Nông dân Quảng Ninh tiếp cận chuyển đổi số, livestream bán hàng vèo vèo

Bùi My Thứ bảy, ngày 18/02/2023 12:47 PM (GMT+7)
Hiện nay, nhiều hộ nông dân, công ty nông nghiệp, hợp tác xã tại Quảng Ninh đã bắt nhịp chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, sản phẩm của bà con sản xuất ra tiêu thụ dễ dàng hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn.
Bình luận 0

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Tại Quảng Ninh, việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào sản xuất, phân phối nông sản đã và đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. 

Khi nông dân tiếp cận chuyển đổi số

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, chị Bùi Thị Nhàn (khu 6, phường Yên Giang, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã giới thiệu bán các sản phẩm ruốc tép, mắm tép chưng thịt của cơ sở tới hàng nghìn khách hàng gần xa.

Tiếp cận chuyển đổi số, nông dân bán hàng từ Bắc vào Nam, xuất sang cả nước ngoài - Ảnh 13.

Việc đưa các sản phẩm ruốc tép, mắm tép chưng thịt lên sàn thương mại điện tử đã mở thêm cơ hội về đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Bùi My

Chị Nhàn cho biết, ngoài bán hàng theo hình thức truyền thống, chị còn đưa sản phẩm của mình lên Zalo, Facebook và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Voso,... 

Ngoài ra, cơ sở Nguyên Nhàn còn bỏ ra chi phí từ 30-40 triệu đồng/tháng để thuê đơn vị chuyên nghiệp ở Hà Nội tổ chức livestream bán hàng. Nhờ đó, khách hàng biết đến nhiều hơn, lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Mỗi tháng cơ sở tiêu thụ từ 2.000-3.000 hộp mắm tép chưng thịt, ruốc tép qua sàn thương mại điện tử. 

Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp cơ sở biết được số lượng đặt hàng, từ đó làm chủ nguồn hàng, chủ động được đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, ngoài hệ thống cửa hàng phân phối ở trong và ngoài tỉnh, cơ sở của chị còn xuất hàng ra nước ngoài như Singapore, Đài Loan.

Tiếp cận chuyển đổi số, nông dân bán hàng từ Bắc vào Nam, xuất sang cả nước ngoài - Ảnh 2.

Sản phẩm của cơ sở sản xuất mắm tép, ruốc tép chưng thịt Nguyên Nhàn trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Bùi My

"Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm bắt mắt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng", chị Nhàn cho hay.

Còn ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đến nay, mô hình nuôi vịt thương phẩm, trứng vịt của ông có quy mô 4ha. Hệ thống chuồng trại lắp đặt công nghệ tự động hóa như máy cho ăn tự động, nước uống tự động, hệ thống làm mát, khử mùi…

Tiếp cận chuyển đổi số, nông dân bán hàng từ Bắc vào Nam, xuất sang cả nước ngoài - Ảnh 5.

Chỉ với điện thoại thông minh, ông Đồng Quang Cường có thể nắm bắt được tất cả các thông số trong chuồng nuôi khép kín. Ảnh: Bùi My

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình chăn nuôi đã giúp giảm rất nhiều chi phí, trước hết là nhân công. Bên cạnh đó, khi ứng dụng công nghệ cao, trang trại thực hiện chăn nuôi vịt thương phẩm theo quy trình khép kín nên hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch bệnh gây ra, gia tăng năng suất.

"Bằng hệ thống công nghệ được kết nối với điện thoại, tôi có thể quản lý sát sao trang trại hàng vạn con vịt thông qua việc điều khiển, kiểm soát, giám sát các thông số kỹ thuật", ông Cường cho hay. 

Nhân rộng chuyển đổi số trong nông nghiệp

Nhờ chuyển đổi số, nông sản của bà con sản xuất ra tiêu thụ dễ dàng hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn. Chính vì vậy, thời gian qua, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân chuyển đổi số đang được các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện.

Cụ thể, trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 18 hội nghị tại các huyện, thị xã, thành phố, tuyên truyền về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân.

Tại các địa phương Đông Triều, Cô Tô, Móng Cái, Đầm Hà cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ số với trên 500 hội viên tham gia. Tại Uông Bí đã thành lập và ra mắt được 5 câu lạc bộ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân với 60 hội viên tham gia.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh Quảng Ninh triển khai hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Qua đó, giới thiệu và bán các sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng của các hội viên, nông dân trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart. 

Đến nay đã hỗ trợ cung cấp thông tin của 1.795 hộ sản xuất nông nghiệp; mở tài khoản cho 42 nhà cung cấp và đưa 242 sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng lên sàn thương mại điện tử Postmart.

Tiếp cận chuyển đổi số, nông dân bán hàng từ Bắc vào Nam, xuất sang cả nước ngoài - Ảnh 6.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, Hội Nông dân TX.Quảng Yên tham quan hệ thống máy cho ăn tự động của ông Đồng Quang Cường. Ảnh: Bùi My

Bước sang năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đặt nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. 

Đồng thời, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, qua các kênh thương mại điện tử tại các thị trường nội địa và xuất khẩu chính ngạch tại các thị trường tiềm năng, nhất là các sản phẩm thủy sản sang thị trường ngoài nước.

Để cụ thể hóa mục tiêu trên, từ ngày 6 - 10/2, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã ra mắt và tập huấn cho 5 mô hình câu lạc bộ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân năm 2023 tại các phường Phương Đông, Phương Nam, Thanh Sơn, Bắc Sơn và Quang Trung của TP.Uông Bí.

Mới đây, vào ngày 15/2, tại phường Hà Phong (TP.Hạ Long), Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị tư vấn, đối thoại, giải pháp tuyên truyền, phố biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, thực phẩm chất lượng, an toàn theo chuỗi cho hội viên nông dân. Cùng đó, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng kết hợp tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên, nông dân.

Tại hội nghị, các báo cáo viên đã tập trung tuyên truyền, phổ biến về vai trò lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp; tập huấn các kỹ năng cơ bản để truy cập các mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử; giới thiệu, hướng dẫn hội viên hội, nông dân viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đưa lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; giới thiệu các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt,...

Ông Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất, chế biến và quảng bá, tiêu thụ nông sản góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Đồng thời giúp tăng độ tin cậy, cũng như quảng bá các sản phẩm nông sản, dịch vụ rộng rãi trên thị trường.

Tiếp cận chuyển đổi số, nông dân bán hàng từ Bắc vào Nam, xuất sang cả nước ngoài - Ảnh 11.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân ở phường Hà Phong, TP.Hạ Long. Ảnh: Bùi My

Thông qua các cuộc tuyên truyền về chuyển đổi số này sẽ giúp người dân hiểu về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng dẫn hội viên nông dân tạo tài khoản, viết tin bài quảng bá các sản phẩm dịch vụ của mình. Từ đó, các hội viên, nông dân chủ động, tích cực tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nắm bắt, thích ứng với yêu cầu phát triển xã hội.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh sẽ chỉ đạo, thành lập nhóm chuyên tư vấn, hỗ trợ tổ chức cung ứng dịch vụ cho nông dân kỹ năng, nghiệp vụ trực tiếp livestream bán hàng trên các mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử.

Dự kiến trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền về chuyển đổi số cho hội viên, nông dân.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem