khó khăn thông qua các chương trình dự án của Trung ương, của tỉnh, của huyện song hơn hết chính là sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của người dân vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc!
Minh Hằng (Báo Yên Bái)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem