Nông dân trồng lúa miền Tây lãi thêm gần 5 triệu đồng/ha nhờ sử dụng loại phân bón này

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 13/05/2023 10:12 AM (GMT+7)
Nông dân trồng lúa ở miền Tây Nam bộ đang rất phấn khởi trước hiệu quả của một loại phân bón mới theo công nghệ siêu lân hữu hiệu (polyphosphate) đã được thử nghiệm và mang lại lợi nhuận tăng thêm gần 5 triệu đồng/ha.
Bình luận 0

Được khuyến khích sử dụng thử phân bón NPK Cà Mau công nghệ siêu lân hữu hiệu, vụ lúa năm nay, nông dân Hà Hùng Cường (ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đã tăng năng suất ruộng lúa của mình đạt bình quân 8,2-8,5 tấn/ha, dự kiến lợi nhuận tăng thêm gần 5 triệu đồng/ha.

Nông dân trồng lúa miền Tây lãi thêm gần 5 triệu đồng/ha nhờ sử dụng loại phân bón này - Ảnh 1.

Nông dân Hà Hùng Cường (ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) bên ruộng lúa đang trĩu hạt. Ảnh: Quốc Hải

Nông dân trồng lúa bất ngờ với "công nghệ siêu lân hữu hiệu"

Vụ lúa này, lão nông Hà Hùng Cường trồng hơn 4ha lúa giống OM18. Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng lúa đang bắt đầu trĩu hạt, ông Cường cười đôn hậu: "Đây là vụ thứ 3 tui sử dụng loại phân bón này. Vụ lúa này tui lại trúng tiếp, được mùa được giá nên có thêm thu nhập để lo cho sắp nhỏ".

Theo ông Cường, với kinh nghiệm trồng lúa hàng chục năm trời, nhưng năng suất mỗi năm mỗi khác vì còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, sâu bệnh… thế nhưng, nhờ sử dụng loại phân bón mới theo công nghệ siêu lân hữu hiệu, cây lúa phát triển mạnh hơn, ít sâu bệnh, cứng cây, ít bị bệnh cháy bìa lá so với sử dụng các loại phân đơn theo lối canh tác truyền thống.

"Hồi năm ngoái, tui tình cờ được giới thiệu sử dụng phân bón công nghệ siêu lân hữu hiệu là NPK Cà Mau 20-10-10 và NPK Cà Mau 18-18-6 của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau. Đồng thời cũng được công ty hỗ trợ 1 phần chi phí, tư vấn các giải pháp kỹ thuật… Kết quả là qua 3 vụ sử dụng, bình quân mỗi ha lúa tui đạt lãi tăng thêm gần 5 triệu đồng/ha", ông Cường nói.

Nông dân trồng lúa miền Tây lãi thêm gần 5 triệu đồng/ha nhờ sử dụng loại phân bón này - Ảnh 2.

Nông dân được cán bộ kỹ thuật từ Công ty Phân bón Cà Mau hướng dẫn canh tác lúa. Ảnh: Ngọc Duyên

Nhưng, điều tâm đắc với lão nông vùng Đồng Tháp Mười này là loại phân bón này giúp đất tươi xốp hơn, giúp cây lúa hấp thu triệt để phân bón để phát triển, nhờ đó cây lúa cứng cây, chắc hạt. Lượng phân bón sử dụng cũng tiết kiệm hơn, từ đó giúp tiết giảm thêm chi phí canh tác.

Cũng đã sử dụng loại phân bón NPK Cà Mau công nghệ siêu lân hữu hiệu được 2 vụ, lão nông Trần Văn Hoàng (ấp 7, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), khấp khởi, năm nay nhờ thời tiết khá thuận lợi, cùng với việc tiếp tục sử dụng kết hợp phân bón NPK Cà Mau 20-10-10 và NPK Cà Mau 18-18-6, nên ruộng lúa hơn 3,6 ha của gia đình tui đẹp hơn, dinh dưỡng thấm sâu nên bộ rễ to khỏe và dài giúp cây luôn cứng cáp đến lúc thu hoạch không ngã rạp.

Nông dân trồng lúa miền Tây lãi thêm gần 5 triệu đồng/ha nhờ sử dụng loại phân bón này - Ảnh 3.

Lão nông Trần Văn Hoàng tận tay kiểm tra những bông lúa đang trĩu hạt. Ảnh: Quốc Hải

Tận tay kiểm tra những bông lúa đang trĩu hạt, lão nông Trần Văn Hoàng nhận định: "Vụ lúa này tui ước tính năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha. Với điều kiện khá thuận lợi như hiện nay, ước tính tui đạt lợi nhuận tăng thêm khoảng hơn 4 triệu đồng/ha".

Lão nông Lê Văn Hùng (H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), một trong những hộ nông trải nghiệm thành công sản phẩm NPK Cà Mau polyphosphate, cũng chia sẻ: "Cảm nhận cây lúa của tui thay đổi tốt hơn qua từng chi tiết. So với ruộng đối chứng, ruộng dùng Phân Bón Cà Mau thấy lá đứng và xanh bền, hạn chế sâu bệnh đáng kể nhất là điều kiện khí hậu bất thường hiện nay".

Theo chia sẻ của lão nông này, nhờ sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ kỹ thuật từ Công ty Phân bón Cà Mau, ông kết hợp công nghệ Drone phun phân bón trải đều mặt ruộng, từ đó giúp giảm gần 20% liều lượng so với cách truyền thống, đồng thời tiết kiệm thêm chi phí nhân công, giảm công sức…

Kết vụ Đông Xuân 2022, ông thu 7,26 tấn/ha cao hơn ruộng đối chứng 240kg/ha, lợi nhuận cao hơn 4,08 triệu đồng/ha.

Nhân rộng mô hình để "nông dân sống tốt với cây lúa"

Trước sự thành công của mô hình và chất lượng "mắt thấy, tai nghe" của sản phẩm phân bón NPK Cà Mau công nghệ siêu lân hữu hiệu, ngày 12/5, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau phối hợp với các ban, ngành tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo "Giải pháp dinh dưỡng cho cây lúa", để chính những hộ nông dân trải nghiệm loại phân bón mới này chia sẻ những thành quả và kinh nghiệm của mình trong canh tác thực tế ở ruộng đồng.

Tại Hội thảo, hiệu quả của 59 mô hình sản xuất lúa sử dụng NPK Cà Mau - Công nghệ polyphosphate ở khu vực miền Tây Nam bộ, trong đó có 16 mô hình tại Đồng Tháp đã được những người trực tiếp tham gia giới thiệu và chia sẻ. Theo đó, cùng điều kiện thời tiết, cây giống, ruộng lúa sử dụng NPK Cà Mau công nghệ siêu lân hữu hiệu cho thấy những ưu điểm nổi trội toàn diện cho cả bộ rễ, thân, lá cũng như như bông và hạt lúa.

Kết quả của các mô hình đều khá tương đồng khi năng suất tăng hơn 11%, chi phí sản xuất giảm gần 1 triệu đồng/ha cùng lợi nhuận thu về tăng gần 5 triệu đồng (khoảng 23%).

Nông dân trồng lúa miền Tây lãi thêm gần 5 triệu đồng/ha nhờ sử dụng loại phân bón này - Ảnh 4.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - Nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ - Chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp, chia sẻ về các giai đoạn phát triển của cây lúa. Ảnh: Quốc Hải

Ông Lê Thanh Chấn, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đồng Tháp, đánh giá, qua thực tiễn triển khai và từ góc nhìn chuyên môn cho thấy Urea Cà Mau và 2 dòng NPK Cà Mau polyphosphate (20-15-8; 18-6-18) khá phù hợp cho mục tiêu phát triển cây lúa bền vững. Việc ứng dụng phân bón công nghệ cao kết hợp kỹ thuật mới là tất yếu của nghề lúa trước những thách thức về giá vật tư, khí hậu, sức tiêu thụ và giá đầu ra.

"Sử dụng 2 dòng NPK Cà Mau polyphosphate (20-15-8; 18-6-18) qua các mô hình khảo nghiệm, chúng tôi đánh giá năng suất ruộng lúa tăng hơn, giảm chi phí đầu tư và lợi nhuận thu về tăng thêm khoảng gần 2 triệu đồng/ha, tương ứng tăng khoảng 10% so với đối chứng", ông Chấn, đánh giá.

TS Lê Hoàng Kiệt, Trưởng Ban Dự án Sản phẩm mới và Giải pháp Dịch vụ Nông nghiệp (Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau), chia sẻ, phân bón mới theo công nghệ siêu lân hữu hiệu (polyphosphate) giúp cho hạt phân có hàm lượng lân hữu dụng cao, cây trồng hấp thu dễ dàng hơn. Các nguyên tố trung vi lượng, nhất là vi lượng trong đất trở nên hữu dụng cao hơn, cây lúa có điều kiện hấp thụ đầy đủ dưỡng chất và cân đối hơn theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển. Từ đó giúp cho hiệu quả sử dụng phân bón trên ruộng lúa cũng như năng suất gia tăng đáng kể.

"Sắp tới, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau sẽ cùng các ban ngành nhân rộng hơn nhiều mô hình tại các tỉnh thành khu vực miền Tây Nam bộ, giúp bà con tăng lợi nhuận để gắn bó hơn với nghề lúa, cũng là góp sức vào mục tiêu an ninh lương thực chung của quốc gia", TS Lê Hoàng Kiệt, khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem