"Nhà bom" ghi dấu ấn một thời khói lửa ở Quảng Trị

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 01/05/2023 07:12 AM (GMT+7)
Phần chính ngôi nhà được tạo dựng từ hơn 100 vỏ bom đạn, các công trình phụ xung quanh có thêm hơn 200 vỏ bom đạn. Chính vì sự độc đáo, hiếm có khó tìm và ý nghĩa của “nhà bom” đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Bình luận 0

Thời gian qua, cộng đồng mạng, người dân cả nước thích thú khi biết đến ngôi "nhà bom" được xây dựng tại thôn Trường Hải, xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. "Nhà bom" nằm cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, cách Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn khoảng 700m, xung quanh có các di tích cầu treo Bến Tắt, sông Bến Hải…

Ông Trần Công Chức (55 tuổi, trú thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là chủ nhân ngôi nhà đặc biệt này. Ông Chức cho biết, ông là người sinh thành trên quê hương Quảng Trị, đất thép Vĩnh Linh. Trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, Quảng Trị được ví như túi bom, là vùng "đất lửa". Mỗi người dân Quảng Trị ngày ấy phải gánh chịu nhiều tấn bom, đạn trút xuống từ quân địch. Ông Chức là con của Mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm 1967, có tới 6 anh, chị ruột của ông đã bị bom Mỹ giết chết.

gop/ "Nhà bom" ghi dấu ấn một thời khói lửa ở Quảng Trị - Ảnh 1.

Mái nhà bom lợp bằng lá cọ. Ảnh: Ngọc Vũ

Quảng Trị có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Cồn Tiên, Dốc Miếu, sân bay Tà Cơn, Đường 9 Khe Sanh… Quảng Trị còn được ví như bàn thờ Tổ quốc khi có đến 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Trường Sơn và Đường 9. Có Thành cổ Quảng Trị - nơi một nấm mồ chung tưởng nhớ hàng ngàn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi này…

Thấu hiểu mất mát, khốc liệt của chiến tranh, ông Chức luôn mong muốn làm việc gì đó để góp chút sức mọn của mình cho hòa bình. Hơn 20 năm qua, ông Chức đã dày công sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Bất kể phải lặn lội từ rừng núi đến vùng sông nước, vào các bãi thu mua phế liệu chiến tranh… ông đều tới nơi, miễn sao có thể thu lượm về kỷ vật chiến tranh. Đến nay, bộ sưu tập của ông Chức có cả ngàn kỷ vật như bom, đạn, tăng võng, cuốc xẻng, súng đạn… nói chung là các loại vật tư thiết bị chiến tranh…

gop/ "Nhà bom" ghi dấu ấn một thời khói lửa ở Quảng Trị - Ảnh 2.

Ông Trần Công Chức trong ngôi nhà bom trưng bày kỷ vật đang hoàn thiện. Ảnh: Ngọc Vũ

Bên cạnh "nhà bom" trưng bày kỷ vật, ông Chức còn xây dựng bếp Hoàng Cầm, tạo dòng suối, tái hiện hố bom nổ, đặc biệt là trồng cây đoác để lấy rượu phục vụ các cựu chiến binh. Nếu điều kiện cho phép, ông Chức có thể sẽ nấu các món ăn dân giã thời chiến để phục vụ các cựu chiến binh đến đây…

Năm 2019, sau khi bàn thảo với nhiều người, ông Chức quyết định xây dựng ngôi nhà đặc biệt ở vị trí thuận lợi để trưng bày kỷ vật chiến tranh. Nhưng vì dịch Covid-19 bùng phát nên giữa tháng 3/2023 ông Chức mới bắt đầu thực hiện giấc mơ "nhà bom" trưng bày kỷ vật. Quá trình xây dựng, có sự giúp sức của ông Bùi Ngọc Kinh (trú thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) – thợ cặp nhà bánh ít trợ giúp tích cực.

Trên diện tích khoảng 200m2, ông Chức sử dụng hơn 100 vỏ bom, đạn làm trụ cột cho ngôi nhà có hình bánh ít. Mỗi trụ cột có từ 2 - 4 vỏ bom, vỏ đạn kết nối với nhau bằng cách hàn xì kết dính. Có những vỏ bom nặng đến 600kg. Một cột trụ 4 quả bom, đạn kết nối với nhau có trọng lượng lên tới cả tấn.

Phần mái được kết nối với nhau bằng sắt thép kiên cố, lợp lá cọ lấy từ rừng núi Trường Sơn, vừa gần gũi vừa chống nóng tốt. Xung quanh "nhà bom" có các chòi lá nghỉ ngơi, hàng rào…, cột trụ cũng bằng vỏ bom, đạn. Tổng cộng, ông Chức sử dụng khoảng 300 vỏ bom, đạn để hoàn thành khu trưng bày kỷ vật chiến tranh của mình.

Bên trong "nhà bom", ông Chức trưng bày hàng ngàn kỷ vật chiến tranh, cùng tranh ảnh, trình chiếu phim tài liệu… để khách tham quan có cái nhìn tổng thể về cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam.

"Nhà bom" là nơi các cựu chiến binh có dịp ghé thăm, nhìn lại những kỷ vật chiến tranh để hoài niệm một thời gian khổ, hi sinh vì độc lập dân tộc. Thế hệ trẻ đến thăm "nhà bom" để hiểu thêm về sự ác liệt của chiến tranh, để ứng với câu "dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

"Học sinh, thế hệ trẻ được học trên sách vở, hình ảnh trên màn hình nhưng không dễ thấy những hiện vật chiến tranh ngoài đời thực. Tôi muốn thế hệ mai sau hiểu sâu sắc và luôn tri ân công lao của ông cha ta đã đổ xương máu để dành độc lập tự do. Hiểu sự ác liệt của chiến tranh để yêu chuộng hoà bình. Du khách nước ngoài đến thăm sẽ hiểu thêm về cuộc kháng chiến hào hùng, tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam" – ông Chức chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem