Vay vốn Ngân hàng CSXH, nông dân Cà Mau thu nhập cao nhờ nuôi chồn hương, nuôi chim cút

Thu Hà Thứ tư, ngày 01/02/2023 19:00 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân trẻ trên địa bàn tỉnh Cà Mau khi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đã mạnh dạn đầu tư các mô hình chăn nuôi mới - trong đó có mô hình nuôi chồn hương, nuôi chim cút, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập.
Bình luận 0

Đầu tư nuôi chim cút, nuôi chồn hương

Mô hình nuôi chim cút của anh Đoàn Khánh Linh (ở ấp Trại Lưới A, xã Đất Mới, huyện Năm Căn) là điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách Ngân hàng CSXH. Anh Linh chia sẻ: "Cách đây hơn 2 năm, tôi mua vài chục chim cút về cho trăn con ăn, số còn lại nuôi giải trí. Thấy chim cút đẻ nhiều, có khả năng sinh lời nên tôi muốn đầu tư nuôi. Lúc mới nuôi thì tự mày mò, tìm hiểu, về sau được đi tham quan các mô hình hiệu quả ở ngoài tỉnh, từ đó tôi mạnh dạn đầu tư".

Cũng nhờ đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH số tiền 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm mà anh Linh có điều kiện tạo thêm việc làm, thu hút lao động địa phương và mở rộng mô hình nuôi chim cút, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Linh cho biết, mỗi tháng, gia đình anh thu lãi trên 30 triệu đồng.

tan/Thu nhập cao từ mô hình chăn nuôi mới - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, nhiều nông dân trẻ trên địa bàn tỉnh Cà Mau có vốn đầu tư nhiều mô hình chăn nuôi mới, trong đó có mô hình nuôi chồn hương. Ảnh: Thanh Vũ

"Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện nên tôi mới dám đầu tư như vậy, nếu không có vốn vay này thì chỉ nuôi tầm 2-3 con là nhiều rồi".

Anh Nguyễn Chí Công (xã Tân Ân Tây, Ngọc Hiển, Cà Mau)

Từ năm 2019 gia đình anh Nguyễn Chí Công (ở ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), nuôi thử nghiệm chỉ 1-2 cặp chồn hương. Sau vài năm, thấy lợi nhuận cao, anh quyết định đầu tư thêm. Ðược vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Ngọc Hiển theo Nghị quyết 11 của Chính phủ với số tiền 50 triệu đồng, anh Công đầu tư mua con giống, đóng thêm chuồng trại để mở rộng mô hình. Đến nay anh đã tăng đàn, tổng đàn chồn lớn nhỏ khoảng 40 con và có 6 con chồn sinh sản, còn chồn lứa khoảng 20 con và 10 chồn con.

Anh Công chia sẻ: "Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện nên tôi mới dám đầu tư như vậy, nếu không có vốn vay này thì chỉ nuôi tầm 2-3 con là nhiều rồi. Ðể tiết kiệm chi phí, tôi tận dụng nguồn thức ăn ở gia đình, như cá rô phi và một số cá tạp, mua thêm chuối cho chồn ăn. Chồn đực hiện có giá khoảng 3 triệu đồng/con, còn chồn con nuôi cỡ 6-7 tháng là đủ ký xuất bán thương phẩm. Với giá hiện nay thì trừ chi phí, mỗi con cho thu nhập từ 2-3 triệu đồng. Mô hình nuôi chồn cũng nhàn, ít tốn thời gian, thời gian rảnh mình sẽ làm được các công việc khác".

Vốn tín dụng phủ khắp 883 ấp, khóm

Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được phủ khắp tại 883 ấp, khóm trong toàn tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Thanh Ðồng - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Cà Mau, cho biết: Đến nay, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Cà Mau đã thực hiện cho vay với tổng dư nợ đạt trên 3.529 tỷ đồng, với hơn 127.000 khách hàng còn dư nợ. Ngân hàng CSXH tỉnh Cà Mau thực hiện phương thức quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, với 2.576 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động cho vay, quản lý vốn.

Trong 20 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung nguồn lực tín dụng ưu đãi, thực hiện giải ngân cho hơn 127.198 lượt hộ nghèo và các gia đình chính sách khác. Qua đó, đã giúp hơn 58.944 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Có 54.305 hộ được vay vốn xây dựng công trình nước sạch và cầu vệ sinh, với tổng số 108.610 công trình, trong đó nước sạch 76.027 công trình, vệ sinh 32.583 công trình; xây dựng trên 12.259 căn nhà cho người nghèo theo Quyết định số 167 và 33 của Thủ tướng Chính phủ".

"Năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh Cà Mau sẽ triển khai kế hoạch và tiếp tục tham mưu Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị số 40, Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng và Quyết định số 1630 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Chỉ thị số 03 của Chủ tịch UBND tỉnh, Kế hoạch số 162 của UBND tỉnh. Ðây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương"- ông Nguyễn Thanh Ðồng cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem