Nông dân Đồng Nai nhặt thứ quả vứt đi làm ra thứ tinh dầu thơm, vườn tược, làng xóm thêm sạch, đẹp

Nha Mẫn Thứ năm, ngày 27/04/2023 07:50 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai đã tận dụng bưởi non, bưởi dạt để chưng cất tinh dầu bưởi giúp tăng thu nhập và giảm ô nhiễm môi trường trong vườn bưởi.
Bình luận 0

Tận dụng bưởi non để sản xuất tinh dầu bưởi

Vài năm trở lại đây, nhằm tăng lợi nhuận trong sản xuất, nhiều người dân tại các vùng trồng bưởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tận dụng bưởi non hoặc bưởi dạt phải cắt tỉa để tạo ra tinh dầu bưởi. Việc này vừa tạo ra sản phẩm mới hữu ích, vừa tận dụng được phế phẩm trong nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nông dân tận dụng bưởi non, bưởi dạt để sản xuất tinh dầu bưởi giúp tăng thu nhập và giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Chị Thủy đang tỉa bưởi để làm tinh dầu. Ảnh: Nha Mẫn

Để tìm hiểu về mô hình mới này, ngày 23/4, phóng viên Dân Việt đã có mặt tại cơ sở sản xuất tinh dầu bưởi của chị Trần Thị Thanh Thủy ở xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Trò chuyện với phóng viên, chị Thủy cho biết chị là vừa là giáo viên mầm non vừa kết hợp chăn nuôi và trồng trọt sau những giờ tan làm. Do ở vùng trồng bưởi nên gia đình chị cũng có vườn bưởi như nhiều hộ dân khác. 

Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây bưởi bị rớt giá liên tục khiến cho thu nhập từ vườn bưởi bấp bênh, không thuận lợi như trước.

Nông dân tận dụng bưởi non, bưởi dạt để sản xuất tinh dầu bưởi giúp tăng thu nhập và giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 2.

Bưởi làm tinh dầu chủ yếu là bưởi non, bưởi dạt khó để thành trái lớn. Ảnh: Nha Mẫn

Trong cái khó ló cái khôn, chị và chồng vô tình biết được mô hình dùng vỏ trái bưởi để làm tinh dầu nên đã khăn gói đi nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi. 

Khi nắm bắt được quy trình điều chế tinh dầu bưởi, gia đình chị Thủy đã sắm dụng cụ để chiết xuất tinh dầu bưởi. Nhờ vậy, bưởi non bị rụng hoặc cắt tỉa để tuyển trái không bị vứt đầy vườn như trước mà được tận dụng để chiết xuất tinh dầu.

Chị Thủy cho biết, bưởi làm tinh dầu không cần phải là bưởi đẹp mà có thể dùng trái non, trái bị lựa tỉa bớt, do đó không ảnh hưởng đến sản lượng bưởi trong vườn.

Bưởi khi được hái vào sẽ được rửa sạch và cho vào máy lột tách vỏ rồi sau đó vỏ bưởi tiếp tục được cho vào lò nấu thành tinh dầu bưởi.

Nông dân tận dụng bưởi non, bưởi dạt để sản xuất tinh dầu bưởi giúp tăng thu nhập và giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 3.

Vỏ bưởi được tách ra để làm tinh dầu. Ảnh: Nha Mẫn

“Muốn chiết được tinh dầu bưởi phải nấu vỏ bưởi từ 5-6 tiếng tinh dầu mới bắt đầu ra, sau đó tiếp tục nấu thêm khoảng 5-6 tiếng nữa mới lấy được cạn kiệt tinh dầu trong số lượng vỏ bưởi trong nồi. Nhiệt độ trung bình cho quá trình nấu chiết tinh dầu là 100 độ và gia đình tôi nấu bằng lò cảm ứng nên lò tự điều chỉnh được nhiệt, nếu nhiệt cao quá nó sẽ tự ngắt điện”, chị Thủy cho hay.

Ngoài ra theo chị Thủy, mỗi một nồi vỏ bưởi, chị Thuỷ phải thu gom khoảng 500 kg bưởi trái, sau khi tách vỏ còn khoảng 100 kg vỏ. Với trọng lượng 100 kg vỏ chiết nấu xong sẽ cho ra thành phẩm khoảng 1,8 lít tinh dầu bưởi. 

Nông dân tận dụng bưởi non, bưởi dạt để sản xuất tinh dầu bưởi giúp tăng thu nhập và giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 4.

Ruột bưởi sau khi được tách hết vỏ. Ảnh: Nha Mẫn

“Với 1,8 lít tinh dầu bưởi bán lẻ ra thị trường tôi sẽ thu về được trên 8 triệu đồng còn bán cho mối mua sỉ sẽ thu được khoảng hơn 5 triệu đồng. Hiện nay với gần 1 ha bưởi của gia đình, mỗi tháng chị Thủy đang có thêm thu nhập từ 7-10 triệu đồng từ việc bán tinh dầu”, chị Thủy nói.

Một điều đặc biệt nữa là ngoài tinh dầu bưởi giúp cải thiện thu nhập gia đình, ruột của trái bưởi non đã lấy vỏ để làm tinh dầu cũng được tận dụng ủ với men IMO làm phân hữu cơ bón ngược trở lại cho cây bưởi hoặc làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. 

Thành lập hợp tác xã tinh dầu bưởi

Nông dân tận dụng bưởi non, bưởi dạt để sản xuất tinh dầu bưởi giúp tăng thu nhập và giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 5.

Tinh dầu bưởi được chiết xuất. Ảnh: Nha Mẫn

Hiện nay, tại xã Bình Lợi địa phương cũng đã thành lập hợp tác xã với 15 thành viên cùng tham gia sản xuất tinh dầu bưởi. Việc sản xuất tinh dầu bưởi đã mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân ở địa phương, đồng thời cũng phát huy hết giá trị của cây bưởi, tận dụng hết phế thải, giúp bảo vệ môi trường. 

“Làm tinh dầu bưởi giúp có thêm thu nhập, cuộc sống bà con nhờ vậy ổn định hơn. Mặt khác làm tinh dầu bưởi còn giúp các gia đình trồng bưởi giải quyết được vấn đề môi trường trong vườn của mình”, chị Thủy nhấn mạnh.

Nông dân tận dụng bưởi non, bưởi dạt để sản xuất tinh dầu bưởi giúp tăng thu nhập và giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 6.

Chị Thuỷ sẽ tự đóng gói sản phẩm để bán ra thị trường. Ảnh: Nha Mẫn

Cũng theo chị Thủy, trước đây, ở địa phương chỉ có một vài cơ sở sản xuất tinh dầu bưởi nhưng hiện nay đã có thêm nhiều hộ gia đình đầu tư máy móc để làm như gia đình chị. 

Với những hộ trồng bưởi nhưng không trực tiếp làm tinh dầu vẫn có thể gom bưởi non, bưởi dạt để bán cho cho các cơ sở sản xuất tinh dầu vừa giúp sạch vườn, vừa góp phần nâng cao chất lượng trái và thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương.

Nông dân tận dụng bưởi non, bưởi dạt để sản xuất tinh dầu bưởi giúp tăng thu nhập và giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh 7.

Ruột bưởi được ủ IMO tạo thành phân bón lại cho cây bưởi. Ảnh: Nha Mẫn

Anh Thiều Quốc Việt, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) cho biết sản phẩm tinh dầu bưởi của địa phương đã đạt OCOP 3 sao. Vì vậy thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm tinh dầu bưởi của địa phương đã ổn định hơn, người tiêu dùng cũng biết đến tinh dầu bưởi của hợp tác xã nhiều hơn.

“Hiện tại sản phẩm tinh dầu bưởi đã có chỗ đứng trên thị trường nên sắp tới bà con sẽ mở rộng thêm sản xuất để cung ứng ra thị trường. Địa phương cũng đang khuyến khích người dân tăng thêm các sản phẩm chế biến từ tinh dầu bưởi giúp nâng cao giá trị cây bưởi. Sản phẩm này đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu”, ông Việt nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem