Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: Những triệu, tỷ phú lan tỏa phong trào làm giàu ở Tốt Động (Bài 1)

Trần Quang Thứ sáu, ngày 26/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Không chỉ làm giàu cho mình nhiều giáo dân ở giáo xứ An Hòa, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nông dân ở các vùng lân cận hướng thiện, thi đua sản xuất, chăn nuôi cho thu nhập cao, bền vững.
Bình luận 0

CLIP: Những triệu, tỷ phú lan tỏa phong trào làm giàu ở Tốt Động.

Giáo dân vượt khó, sáng tạo để làm giàu

Đầu tháng 8/2022, chúng tôi đến đúng vào dịp ông Nguyễn Văn Mây (hơn 50 tuổi), giáo dân tại giáo xứ An Hòa thuộc xóm Mới, xã Tốt Động vừa thu hoạch xong lứa cá đầu trong năm. Hiện, ông đang tích cực dọn dẹp và khử trùng ao nuôi để chuẩn bị vào lứa mới phục vụ "thượng đến" dịp cuối năm.

Được phóng viên hỏi về thu nhập, ông Mây cười bảo: "Lứa này tôi thu được trên 10 tấn cá trăm, rô phi, chép. Vụ này được giá, riêng cá trắm bán trên 40.000 đồng/kg, tính ra gia đình cũng được trên 400 triệu đồng. Dù giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng tôi vẫn có lời trên 100 triệu đồng".

Vừa nói, ông Mây vừa dẫn chúng tôi ra khu bể nơi đang nhốt 2 con cá chép, ông giữ lại làm quà để biếu người thân. "Cá tôi nuôi ao thoáng, nước sạch, thức ăn chất lượng cao kèm với ngô, lúa chét nên cá dày mình, trắng, mắt trong rất khỏe mạnh, thịt cá cũng rất thơm ngon khó nơi nào sánh kịp. Chính vì vậy, đến khi hút ao các thương lái đã đến tận nhà chờ để lấy, không phải mang hàng ra chợ như các trại khác", lão nông ở Tốt Động khoe.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: Những triệu, tỷ phú lan tỏa phong trào làm giàu ở Tốt Động - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Mây, giáo dân ở xóm Mới, xã Tốt Động chuẩn bị thức ăn chăm sóc đàn cá tại ao của gia đình.

Từ năm 2020 đến nay, giá cám liên tục tăng cao khiến nhiều trang trại, nông hộ nuôi cá lâm vào tình cảnh khó khăn, lỗ chồng lỗ, có hộ phải gác ao nhưng ông Mây vẫn vào cá liên tục, lứa nào cũng thu lãi đều đều. Ông Mây cho hay: "Nuôi cá mỗi trại có kiểu nuôi khác nhau nhưng để thành công và hiệu quả không phải ai cũng làm được.

Để giảm chi phí, tôi đã phải gom lúa chét ở cánh đồng xóm hoặc các vùng lân cận (lúa trỗ bông từ các gốc rạ sau khi nông dân thu hoạch xong vụ lúa chính) và ăn phụ thêm ngô để giảm bớt cám công nghiệp.

Tính ra, mỗi ngày tôi cắt gom khoảng 1-2 xe kéo bổ sung cho cá ăn có thể giảm khoảng 50% chi phí cam/ngày tương ứng với 2 bao cám (trị giá khoảng gần 1 triệu đồng)".

Theo ông Mây, so với giá thành chăn nuôi cá trắm tại các trại khác hiện giờ khoảng 45.000 đồng/kg gồm giá nguyên liệu đầu vào cũng đang ở mức cao, khoảng 14.000 đồng/kg cám. Tính ra, sau 6 tháng thả nuôi đến khi thu hoạch, hạch toán chi phí cho 1kg cá sẽ hết khoảng 1,8kg cám = 26.000 đồng + 5.000 đồng chi phí thuốc nấm đường ruột, chế phẩm xử lý nước trước khi thả giống... + 10.000 đồng giống + 2.000 đồng phí điện chạy máy oxy + phí hao hụt. Chi phí chăn nuôi tại trại của ông luôn thấp dưới 40.000 đồng/kg.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: Những triệu, tỷ phú lan tỏa phong trào làm giàu ở Tốt Động - Ảnh 2.

Ông Mây khoe con cá chép mới thu hoạch tại ao nuôi của gia đình.

Bênh cạnh việc gom lúa chét, ngô cho cá ăn, gia đình ông Mây còn chủ động ao nuôi cá giống tại trại để giảm chi phí trung gian và hạn chế được dịch bệnh.

Để cá nuôi luôn khỏe, ông Mây thường xuyên thay nước mới cho ao khoảng 1 tháng 1 lần. Xung quanh ao nuôi cũng được ông dọn sạch bóng cây cao. Những ngày trở trời, ông còn chạy máy giúp đàn cá có đủ oxi để phát triển bình thường.

"Do chăn nuôi cẩn thận nên hàng chục năm chăn nuôi nhưng trại cũng tôi chưa khi nào bị dịch bệnh đe dọa. Có thời điểm vừa qua, xảy ra đại dịch Covid-19 trên người, việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn nhưng do đình chủ động được nguồn phụ phẩm chăm sóc cá nên không bị ảnh hưởng nhiều", ông Mây tâm sự.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: Những triệu, tỷ phú lan tỏa phong trào làm giàu ở Tốt Động - Ảnh 3.

Một khu ruộng lúa chét tại cánh đồng của xóm Mới được ông Mây tận dụng gom làm thức ăn chăm sóc cá.

Cùng trong giáo xứ với ông Mây, gia đình anh Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1979) cũng nổi lên là hộ làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng mỗi năm ở huyện Chương Mỹ.

Trước đây, gia đình anh Việt từng chăn nuôi khá nhiều trâu bò, dê thịt, cá... và trở thành mô hình mẫu điển hình của địa phương. Đến giờ, anh Việt vẫn duy trì hơn 2 mẫu ao cá và làm thêm lò than, tạo công ăn việc làm cho trên dưới 10 lao động ở trong và ngoài xã.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Việt vẫn rất khiêm tốn bảo: "Nhà em làm ăn, thu nhập bình thường, không có gì nổi trội nên rất ngại lên báo".

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: Những triệu, tỷ phú lan tỏa phong trào làm giàu ở Tốt Động - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Văn Việt bên ao cá của gia đình ở xóm Mới.

Hỗ trợ, lan tỏa tình thần làm giàu chính đáng đến cộng đồng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khiển, Bí thư chi bộ kiêm trưởng xóm Mới (nay là thôn Mới) cho biết, gia đình anh Nguyễn Văn Việt rất điển hình. Từ đời bố là ông Nguyễn Văn Khoản (hiện giờ đã nghỉ việc) cũng rất tích cực chăn nuôi có thu nhập rất cao đến đời anh Việt, làm ăn cũng rất hiệu quả và còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

"Không chỉ tích cực làm giàu, anh Việt còn giúp nhiều hộ dân khác cùng làm giàu. Trong cuộc sống đời thường, gia đình giáo dân này cũng sống tốt đời, đẹp đạo, hòa đồng với bà con. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tôn giáo... được chính quyền, người dân đánh giá cao", ông Khiến khẳng định.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: Những triệu, tỷ phú lan tỏa phong trào làm giàu ở Tốt Động - Ảnh 6.

Ông Mây cho cá ăn tại trang trại của gia đình.

Để công việc chăn nuôi thuận lợi hơn, ông Nguyễn Văn Mây còn liên kết với hàng chục các chủ trang trại khác ở trong và ngoài huyện. "Nhóm chăn nuôi của chúng tôi sinh hoạt rất đều, bà con lương-giáo đủ cả nhưng rất đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn. 

Ai thiếu giống thì mọi người cùng nhau san sẻ, cần kỹ thuật nuôi thì các chủ trại lại họp nhau đến hỗ trợ nâng đỡ các hộ yếu hơn, cùng nhau hợp tác chăn nuôi cá sạch, bài trừ các hủ tục, các kiểu làm gian dối...

Nhờ thế mà đến nay, các chủ trại trong nhóm đều có thu nhập cao từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm và tích cực đóng góp cho các phong trào, từ thiện hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh, thành khác".

Anh Nguyễn Văn Mây còn tích cực khuyên dạy con cái hướng thiện, làm giàu chính đáng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem