Nuôi thứ cá trông như "cục thịt màu", đầu lân vảy rồng, đẹp ma mị, nông dân Tiền Giang cùng thu tiền tỷ

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 17/03/2023 05:06 AM (GMT+7)
Hơn chục năm nay, bà con nông dân xã Mỹ Hội (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nhờ nghề nuôi cá kiểng, trong đó có cá ba đuôi đầu lân mà làm giàu. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá cảnh bán cho dân chơi...
Bình luận 0

Trong số nông dân ở xã Mỹ Hội nuôi cá kiểng làm giàu phải kể đến ông Đặng Văn Sết. Nhờ nuôi cá kiểng, trong đó có loài cá ba đuôi đầu lân mỗi năm ông Sết thu tiền tỷ.

Nuôi "cục thịt" mình cá, đầu lân, đẹp ma mỵ, nông dân Tiền Giang rủ nhau đút túi tiền tỷ - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Sết (xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nuôi cá kiểng, trong đó có loại cá ba đuôi đầu lân làm giàu. Ảnh: Trần Đáng

Nuôi cá kiểng làm giàu

Ông Sết cho biết, ông khởi nghiệp nuôi cá kiểng gần 20 năm trước. Hiện, trại cá kiểng của ông có 50 bạt và ao nuôi với 8.000m2. Trại cá kiểng này đang nuôi hơn 30 loài cá, như: Song kiếm, rambo, hồng nhung, bảy màu… nhưng chủ lực vẫn là cá 3 đuôi đầu lân.

Theo ông Sết, sở dĩ ông tập trung nuôi cá ba đuôi đầu lân bởi đây là loại cá kiểng được nhiều người ưa thích và bán chạy. Cá ba đuôi đầu lân đem đến vẽ đẹp riêng cho bể cá kiểng. Mỗi loại cá  3 đuôi đầu lân có màu sắc riêng, vẻ đẹp riêng. Có loại hình dáng tròn vo như "cục thịt". Cá ba đuôi dễ nuôi, háu ăn nên được nhiều người chơi cá kiểng chọn mua.

Theo ông Sết, muốn nuôi cá kiểng làm giàu phải nhanh nhạy, chạy theo xu hướng chơi của thị trường. Người nuôi cần phải cập nhật liên tục những giống cá kiểng mới trên thế giới.

"Những giống cá kiểng nuôi mãi sẽ thoái hóa, lỗi thời, không cho mẫu mã, màu sắc đẹp nữa, thị trường không chuộng", ông Sết đánh giá.

Việc nhanh nhạy nắm bắt thị trường chơi cá kiểng, càng làm cho trại cá của ông thêm nổi tiếng. Thị trường cá kiểng chính của ông Sết là ở TP.HCM, một trung tâm cá kiểng của cả nước.

Theo ông Sết, mỗi tháng, ông cung cấp cho thị trường TP.HCM hơn 20.000 con cá kiểng, hầu hết là cá ba đuôi đầu lân Tùy theo kích cỡ, giá cá kiểng dao động 5.000 – 200.000 đồng/con. 

Như giá cá ba đuôi đầu lân sẽ được bán với giá 5.000 – 50.000 đồng/con tùy vào kích cỡ, loại cá. Nếu mua theo cặp, mức giá ba đuôi đầu lân 80.000 – 100.000 đồng/cặp. Mỗi năm, ông Sết có doanh thu khoảng 1 tỷ đồng từ nghề nuôi cá kiểng.

Nuôi "cục thịt" mình cá, đầu lân, đẹp ma mỵ, nông dân Tiền Giang rủ nhau đút túi tiền tỷ - Ảnh 3.

Cá ba đuôi đầu lân đã giúp nhiều nông dân ở xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nuôi cá kiểng làm giàu. Ảnh: Trần Đáng

Cũng như ông Sết, anh Võ Văn Chọn cũng chọn nghề nuôi cá kiểng làm giàu. Hiện, trại cá kiểng của anh Chọn có 40 bạt nuôi cá cảnh với diện tích 1.000m2. Với 15 loại cá kiểng, trong đó chủ yếu là cá ba đuôi đầu lân, mỗi tháng anh Chọn có doanh thu 20 – 30 triệu đồng.

"Ngoài nguồn nước, thức ăn, con giống, để nuôi cá kiểng thành công người nuôi phải bỏ rất nhiều công sức chăm sóc cá", anh Chọn thổ lộ.

Hỗ trợ nhau nuôi cá kiểng làm giàu

Theo UBND xã Mỹ Hội, hiện xã có hơn 40ha diện tích nuôi cá kiểng với cả trăm hộ dân tham gia.

Ông Bùi Vĩnh Hưng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hội cho biết, nghề nuôi cá kiểng đã mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt, giúp cho nhiều hộ nông dân làm giàu. Nhiều hộ có thu nhập từ nghề nuôi cá kiểng hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cụ thể, như các hộ Đặng Văn Sết, Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Thành Lâm…

Nuôi "cục thịt" mình cá, đầu lân, đẹp ma mỵ, nông dân Tiền Giang rủ nhau đút túi tiền tỷ - Ảnh 4.

Nhiều hộ nông dân ở xã Mỹ Hội nuôi cá kiểng, trong đó có loại cá ba đuôi đầu lân làm giàu. Ảnh: Trần Đáng

Năm 2015, xã Mỹ Hội thành lập tổ hợp tác nuôi cá kiểng, do ông Sết làm tổ trưởng. Hàng năm, xã kết hợp với các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn nuôi cá kiểng cho bà con nông dân từ xử lý hầm nuôi, nuôi cá cho đến tìm đầu ra cá kiểng…

Theo ông Võ Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) bà con nuôi cá kiểng đang hỗ trợ, giúp đỡ nhau để cùng nhau phát triển nghề. Ngoài nuôi cá kiểng, cá ba đuôi đầu lân ông Sết còn thu mua cá kiểng cho bà con nông dân địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem