Nhật Bản, Mỹ, EU đều ưa chuộng vải thiều Thanh Hà, lượng xuất khẩu tăng 50%

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 05/06/2022 20:04 PM (GMT+7)
Theo ông Vũ Việt Anh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương, vụ vải thiều 2022, sản lượng vải thiều của tỉnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU tăng 50% so với 2021. Đến nay, tỉnh đã lên kịch bản sẵn sàng cho một vụ vài thiều thắng lợi.
Bình luận 0

Chỉ còn ít ngày nữa nông dân Hải Dương bước vào chính vụ thu hoạch vải thiều. Ông Vũ Việt Anh cho hay, năm nay người trồng vải thiều đang rất phấn khởi vì được mùa, được giá.

Đến thời điểm này ông đánh giá như thế nào về sản lượng, chất lượng cũng như giá thành của vải thiều Hải Dương trong niên vụ 2022?

- Niên vụ vải năm 2022, Hải Dương có năng suất và sản lượng vượt trội so với các kỳ trước. Năm nay tỉnh có khoảng 9.000ha vải thiều, sản lượng vải dự kiến đạt 60.000 tấn, tăng 10% so với năm 2021.

Trà vải thiều sớm có diện tích khoảng 2.750ha, riêng huyện Thanh Hà có khoảng 1.750ha với sản lượng ước tính trên 35.000 tấn. Trà vải thiều muộn có diện tích khoảng 6.200ha với sản lượng ước tính khoảng trên 25.000 tấn. Thời gian thu hoạch đến hết tháng 6 năm nay. Năm nay, sản lượng cao, bán được giá nên người trồng vải thiều ở Hải Dương đang rất phấn khởi.

Vải thiều Hải Dương sang Nhật, Mỹ, EU tăng 50% - Ảnh 1.

Những lô vải thiều của Hải Dương đã xuất sang Nhật Bản thành công. Ảnh: M.N

Vải thiều Hải Dương sang Nhật, Mỹ, EU tăng 50% - Ảnh 2.

Vậy đâu là lý do đưa sản lượng vải thiều vượt trội so với mọi năm? Và như ông nói "được mùa, được giá" nhưng hiện nay chi phí đầu vào ở mức cao thì người trồng vải có lãi không?

- Năm 2022, điều kiện thời tiết hết sức thuận lợi và đặc biệt là sự đầu tư về khâu chăm sóc và ứng dụng khoa học kỹ thuật của người dân đã giúp năng suất, chất lượng vải thiều tăng cao so với mọi năm. Mặc dù chi phí đầu vào như phân bón, thuốc BVTV tăng cao nhưng tôi chắc chắn là người trồng vải ở Hải Dương vẫn có lãi.

Hải Dương đã chuẩn bị cho việc kết nối, xúc tiến, quảng bá tiêu thụ vải thiều như thế nào thưa ông?

- Ngay từ cuối 2021 chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể. Trong đó tập trung vào 2 nội dung chính. Thứ nhất, tập trung vào khâu sản xuất để nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm vải thiều theo tiêu chuẩn trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, đẩy mạnh các biện pháp giám sát quy trình sản xuất, sử dụng thuốc BVTV theo tiêu chuẩn.

Thứ hai, chúng tôi xây dựng kế hoạch đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, giới thiệu về chất lượng, thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Đặc biệt, năm nay công tác truyền thông được đổi mới và phong phú kể cả về nội dung và hình thức.

Dịp này chúng tôi xây dựng một loạt sự kiện, trong đó có tổ chức lễ mở vườn hái vải xuất khẩu năm 2022; Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: "Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều Thanh Hà"; Hội thi "Vải thiều Thanh Hà - Tinh hoa văn hóa xứ Đông".

Các hoạt động đã tạo chuỗi sự kiện liên tục, nhất là trong tháng 6 khi bước vào chính vụ thu hoạch vải thiều thì Sở NNPTNT sẽ phối hợp tổ chức một loạt các sự kiện trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh, quảng bá, xúc tiến thương mại.

Ông đánh giá thế nào về thị trường tiêu thụ vải thiều năm 2022?

- Thị trường trong nước thì chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Sở NNPTNT, Trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, các doanh nghiệp chuyên về tiêu thụ nông sản, các siêu thị để có những hợp đồng quảng bá đẩy mạnh công tác truyền thông.

Đối với phục vụ cho xuất khẩu, thì ngay từ đầu năm Sở NNPTNT đã tích cực phối hợp với các sở, ngành mời kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có văn phòng đại diện ở nước ngoài, thông qua đó quảng bá, đưa hình ảnh vải thiều sang các nước bạn. Đây là hình thức tuyên truyền khá hiệu quả.

Tiếp nữa, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối mời các doanh nghiệp về nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất tại địa phương để có hợp đồng phục vụ cho xuất khẩu. 

Theo dự kiến, thông qua kênh của các doanh nghiệp xuất khẩu thì năm 2022, ngoài những thị trường truyền thống, việc xuất khẩu tiếp tục đẩy mạnh sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU. Năm 2022 xuất khẩu sang các thị trường này xấp xỉ 5% tổng sản lượng toàn tỉnh.

Đến thời điểm này, lượng vải thiều Hải Dương theo các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường khó tính tăng khoảng 50% so với 2021.

Như ông nói xuất khẩu vải thiều sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc, EU, Mỹ đạt 5% tổng sản lượng toàn tỉnh. Trong khi đó thị trường chính vẫn là Trung Quốc nhưng nước này đang thực hiện "Zero Covid". Vậy Hải Dương làm gì để tiêu thụ vải thiều sang Trung Quốc thuận lợi?

- Theo dự báo thì năm nay vẫn còn rất nhiều khó khăn cho thị trường xuất khẩu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc đang áp dụng "Zero Covid". Vì vậy, ngay từ đầu năm chúng tôi đã chủ động phối hợp để tăng cường công tác nắm bắt tình hình của các thị trường xuất khẩu. 

Theo đó, tổ chức các diễn đàn, mời các chuyên gia của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và các bộ, ngành để về tọa đàm, cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp nắm bắt được, từ đó có những biện pháp để chuẩn bị xuất khẩu tốt nhất.

Chính vì vậy, lúc đầu cảm tưởng rất khó khăn nhưng đến nay vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc hết sức thuận lợi, giá cả rất đảm bảo.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem