Như đã mặc định, chiếc áo màu của đất, là của người nông dân, như chiếc áo màu xanh là của công nhân và màu trắng là của trí thức. Xanh - Nâu - Trắng là hình tượng liên minh Công - Nông - Trí đi theo suốt chặng đường lịch sử của đất nước.

Và trong 3 màu áo đó, người nông dân áo nâu thường được mặc định là nghèo trong một nền nông nghiệp thường được mặc định khó, cũng như hình ảnh nông thôn thường được mặc định là buồn. Một thời trong lịch sử là vậy và hôm nay đây đó vẫn là vậy mặc dù đã có nhiều cải thiện tích cực nhờ nhiều quyết sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Thì đó, thu nhập của nông dân là thấp nhất trong xã hội, nông dân là người trồng lúa càng thấp hơn, bấp bênh hơn với điệp khúc "được mùa mất giá". Thì đó, nông nghiệp tăng trưởng chậm và có xu hướng giảm dần, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm quốc gia thấp nhất trong khi lực lượng lao động nhiều nhất. 

Thì đó, một dòng người từ nông thôn đổ về các đô thị, trung tâm công nghiệp, ruộng vườn giờ chỉ còn lại những người cao tuổi, để đến khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì lại rồng rắn dắt díu quay về.

Như vậy có phải hình ảnh người nông dân mãi gắn với chiếc áo có gam màu tối? Như vậy có phải nghề nông, mặc dù làm nông chưa bao giờ được định danh là một nghề đúng nghĩa, mãi đứng ở vị trí thấp nhất trong thứ bậc xếp hạng nghề nghiệp trong xã hội? Như vậy, chẳng lẽ lời nguyền "con sãi ở chùa thì quét lá đa" ứng vào kiếp người nông dân sao?


Nông dân - một góc nhìn - Ảnh 1.

Hàng ngày, truyền thông chính thống lẫn phi chính thống đưa tin, thậm chí là giật tít, về sự thua thiệt, bị chèn ép của người nông dân. Nào là nông dân bị tư thương ép giá, bị doanh nghiệp quỵt nợ, bị "cò" lừa đảo. 

Nào là nông dân nghèo không có tiền nên phải cắn răng cho con cái tạm ngưng con đường đến trường với những ước mơ còn phía trước. Nào là nông dân không may mắc những căn bệnh hiểm nghèo không có tiền để đóng viện phí chữa bệnh…

 Tóm lại, nông dân đã "nghèo" lại mắc phải "cái eo". Mà nông dân đã vậy thì làm sao thực hiện chức năng là chủ thể, là vị trí trung tâm trong cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới?

Nhưng những hình ảnh đó có phải là tất cả không và mãi vậy không? Chắc chắn là không! Trong một xã hội, trong một giai tầng luôn tồn tại nhiều loại người. Có người chậm chạp bằng lòng chấp nhận tụt lại phía sau, nhưng lại có người nỗ lực hết mình vượt lên phía trước. Có người tự bằng lòng số phận và tìm mọi cách biện minh, nhưng lại có người không chấp nhận đầu hàng số phận, luôn tìm ra hướng đi mới cho riêng mình.

Có người luôn bị cảm xúc nặng nề, bi quan đeo bám từng bước chân, nhưng có người lại chọn cách sống lạc quan dù rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Ông bà mình đã tổng kết: "Không ai giàu ba họ. Không ai khó ba đời" mà!

Trên suốt chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam, từ miền trung du ngược lên vùng núi, từ đồng bằng tiến ra đến biển đảo, đâu đâu cũng có những người nông dân tiêu biểu. Đó là những người nông dân cần cù, chăm chỉ, tự lực, kiên nhẫn biến những mảnh đất khô cằn, chua mặn thành những thửa ruộng, mảnh vườn, ao cá trù phú mang lại thu nhập cao.

 Đó là những người nông dân sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với người khác, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của chính mình, theo triết lý "giúp cho người khác là giúp cho chính mình". 

Đó là những người nông dân tự tin tham gia vào công tác xã hội, hiến tặng đất đai, ngày công để xây dựng đường làng, ngõ xóm, nơi sinh hoạt cho cộng đồng.

Trong một nền nông nghiệp truyền thống, người nông dân có thể tự hào "lấy cần cù bù thông minh", nhưng trong một nền nông nghiệp thông minh phải có những người nông dân thật sự thông minh. Cũng như vậy, muốn có "Làng thông minh" phải có cộng đồng dân cư nông thôn thông minh. 

Nhìn lại những ngày giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, nông sản ùn ứ ngoài ruộng, trong vườn, dưới ao do đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều nông dân vẫn tự mình biết cách vượt qua. 

Bằng chiếc điện thoại thông minh, người nông dân biết tận dụng công nghệ livestream để giới thiệu, quảng bá và kết nối bán nông sản mình làm ra. Nhìn góc độ giản đơn có thể được cho là "trong cái khó ló cái khôn", nhưng nhìn góc độ tích cực hơn có thể xem đó là bắt đầu câu chuyện xây dựng hình ảnh người nông dân thông minh, mẫu hình của nông dân thế hệ mới.


Nông dân - một góc nhìn - Ảnh 2.

Sự khác nhau giữa kinh nghiệm và tri thức sẽ tạo ra sự khác nhau giữa nông dân thế hệ cũ và thế hệ mới. Những lão nông tri điền có thể dựa vào kinh nghiệm "Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm"

Ngày nay, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan đã làm thay đổi quy luật tự nhiên, nông dân phải cần biết sử dụng những thiết bị thông minh. Làm nông với 4 yếu tố "Nước, phân, cần, giống" trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0, nông nghiệp 4.0 cần có cách tiếp cận khác nhờ vào kiến thức khoa học công nghệ.

Ngày xưa, nông sản làm ra chủ yếu mua bán ở chợ làng, ngày nay nông sản bán ra chợ thế giới rồi. Ngày xưa, nông sản mua bán theo kiểu trực tiếp "tiền trao, cháo múc", ngày nay mua bán trên chợ ảo, vậy người nông dân cần có cách tiếp cận khác nhờ vào kiến thức kinh tế, kinh doanh.

Ngày xưa xã hội phân công rành mạch, mỗi người một công việc. Người làm ra của cải, người đem của cải đó đem bán cho người tiêu dùng. 

Ngày nay người mua cũng có thể trở thành người bán và ngược lại. Như vậy, người nông dân không chỉ là người rành rẽ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, mà còn phải nắm bắt khoa học kỹ thuật, phải hiểu nhất định về quy luật thị trường. 

Như vậy, người nông dân phải biết cách phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến để tránh rủi ro thị trường và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn từ những nông sản mình tạo ra. Như vậy, người nông dân không chỉ mặc áo màu nâu mà còn khoác trên mình chiếc áo màu xanh, màu trắng.

Ngày xưa, trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nông dân là đội quân chủ lực làm nên chiến thắng kẻ thù xâm lược. Ngày nay, trong cuộc cách mạng mang tên "Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững", nông dân lại đứng ở vị trí trung tâm để giữ vai trò là chủ thể. Làm thuê có kỹ năng của người làm thuê, người làm chủ phải có năng lực của người làm chủ. Không có đủ năng lực không thể giữa vai trò chủ thể. 

Năng lực của người nông dân ngoài việc kế thừa kinh nghiệm ông cha, không ngừng học hỏi tìm kiếm kiến thức, nông dân cần được đào tạo, huấn luyện, tiếp cận tri thức mới.


Nông dân - một góc nhìn - Ảnh 3.

Một trong nhũng điều kiện tất yếu để tạo thành một mối quan hệ là quan hệ đó phải tồn tại chủ thể. Bất kể mối quan hệ nào trong xã hội đều tồn tại yếu tố chủ thể, vậy có thể thấy, chủ thể là một yếu cực kỳ quan trong trong các mối quan hệ xã hội. Một nền nông nghiệp với bao nhiêu là mối quan hệ. Xã hội nông thôn với bao nhiêu là mối quan hệ. Xác định nông dân là chủ thể không phải là một khẩu hiệu mà là cách tiếp cận vào chiều sâu, vào bản chất. 

Từ người nông dân sống theo nếp nghĩ "Đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm" đến nông dân là chủ thể trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội là cả một cuộc cách mạng trong xã hội nông thôn.

"Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần". Rồi người nông dân mai này sẽ không còn gắn mãi vào chiếc áo màu nâu nữa. Người nông dân mai này buổi sáng có thể mặc áo màu nâu, buổi chiều mặc áo màu xanh và buổi tối có thể mặc áo màu trắng, tự tin vào năng lực của mình trước sóng gió của thị trường.

* Xích Lô là bút danh của tác giả Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT, bài viết riêng cho NTNN/Dân Việt.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem