Nông dân Nam Định hối hả gieo cấy vụ xuân, có loại "giặc" cứ rình thóc lên mộng là cắn phá

Đ. Lực - M. Chiến Thứ sáu, ngày 17/02/2023 06:00 AM (GMT+7)
Những ngày vừa qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã khẩn trương xuống đồng be bờ giữ nước, làm phẳng mặt đất và cấy lúa xuân để kịp khung thời vụ.
Bình luận 0

Hối hả xuống đồng làm đất, cấy lúa

Thời tiết miền Bắc chuyển sang tiết lập xuân, do đó nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh Nam Định có mưa nhỏ, rét mướt, thế nhưng cũng không làm ngại những bước chân ra đồng của bà con nông dân. Họ ra đồng với tâm thế háo hức, vui tươi; mong muốn mùa màng thuận lợi, thóc lúa đầy bồ.

Dưới cánh đồng, ai nấy đều bận rộn với công việc của mình. Người thì be bờ, kéo đất, san ruộng; người thì cặm cụi cấy lúa. Tất cả tạo nên một không khí làm việc sôi nổi, phấn khởi trong những ngày đầu năm mới.

Ghi nhận tại huyện Hải Hậu, PV Báo điện tử Dân Việt nhận thấy, nhiều thửa ruộng trên địa bàn huyện đã phủ kín 1 màu xanh của mạ non. Hỏi ra mới biết, bà con nông dân huyện ven biển xuống đồng cấy lúa từ mấy ngày hôm nay.

Chị Nguyễn Thị Thảo (xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu) cho hay, mấy ngày trước, tranh thủ nước nội đồng rút dần, chị ra ruộng làm đất, vạc cỏ bờ sạch sẽ; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sản xuất vụ lúa xuân.

Nông dân Nam Định hối hả xuống đồng gieo cấy vụ xuân - Ảnh 1.

Nông dân huyện Hải Hậu xuống đồng cấy lúa. Ảnh: Mai Chiến

Với tổng diện tích hơn 4 sào (360m2/sào), vụ xuân năm nay, gia đình chị Thảo tập trung gieo cấy đúng 1 giống lúa. Đó là giống lúa Bắc thơm số 7 (hay còn gọi là lúa tám, theo cách gọi của người dân địa phương).

"Từ lâu, huyện Hải Hậu đã có truyền thống canh tác lúa tám nên năm nào gia đình tôi cũng cấy giống lúa này, mỗi năm 2 vụ. Hơn nữa, gạo tám nấu cơm rất ngon, thơm, dẻo và dễ ăn, cũng dễ tiêu thụ", chị Thảo tâm sự.

Cách đó không xa, ông Trần Văn Soát (xã Hải Hưng) đang lụi hụi dùng 2 bàn tay múc lớp bùn non sửa lại bờ thửa cho nước không thất thoát ra ngoài.

Vừa làm, ông Soát vừa chia sẻ, năm nay, gia đình ông canh tác gần 5 sào lúa. Hiện tại, ruộng đã san đất xong xuôi, ông chờ cây mạ cứng cáp thêm vài ngày tuổi nữa là đem ra đồng cấy.

Nông dân Nam Định hối hả xuống đồng gieo cấy vụ xuân - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Soát (xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu) sửa lại bờ thửa. Ảnh: Mai Chiến

"Mùng 7 Tết Nguyên đán, gia đình tôi bắt đầu gieo mạ nền trên sân. Đến nay, cây mạ chưa đạt 3 lá/cây, nên gia đình chưa muốn cấy", ông Soát nói và cho biết thêm, cây mạ càng cứng cáp thì trong quá trình cấy sẽ không bị hao hụt mạ, không sợ mạ chết rét.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Triển - Trưởng phòng NNPTNT huyện Hải Hậu thông tin, vụ xuân 2023, toàn huyện gieo cấy hơn 9.500 ha lúa. Trong đó, gieo sạ chiếm 23% tổng diện tích; còn lại là cấy tay và cấy máy.

Tính đến hết ngày 15/2, toàn huyện đã gieo cấy được trên 60% diện tích. Phấn đấu hoàn thành vụ lúa xuân trước ngày 20/2.

Rốt ráo chống "giặc" chuột

Theo Sở NNPTNT Nam Định, toàn tỉnh gieo cấy 71.200 ha lúa xuân, phấn đấu năng suất đạt 68 tạ/ha trở lên; sản lượng lúa đạt 487.000 tấn trở lên, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 75% sản lượng.

Để vụ lúa xuân 2023 đạt kết quả cao cả về năng suất, sản lượng, chất lượng như đã đề ra, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định khuyến cáo các địa phương hướng dẫn bà con nông dân duy trì đủ nước cho lúa từ sau cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu.

Nông dân Nam Định hối hả xuống đồng gieo cấy vụ xuân - Ảnh 3.

Bà con nông dân xã Trực Chính (huyện Trực Ninh) gieo sạ vụ xuân. Ảnh: Mai Chiến

Căn cứ tình hình sinh trưởng của các trà lúa để tiến hành rút nước - phơi ruộng trong thời gian 12 - 15 ngày (khoảng giữa tháng 4) để khống chế dảnh vô hiệu và hạn chế sâu bệnh.

Bên cạnh đó, tập trung diệt chuột, ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ và quản lý tốt lúa cỏ, cỏ dại. Chủ động phòng chống bệnh lùn sọc đen trên lúa, theo dõi nguồn rầy lưng trắng, thu thập, lấy mẫu giám định virus lùn sọc đen…

"Các địa phương cần phát động tập trung đồng loạt diệt chuột và ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công ngay từ đầu vụ", ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định gợi ý.

Khoảng 5 năm nay, bà con nông dân xã Trực Chính (huyện Trực Ninh) đã chuyển đổi phương thức sản xuất lúa vụ xuân từ cấy tay sang phương pháp gieo sạ trực tiếp xuống ruộng. Áp dụng theo phương pháp này, bà con nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức…

Tuy nhiên, theo người dân nơi đây, nếu áp dụng phương thức gieo sạ thì cần phải có biện pháp phòng trừ "giặc" chuột phá hoại ngay từ đầu vụ.

Nông dân Nam Định hối hả xuống đồng gieo cấy vụ xuân - Ảnh 4.

Bà con giăng nilon ở 2 đầu bờ để hạn chế chuột phá hoại. Ảnh: Mai Chiến

Ông Đinh Văn Thân (xã Trực Chính) chia sẻ, do áp dụng phương thức gieo sạ, nên trước khi vào sản xuất, gia đình ông phải rút nước trong ruộng thật cạn, có như vậy mới đảm bảo để rắc rộng mạ. Tuy nhiên, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuột xuống đồng phá hoại; bởi loài chuột có tính gặm nhấm, nhất là gặm thóc mới mọc mộng.

"Sau khi gieo sạ xong, gia đình tôi và các hộ bên cạnh đã rốt ráo chăng túi bóng nilon ở hai đầu bờ nhằm hạn chế chuột xuống ruộng phá hoại… Ngoài ra, chúng tôi tổ chức tiêu diệt chuột đồng bằng các biện pháp thủ công để bảo vệ mùa màng", ông Thân thổ lộ.

Theo ông Thân, ngoài tiêu diệt "giặc" chuột, thì "giặc" ốc bươu vàng cũng được bà con nông dân xử ngay từ đầu vụ sản xuất, bằng cách phun thuốc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem