Nhà nông mất và được với đào tết

Nguyệt Tạ Chủ nhật, ngày 04/02/2018 06:20 AM (GMT+7)
Màn đêm buông xuống, toàn bộ vườn đào rộng lớn bãi ven sông Hồng bỗng trở nên tối đen. Đâu đó tiếng ếch nhái kêu và trong những túp lều, hình ảnh những đốm lửa le lói. Tiếng cười nói dù không to nhưng đó là tín hiệu để khẳng định vườn đào đã có chủ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Bình luận 0

Mất trắng hàng chục triệu trong một đêm

Trong vai một người đi mua đào, tôi ghé qua khu vườn đào nổi tiếng dưới chân cầu Nhật Tân của Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). Dù đã 9 giờ tối nhưng đâu đó ở khu vườn vẫn rộn rã tiếng cười nói, hỏi han giá đào, giá chậu cảnh của mấy chủ vườn cạnh nhau. Bình thường, giờ này mọi người đã về ngủ say, thế nhưng bây giờ đang vào thời điểm cuối năm, nhộn nhịp bán – buôn đào nên gần như các chủ vườn đào phải túc trực thâu đêm suốt sáng.

img

Ông Nguyễn Văn chiến (trái) tư vấn cho khách mua đào. Ảnh: N.T

"Thức khuya vất vả nhưng năm nay đào trúng nên nhiều chủ vườn cũng phấn khởi. Tết của người trồng đào không phải là ngày 30 hay mùng 1-2 tết mà tết là ngày mà bà con trong vườn bán hết đào, chuẩn bị cho vụ đào mới”.

Ông Nguyễn Viết Chiến
(làng đào Phú Thượng,
Tây Hồ, Hà Nội)

Từ 8 giờ tối, khi màn đêm buông xuống, cơm nước xong là ông Nguyễn Viết Quyết (Phú Thượng, Tây Hồ) lại khăn gói ra vườn trực đêm thay cho vợ. Túc trực 24/24 một phần là để xem có ai mua bán, một phần là để canh đào, chống trộm.

“Trồng cây đến ngày hái quả, giờ không trông coi thì chúng đánh cả xe tải đến khiêng đào. Chẳng nói đâu xa, cách đây 2 năm gia đình tôi cũng từng bị kẻ gian đột nhập, dùng xe 3 gác chở mất 3 cây đào thế. Tính ra cũng mất hơn chục triệu đồng” – ông Quyết ngao ngán nhớ lại.

Cạnh vườn đào ông Quyết là vườn của chú em trai ông. Hai anh em ông năm nay trồng hơn 700 gốc đào cả đào cành, đào thế, đào mi ni thắp hương. Vườn rộng, đào đang trúng giá lại vào mùa thu hoạch nên không thể không để mắt.

Ông Quyết cho biết, lo nhất là những gốc đào đã được thương lái mua buôn, đặt tiền. Nếu họ đặt tiền rồi mà mình làm mất đào thì vừa mất chữ tín, vừa phải đền bù gấp đôi tiền cho người ta. Chính vì vậy, gần như lúc nào ngoài vườn cũng phải có người trông.

Trời cuối đông, càng về đêm thời tiết càng lạnh và buốt hơn, ông Quyết nhóm đống củi pha ấm trà cùng với những chủ đào bên cạnh ngồi nhâm nhi chén trà, hơ tay vào lửa cho ấm.

img

Những đốm lửa đỏ rực giữa trời đêm thế này không thiếu ở vườn đào những ngày này. Ảnh: N.T

“Nhiều hôm lạnh quá, ngồi đông cứng cả người, lượn một vòng kiểm tra đào xong lại phải ngồi hơ tay cho ấm. Buồn ngủ mà không dám ngủ, có khi mấy anh em lại làm vài ván cờ hay mấy ván tổ tôm cho xôm. Ngày đánh gốc, tối thức đêm, có hôm mệt quá đến sáng nằm ngủ thiếp trong lều lúc nào không hay” – ông Quyết chia sẻ.

Theo lời kể của ông Quyết thì trước đây, thời ông bà của ông còn sống, làng đào Nhật Tân, Phú Thượng là vùng trồng đào nổi tiếng duy nhất ở Hà Nội. Mãi cho tới sau này, khi con cháu trong vùng đi di tản, đất mất thì mới mang nghề trồng đào ra những vùng khác nên giờ đây mới có thêm làng đào Mê Linh (Vĩnh Phúc), Đông Anh, Đại Mỗ... Mặc dù đào có ở nhiều nơi, nhưng nếu là người chơi đào sành sỏi, người mua vẫn có thể phát hiện ra cánh đào được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của vùng đào Nhật Tân. Cánh đào được trồng ở nơi đây có màu thắm, hoa dày, bông bền chơi được rất lâu.

Hết chuyện, nhân thể có ông con trai ra ngồi trông thay, ông Quyết chào tôi rồi rời vào lán trại bé tý chừng 10m2, thu người kéo tấm chăn mỏng đắp qua người rồi chợp mắt. Bên cạnh chiếc phản ông nằm là ngổn ngang những dây dợ, chậu cây, cuốc, thuổng, phân tro tưới đào.

Cách vườn đào nhà ông Quyết khoảng 700m, nằm dưới chân cầu Nhật Tân là vườn đào của anh Lê Hồng Thuỷ (Phú Thượng, Tây Hồ). Tuy mới 32 tuổi nhưng anh là một trong những người trồng đào có tiếng ở vùng đất này. Không chỉ là người sở hữu vườn đào đẹp nức tiếng với hàng trăm gốc đào rừng, đào thế, anh còn là người có bàn tay phù thuỷ trong việc gò đào, tạo thế đào.

Trong căn lều bé được căng tạm lên bằng vài tấm bạt, Thuỷ rót mời tôi chén nước trà. Anh rít một điếu thuốc lào, thở khói lên trời, xong xoa hai tay vào nhau như muốn thổi lửa vào tay để làm cho cơ thể bớt lạnh. Giơ bàn tay nứt nẻ, chai sạm lên trước ánh đèn mờ, anh nói: “Đây, nửa tháng nay tay em khô nứt, người thì đau mỏi vì đánh gốc đào. Ngày làm quần quật, tối đến hai anh em phải thay nhau trông đào. Vườn đào nhà em lại cạnh mặt đường lớn vì thế cứ lơ đãng ngủ quên hay về nhà tý là mấy tên trộm đi xe bán tải qua khênh luôn vài cây chứ chẳng chơi”.

Anh Thủy kể, so với đào cành thì rõ ràng đào thế nặng hơn. Thế nhưng mấy ông trộm đào cũng chuyên nghiệp: Đi đánh trộm đào, trộm đi cả êkip, chỉ nhằm sẵn những cây đã đánh gốc, lên chậu rồi là bê. Còn với đào cành thì mấy tên trộm hay dùng cưa tay để cưa. Cách đây không lâu, gia đình bà Nga cũng ở Thú Thượng đã mất hơn chục cành đào. Không chỉ hành nghề ban đêm, nhiều hôm giữa trưa trộm cũng đột nhiên xuất hiện với tư cách người mua đào. Những kẻ này khi không thấy người thì cắt mà thấy người thì vờ hỏi mua rồi chuồn thẳng.

Trông đào đêm, vui hơn tết

Giữa bốn bề mênh mông bát ngát, từng cơn gió rít bên tấm pro xi măng, che tạm trên chiếc lều xây bằng mấy viên gạch, ông Trương Đình Hiếu (làng đào Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang phải gác cho vườn đào thế hơn 400 gốc của mình. Ông Hiếu cho hay, vườn rộng nên ông phải thuê 3 nhân công vừa đánh đào, vừa vận chuyển, kiêm trông coi vườn.

“Trả công không đáng là bao, tháng 7-8 triệu, chỉ bằng bán một gốc đào nhưng phải làm vậy vì công việc quá nhiều không kham nổi. Tôi chỉ trông tới 9 giờ là có người làm ra trông hộ tới sáng” – ông Hiếu chia sẻ.

Nằm cách trung tâm Hà Nội tầm 30 cây, Mê Linh (Vĩnh Phúc) là một trong những làng hoa nổi tiếng, cung cấp nhiều loại hoa nhất cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tại đây, có khoảng 60 hộ dân trồng đào - chỉ bằng 1/6 so với số hộ trồng hoa, cây cảnh ở vùng đất này.

Sau một hồi hỏi thăm, vòng vèo trên con đê Phù Trì (Kim Hoa, Mê Linh) tôi vào được bãi hoa dưới chân đê của làng Phù Trì. Nhìn qua, những cây đào ở đây có thể có tán không đẹp như đào ở Nhật Tân, Đại Mỗ, nhưng cây nhiều hoa, nụ và cánh hoa dày, thắm bông.

Chú Nguyễn Văn Chiến - chủ vườn đào rông, đào cành ở làng Phù Trì cho biết các vườn đào ở đây đều cách làng khá xa, tầm hơn 1km, thế nên cứ tối tối là chủ vườn và người nhà của họ phải thay phiên nhau ra vườn canh đào. Tối đi canh đào nhộn nhịp, đông vui chẳng khác nào đi chợ: 2 giờ sáng mà mọi người vẫn còn ríu rút, cầm đèn bin soi rọi khắp nơi, rất xôm tụ.

“Có năm vào mùa bóng đá, anh em còn tụ tập đốt lửa luộc gà, rang lạc nhấm rượu chơi, thích thì làm vài ván bài lấy sức trông đào. Đông vui là thế, có khi trộm tới còn vào trẩy hội, bù khú cùng ý chứ” – ông Chiến hài hước kể lại.

Cứ theo lời kể của những chủ vườn đào tại đây thì bên cạnh những sự bất tiện từ nạn “trộm đào” mang lại thì nó cũng mang lại cho người trồng đào nhiều niềm vui và sự thú vị - đúng như ý kiến của mấy chủ vườn đào.

“Trông đào đêm còn vui hơn tết. Một năm làm lụng vất vả, có lẽ ngày mà những cây đào được bán đi, chuyên chở tới tay người tiêu dùng cũng là ngày hạnh phúc nhất của những chủ vườn. Cũng bởi lẽ đó, dù có phải lao động cực nhọc hay thức khuya dậy sớm, canh đào thì anh em chúng tôi vẫn thấy vui” – ông Chiến chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem