Nghị quyết 33 của Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Thái Nguyễn Chủ nhật, ngày 12/03/2023 16:50 PM (GMT+7)
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.
Bình luận 0

NHNN chủ trì triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

Theo Nghị quyết 33, Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (gói tín dụng 120.000 tỷ đồng) để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.

Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với NHNN Việt Nam triển khai thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất thị trường.

Nghị quyết 33 của Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (Ảnh: TN)

Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng, Chính phủ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu cần quan tâm đến những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua như: Về giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội; Về quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội; Về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; Về quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; Về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; Về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội...

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng cần tích cực, chủ động chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" sau khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ngoài ra, xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương.

Mức lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% mức lãi suất bình quân nhưng vẫn kém hấp dẫn

Nhìn nhận về mức lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng, với mức lãi suất trên, người mua nhà và cả doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận hơn so với mức lãi suất 5% của gói vay 30.000 tỷ đồng trước đó.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, với mức lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất bình quân thị trường, những người nhà ở xã hội cũng vẫn khó khăn để tiếp cận và vay vốn mua nhà.

Nghị quyết 33 của Chính phủ giao NHNN chủ trì triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có mức lãi suất cao so với điều kiện của người mua nhà ở xã hội (Ảnh: TN)

"Hiện tại, nếu cộng thêm các khoản phí khác thì mức lãi suất thị trường hiện tại đang rơi vào 14-15%, khối ngân hàng đang có động thái hạ lãi suất tiết kiệm nên dự kiến, thời gian tới lãi suất vay có thể giảm xuống nhưng sẽ khó thấp hơn mức 10%/năm. Như vậy, đối tượng vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn phải chấp nhận mức lãi suất thấp nhất cũng trên 9%/năm. Với mức lãi suất này, vẫn khá ít người có thu nhập thấp tiếp cận được", ông Tuấn nhận định.

Ông Đinh Minh Tuấn cho biết thêm về bản chất, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khác hẳn so với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trước đây. Việc không cố định lãi suất mà thả nổi theo xu hướng tăng giảm của thị trường cũng khiến nhiều người thu nhập thấp bấp bênh tâm lý khi vay mua nhà ở xã hội bằng gói tín dụng này.

Nhu cầu mua nhà ở xã hội luôn rất lớn, gần như cung không bao giờ đủ cầu. Tuy nhiên nguồn cung hiện tại quá ít ỏi, chính sách xét duyệt vay mua cũng khó khăn, vậy nên để gói tín dụng này đi vào thực tiễn vẫn cần phải xem xét tính khả thi, khả năng tiếp cận để có sự điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế thị trường.

Thực tế, mặt bằng lãi suất áp dụng cho doanh nghiệp vay sản xuất, kinh doanh phổ biến là 12 - 13%/năm, tùy từng nhóm khách hàng và mục tiêu vay vốn. Còn lãi suất cho vay mua nhà phổ biến từ 12,5 - 15%/năm, mức này cao hơn khoảng 2 - 4% so với cùng thời điểm năm ngoái. Vì vậy, người mua nhà gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, giá nhà ở tăng chóng mặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem