Nội dung bồi dưỡng chức danh nghề nghề nghiệp giáo viên trùng lặp, lãng phí

Theo Lao động Thứ bảy, ngày 22/04/2023 15:42 PM (GMT+7)
Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT đã bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng giáo viên. Như vậy, giờ đây, tất cả hạng giáo viên chỉ cần một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Bình luận 0

Tuy nhiên, điều mà giáo viên mong hơn, có lẽ là bỏ hẳn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Bởi lẽ, nhiều nội dung học của lớp bồi dưỡng này trùng lặp với những nội dung, kiến thức đã học ở trường đại học, cao đẳng sư phạm. Điều này gây lãng phí về thời gian, công sức và tiền bạc cho đội ngũ giáo viên trên cả nước.

Nội dung bồi dưỡng chức danh nghề nghề nghiệp giáo viên trùng lặp, lãng phí - Ảnh 1.

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT đã bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng. Ảnh minh hoạ: VGP.

Tham khảo nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các trường đại học giảng dạy cho giáo viên cấp mầm non đến trung học phổ thông chúng tôi thấy đều có thời lượng là 240 tiết học.

Khi ra trường, với trải nghiệm của công việc thực tế, giáo viên thường xuyên được học tập, bồi dưỡng các nội dung này hàng năm. Năm nào giáo viên cũng đi tập huấn vài lần về chuyên môn, về đổi mới của ngành; sinh hoạt chuyên môn mỗi tuần 2 lần.

Và trong những năm gần đây, ngành Giáo dục chủ trương chuyển từ phương pháp truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho học sinh nên giáo viên đã quá rõ vấn đề này. Hàng năm, giáo viên đều phải chuẩn bị hồ sơ, sổ sách, giờ dạy để cấp trên thanh tra, kiểm tra, dự giờ…

Vì vậy, việc học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay của giáo viên cũng chỉ là việc "làm sáng tỏ những điều đã rõ, đã biết" mà thôi. Tuy nhiên, điều này lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức cho đội ngũ giáo viên.

Chính vì Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nên khi mở lớp bồi dưỡng cho giáo viên, các trường đại học luôn lồng ghép sự quan trọng hóa vấn đề để nhấn mạnh đây là chứng chỉ bắt buộc, học để giáo viên thăng hạng, tạo cơ hội để nâng lương.

Ban giám hiệu nhà trường quán triệt học để có cơ hội đảm bảo việc làm, khi đầy đủ các chứng chỉ sẽ không ảnh hưởng đến việc tinh giản biên chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư, Thông tư liên tịch yêu cầu chứng chỉ này…thành ra giáo viên sợ đi học.

Theo Quyết định số 2514 /QĐ-BGDĐT ngày 22.7.2016, cùng với việc tìm hiểu về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các trường đào tạo, chúng tôi thấy nội dung học, số tiết học được phân bổ khá cụ thể.

Chương trình học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp gồm có 3 phần:

Phần I: Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung (gồm 4 chuyên đề); Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp (gồm 6 chuyên đề).

Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.

Thời gian học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau: Lý thuyết, thảo luận, thực hành: 176 tiết; ôn tập: 10 tiết + kiểm tra: 6 tiết; tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch: 44 tiết; công tác tổ chức lớp (khai giảng, bế giảng lớp): 4 tiết.

Như vậy, chúng ta thấy thời gian thực học chỉ chiếm hơn một nửa, gần một nửa thời gian còn lại là dành cho thảo luận, ôn tập, kiểm tra và viết bài thu hoạch…

Chính vì thế, chúng tôi mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có những đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để giáo viên không phải đi học để lấy những loại chứng chỉ có nội dung trùng lặp với kiến thức giáo viên đã được học, được biết.

Bởi đi học phải là kiến thức mới, thiết thực cho công việc thì nó mới có ý nghĩa, như hiện nay thì không chỉ lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc mà thực ra không giúp ích được nhiều cho công việc giảng dạy hàng ngày của người thầy.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem