Nhiệt độ có lúc xuống -7 độ C ở Sa Pa, nông dân lùa đàn trâu xuống vùng thấp, vào rừng, lên đồi cắt cỏ

Mùa Xuân Thứ hai, ngày 19/12/2022 06:00 AM (GMT+7)
Nhiệt độ có nơi ở thị xã Sa Pa đã xuống đến -7 độ C. Chính quyền, ngành chức năng và nông dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã triển khai nhiều giải pháp chống rét cho đàn trâu, bò. Dân đưa đàn trâu bò xuống vùng thấp tránh rét, vào rừng cắt cỏ trữ thức ăn cho đàn gia súc...
Bình luận 0
Nông dân Sa Pa chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi - Ảnh 1.

Sáng sớm (18/12), nhiệt độ tại đỉnh Fansipan (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) giảm xuống âm 7 độ C, khiến cho băng giá xuất hiện dày đặc bao phủ lớp thảm thực vật. Ảnh: Phan Y.

Sa Pa chưa có thiệt hại về vật nuôi do rét đậm, rét hại

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng kinh tế thị xã Sa Pa, cho biết: Trong 2 ngày (17 và 18/12/2022) trên đỉnh Fansipan nhiệt độ giảm sâu dưới 0 độ C, thậm chí tụt xuống tới-7 độ C; đã xuất hiện băng giá phủ trắng thảm thực vật. Đây là đợt rét sâu đầu tiên, theo cập nhật thông tin mới nhất từ các xã, phường hiện trên địa bàn thị xã Sa Pa chưa có thiệt hại về vật nuôi.

Trong những ngày tới, nếu thời tiết vẫn đang tiếp tục rét đậm, rét hại thì sẽ vận động các hộ chăn nuôi chủ động di chuyển đàn gia súc xuống vùng thành phố Lào để tránh rét.

Nông dân Sa Pa chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi - Ảnh 2.

Nông dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã chủ động di chuyển đàn gia súc xuống vùng thấp tránh rét. Ảnh: Phạm Hưng.

Ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Bo, thị xã Sa Pa, thông tin: Hiện trên địa bàn xã có gần 2.000 con gia súc; có 544 hộ có chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét. Xã đã vận động nhân dân di chuyển đàn gia súc còn thả rông về nhốt tại chuồng trại, không chăn thả gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C.

Đối với các hộ chưa có chuồng đảm bảo, xã đã tuyên truyền các hộ dân tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương làm mới che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho gia súc. Vận động các hộ chưa có chuồng trại tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương để làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc.

Tận dụng chăn cũ, bạt dứa, bao tải … để làm áo giữ ấm cho gia súc. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn dự trữ như: Rơm, cỏ khô, thân cây ngô, khoai lang để chế biến thức ăn cho gia súc.

Theo ông Đại, ở các thôn vùng cao như: Sín Chải A, Sín Chải B, Suối Thầu Dao, Suối Thầu Mông, bản Pho những ngày giá rét đậm, rét hại phải di chuyển gia súc xuống các vùng thấp để tránh rét.

Nông dân Sa Pa chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi - Ảnh 3.

Người dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) lùa đàn gia súc về nhốt chuồng kín trong những ngày giá rét. Ảnh: Phạm Hưng.

Anh Giàng A Chỉnh, thôn Suối Thầu Mông, chia sẻ: Gia đình tôi có 2 con bò thôi, những ngày này thời tiết ở vùng cao lạnh lắm, gia đình tôi đã làm chuồng và quây bạt kín xung quanh để tránh gió lùa con bò.

Sa Pa triển khai nhiều giải pháp bảo vệ hơn 38.600 con gia súc

Theo số liệu thống kê tổng đàn gia súc toàn thị xã Sa Pa có hơn 38.600 con, để bảo vệ đàn gia súc UBND thị xã Sa Pa đã xây dựng kế hoạch phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trong vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023 triển khai đến các xã, phường.

Sa Pa kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thanh viên Ban chỉ đạo trực tiếp phụ trách các thôn, bản về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc.

Thị xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những tác hại do rét đậm, rét hại gây ra cho đàn gia súc, gia cầm để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét thông qua các cuộc họp thôn, bản.

Nông dân Sa Pa chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi - Ảnh 4.

Những ngày giá rét, nhiệt độ giảm sâu người dân trên địa bàn thị xã Sa Pa (Lào Cai) cần nhốt đàn gia súc trong chuồng để tiệm chăm sóc. Ảnh: Phạm Hưng.

Ngành chức năng thị xã khuyến cáo người dân tranh thủ những ngày trời nắng thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo; tận dụng thân cây ngô, lạc, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng hình thức u chua, u men vi sinh... 

Thức ăn được dự trữ cho gia súc phải đảm bảo chất lượng, không bị thối mốc; số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi trâu, bò tối thiểu từ 200kg/con trở lên.

Địa phương cần vận động các hộ chăn nuôi có chuồng nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống rét và các hộ chưa có chuồng khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng trại, chuẩn bị vật liệu che chắn đảm bảo giữ ấm cho gia súc. 

Những hộ chăn nuôi gia súc còn thả gia súc trong rừng phải thực hiện xong việc di chuyển đàn gia súc về chăn thả và nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến nơi kín gió có điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét.

Hộ chăn nuôi cần dọn vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo. Dự trữ chất đốt củi khô, trấu... để đốt sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, sương muối. Tuyệt đối không thả gia súc ra khỏi chuồng khi trời rét đậm, rét hại, khi có sương muối thì phải để tan sương (có ánh nắng mặt trời) mới cho gia súc ra khỏi chuồng.

Nông dân Sa Pa chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi - Ảnh 5.

Người dân vùng cao Sa Pa (Lào Cai) lên núi cắt cỏ dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Ảnh: Phạm Hưng.

Đối với các xã, phường hàng năm có đàn gia súc di chuyển đi tránh rét thực hiện thống kê số hộ đăng ký di chuyển đàn gia súc, số lượng đàn gia súc của các hộ dự kiến di chuyển đi và nơi gia suc di chuyển đến đồng thời có văn bản của xã, phường gửi các địa phương di chuyển đàn gia súc đến tránh rét tạo điều kiện cho các hộ dân được chăn thả gia súc phòng, tránh rét.

Các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trước khi di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, xin giấy chứng nhận đã tiêm phòng của UBND xã, phường nơi di chuyển đi. 

Đồng thời, các chủ đàn trâu, bò thực hiện khai báo với UBND xã nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh; làm lán trại tạm thời để giữ ấm cho gia súc (lán trại phải có mái che, kín gió và cao ráo).

Ngành chức năng cũng giao cho cán bộ thú y viên xã hoặc Khuyến nông viên xã thường xuyên kiểm tra theo dõi tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng đàn gia súc, thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường khu vực nuôi nhốt gia súc. Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh và vệ sinh môi trường xung quanh.

Ông Hầu A Seng, Trưởng thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), cho hay: Dền Thàng là một trong những thôn xa nhất của xã Tả Van. Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, Ban quản lý thôn đã tuyên truyền cho các hộ dân di chuyển đàn gia súc về nhốt chuồng để tiệm chăm sóc. Đồng thời, hướng dẫn người dân gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn trong những ngày giá rét.

Thời gian tới, thời tiết còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại, vùng cao khả năng có sương muối, vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc chủ động các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem