Những loài vật nuôi nào đang khiến nhiều nông dân Phú Yên mất tết, vì sao?

Thủy Tiên Thứ năm, ngày 12/01/2023 05:39 AM (GMT+7)
Càng gần tết, heo, gà càng rớt giá, người chăn nuôi thua lỗ nặng. Thời gian gần đây, những biến động không theo bất cứ quy luật nào khiến người chăn nuôi ở tỉnh Phú Yên vô cùng khó khăn trong việc định hướng sản xuất, rủi ro tăng cao.
Bình luận 0

Rớt giá, thua lỗ

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến tết Nguyên đán, nhưng hiện nay, giá các loại gia súc, gia cầm đều giảm mạnh, dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Đây là lần đầu tiên heo hơi thị trường tết mất giá sâu như vậy. 

Bà Nguyễn Thị Tâm, một hộ nuôi heo ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết: Từ đầu tháng 11 âm lịch, heo hơi có giá 55.000 đồng/kg, người chăn nuôi chúng tôi hy vọng giáp tết nhu cầu tăng thì heo cũng nhích thêm được vài giá nữa. Vậy mà, càng gần tết, heo càng giảm, hiện chỉ còn 52.000 đồng/kg hơi.

Những loài vật nuôi nào đang khiến nhiều nông dân Phú Yên mất tết, vì sao? - Ảnh 1.

Người chăn nuôi đang thua lỗ vì gia súc, gia cầm mất giá. Trong ảnh: Người nuôi heo ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. cân bán heo. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Theo bà Trần Thị Thuận ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), vì hy vọng nhu cầu tiêu thụ thịt heo dịp tết tăng mạnh sẽ đẩy giá heo tăng theo nên từ đầu vụ, gia đình bà đã tăng đàn sản xuất với 15 con heo thịt. 

Sau 4 tháng nuôi, heo đạt trọng lượng từ 90-100kg/con, đã đến kỳ xuất chuồng nhưng giá heo lại hạ thấp. “Mỗi con heo, người nuôi chịu lỗ 800.000 đồng, chưa tính công chăm sóc, lao động trong suốt 4 tháng ròng”, bà Thuận nói.

Chung tình cảnh, hiện nay những người nuôi gà đàn cung cấp cho thị trường tết cũng đang điêu đứng vì giá gà hạ thấp. Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết: Mọi năm, vào thời điểm này, thương lái đã tranh thủ đặt cọc bao chuồng (mua hết đàn - PV), chúng tôi đã rủng rỉnh tiền mua sắm tết. Còn năm nay, thương lái rất dè dặt, mỗi đợt chỉ lựa mua vài chục con, còn ép giá đủ kiểu nên không biết đến bao giờ mới bán hết đàn gà này.

Theo những người nuôi gà, một trong những nguyên nhân chính khiến gà tiêu thụ chậm là vì sức mua của thị trường giảm. Cầu giảm trong khi cung tăng đã đẩy giá gà tết giảm mạnh. Hiện gà cồ đẹp cân tại trại có giá 67.000 đồng/kg, gà thịt thì chỉ được 60.000 đồng/kg. 

Tuy nhiên, tỉ lệ gà cồ có mã đẹp thường chỉ chiếm khoảng 30% đàn, vì khi mua gà giống, các trại cung cấp sẽ giao giống với tỉ lệ trống, mái là 50/50. Vụ sản xuất này, nếu tính toán trong điều kiện tỉ lệ chết, nhiễm bệnh và tốc độ tăng trưởng trong ngưỡng yêu cầu thì gà đến khi xuất chuồng có giá thành sản xuất khoảng 68.000 đồng/kg. 

Nếu các tỉ lệ này vượt khỏi ngưỡng thì chi phí sẽ tăng thêm, giá thành sẽ còn cao hơn nữa. Giá thành sản xuất cao như vậy nhưng giá bán ra lại chỉ được khoảng 60.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ vốn.

Cần sản xuất có định hướng

Người chăn nuôi thiếu thông tin định hướng khi sản xuất, mạnh ai nấy làm như hiện nay là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn cung trên thị trường vượt ngưỡng nhu cầu tiêu dùng, kéo giá bán xuống thấp.

Theo ông Trần Văn Sơn ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), cả năm qua, giá gà hơi liên tục thấp dưới giá thành sản xuất. Nhưng vì cứ nghĩ, tết giá sẽ tăng lên như mọi năm nên gia đình ông cố gắng vào thêm một lứa tết, hy vọng gỡ lại ít tiền cám thua lỗ từ những vụ trước. Không ngờ, vụ này giá còn hạ thấp hơn, lỗ càng thêm lỗ.

Chính cách tính toán và cách nghĩ chung của rất nhiều hộ chăn nuôi trong vụ tết như trên là nguyên nhân đẩy cung vượt cầu. 

Ông Nguyễn Gian Phúc, một người chuyên nuôi gà ở xã An Chấn (huyện Tuy An) cho biết: Để hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi, rất mong cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát, định hướng, quy hoạch sản xuất, đồng thời kết nối cung cầu cho người chăn nuôi để bà con an tâm sản xuất, tránh tình trạng thua lỗ như hiện nay.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Yên-ông Nguyễn Văn Lâm, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh hiện có hơn 171.900 con, đàn heo 144.000 con, đàn gia cầm khoảng 4,3 triệu con. 

Tất cả đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Việc gia súc, gia cầm đang phải bán ra dưới giá thành sản xuất như hiện nay có nhiều nguyên nhân như sức tiêu thụ thị trường chậm do kinh tế suy thoái, các khu công nghiệp cắt giảm lao động, các bếp ăn tập thể cắt giảm công suất...

“Để có thể định hướng quy mô sản xuất mỗi vụ cho người chăn nuôi cần phải có sự kết nối toàn ngành trong cả nước, chứ mỗi địa phương không thể làm riêng lẻ. 

Địa phương rất mong các bộ, ngành trung ương có giải pháp can thiệp, hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng, nâng giá gia súc, gia cầm lên để người chăn nuôi bớt thua lỗ; đồng thời có giải pháp quy hoạch, định hướng sản xuất để bà con giảm bớt rủi ro trong khâu tiêu thụ”, ông Nguyễn Văn Lâm nói.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đến tháng 11/2022 ước tính tổng đàn heo cả nước tăng khoảng 13,6%; đàn gia cầm của cả nước tăng khoảng 5,2% so với cùng thời điểm năm 2021. Nguồn cung tăng trong khi sức mua yếu đang gây áp lực lớn đến giá bán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem