Nhận tem truy xuất thông minh, nông dân Bắc Ninh được "chia chác" 12 triệu đồng tiền mặt

Khương Lực Thứ năm, ngày 21/04/2022 10:52 AM (GMT+7)
37 hộ dân ở xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh được hỗ trợ 50 triệu đồng mỗi hộ để mua tem truy xuất nguồn các sản phẩm cá nuôi. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân chưa sử dụng do chủ yếu bán cá cho thương lái, họ không cần tem truy xuất thông minh.
Bình luận 0

Bắc Ninh là tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp rất cao, đơn cử như Nghị quyết 147/2018/NQ-HĐND hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu để mua tem truy xuất nguồn gốc với mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng.

Người dân không cần tem truy xuất nhưng vẫn... giao tem

Ông Lê Đình Đức ở thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh nói về việc nhận tem truy xuất được công ty hỗ trợ cho 12 triệu đồng. 

Thế nhưng, khi 37 hộ dân ở xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh nhận hỗ trợ tem truy xuất thông minh, nhưng lại chưa sử dụng để người tiêu dùng có thể truy cập và xem các thông tin liên quan đến quá trình sản xuất, phân phối và chất lượng sản phẩm.

Được biết, để được cung cấp nguôn tem này, các hộ dân đã ký hợp đồng kinh tế về việc cung cấp gói phần mềm hệ thống tem truy xuất thông minh với Công ty CP công nghệ và truyền thông Smart Life có trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội.

Theo các điều khoản trong hợp đồng này, các hộ dân sau khi nhận được bộ tem truy xuất nguồn gốc, phải thanh toán 100% số tiền là 50 triệu đồng bằng tiền mặt cho công ty này.

Số tiền trên là tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước của tỉnh Bắc Ninh theo Nghị quyết 147 năm 2018 của HĐND tỉnh Bắc Ninh cho các hộ dân để thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Đình Lực, thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết gia đình ông nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích hơn 1,4 mẫu ao. Cùng với việc được hỗ trợ 100% kinh phí lần đầu cho cơ sở sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, ông còn được hỗ trợ hơn 12.000 tem truy xuất thông minh với giá trị 50 triệu đồng.

Nhận tem truy xuất hỗ trợ, nông dân Bắc Ninh được "chia chác" 12 triệu đồng tiền mặt - Ảnh 2.

Ông Lê Đình Lực, thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh được hỗ trợ tem truy xuất thông minh nhưng chưa sử dụng, đang để ở góc chuồng nuôi. Ảnh: Khương Lực.

Nhận tem truy xuất hỗ trợ, nông dân Bắc Ninh được "chia chác" 12 triệu đồng tiền mặt - Ảnh 3.

Mỗi hộ dân nhận được hơn 12.000 tem truy xuất thông minh, trị giá 50 triệu đồng. Người tiêu dùng có thể quét tem truy xuất, truy cập và xem các thông tin về quá trình sản xuất, phân phối và chất lượng sản phẩm. Ảnh: Khương Lực

Do gia đình ông thu hoạch cá từ tháng 10/2021, mà tem truy xuất do phía công ty giao vào cuối năm nên đến nay gia đình ông chưa sử dụng đến. "Đây cũng là của nhà nước do công ty họ về làm, sau họ hỗ trợ cho 12 triệu tiền mặt với 38 triệu đồng là chi cho thùng tem truy xuất này" – ông Lực nói và giơ tay chỉ vào một thùng cát tông to chứa đầy tem truy xuất thông minh để trong góc chuồng nuôi.

Ông Nguyễn Văn Định, thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, do bán cá cho tư thương nên họ không cần gắn tem truy xuất thông minh. Ông hy vọng phía công ty cung cấp gói phần mềm hệ thống tem truy xuất thông minh giới thiệu để liên kết bán cá sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vào các siêu thị. Khi các siêu thị mua cá thì lúc đó sẽ cần đến tem truy xuất.

Sẽ cho kiểm tra ngay và thu hồi lại tiền ngân sách nếu sử dụng kinh phí sai mục đích

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, ở xã Bình Dương, hầu hết các hộ dân khi nhận hỗ trợ tem truy xuất thông minh đều chưa sử dụng do việc thu hoạch và bán cá chủ yếu là cho thương lái.

Trực tiếp xem clip do phóng viên Dân Việt cung cấp phản ánh tình trạng người dân nhận tem truy xuất nhưng chưa sử dụng và được nhận 12 triệu đồng tiền mặt, ông Phạm Công Quyện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình cho biết sẽ yêu cầu UBND Bình Dương có biên bản làm việc và dứt khoát phải thoái thu nếu sử dụng kinh phí Nhà nước hỗ trợ không đúng theo quy định.

Theo ông Quyện, để nhận được hỗ trợ tem truy xuất thông minh, các hộ dân phải viết đơn đăng ký và được UBND đề xuất lên, Phòng Nông nghiệp và PTNT mới bắt đầu về làm. Đây là lần đầu tiên huyện Gia Bình triển khai hỗ trợ tem truy xuất thông minh cho các hộ dân ở xã Bình Dương với mong muốn tạo ra sự "cất cánh" đối với các sản phẩm cá nuôi trên địa bàn. 

Trong những năm qua, vùng nuôi cá ở xã Bình Dương được quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng đường sá, hệ thống mương dẫn nước... để hình thành vùng nuôi cá chất lượng, an toàn. Tại vùng nuôi, những ao cá được xây kè quanh ao, đẹp nhất tỉnh Bắc Ninh.

Ông Quyện cho biết thêm, công ty cung cấp gói phần mềm hệ thống tem truy xuất thông minh cho 37 hộ dân ở xã Bình Dương do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh giới thiệu về và Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình giới thiệu xuống xã Bình Dương để triển khai ký kết hợp đồng với các hộ dân. 

Liên quan tới vụ việc, ông Trần Xuân Diến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: "Tem truy xuất thông minh phía công ty cấp cho hộ dân hiện chưa đưa vào hoạt động. Nói chung, chưa có hộ nào sử dụng".

Ông Diễn cũng cho biết, ông có nghe bà con nhận được mười mấy triệu đồng khi được hỗ trợ tem truy xuất, nhưng chưa có ai phản ánh lên UBND xã.

Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật và làm rõ thông tin liên quan tới vụ việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem