Nguồn cung giảm, giá lúa gạo neo ở mức cao

03/10/2022 16:06 GMT+7
Chính phủ Ấn Độ tiếp tục gia hạn lệnh cấm xuất khẩu đến ngày 15/10/2022 đối với các lô hàng gạo tấm đang vận chuyển. Trong nước, nguồn cung giảm, giá lúa gạo neo ở mức cao...

Ấn Độ tiếp tục gia hạn lệnh cấm xuất khẩu các lô hàng gạo tấm

Chính phủ Ấn Độ đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm, có hiệu lực từ ngày 9/9/2022, một số lô hàng đủ điều kiện (đã ký hợp đồng, đang vận chuyển) được xuất khẩu đến ngày 15/9. Sau đó, Tổng cục ngoại thương đã gia hạn 1 lần đến 30/9 đối với các lô gạo đã ký hợp đồng và đang trên đường vận chuyển, Gần đây, Ấn Độ tiếp tục gia hạn đến ngày 15/10/2022. Gạo tấm chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam và Djibouti. Chính phủ, trong khi áp dụng lệnh cấm đối với gạo tấm, cũng đánh thuế xuất khẩu 20% đối với các loại gạo khác ngoài giống basmati và gạo đồ (Parboiled). 

Theo dữ liệu do Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ công bố vào ngày 23/9, diện tích trồng lúa gạo đã giảm 2,344 triệu ha, đạt khoảng 40,156 triệu ha so với 42,5 triệu ha năm ngoái. Việc sản xuất gạo dự kiến sẽ chịu một số tác động do thiếu hụt lượng mưa gió mùa ở các bang trồng lúa trọng điểm như Bihar, Uttar Pradesh, Jharkhand và Tây Bengal, là những bang sản xuất lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, Bộ Lương thực đảm bảo rằng giá tăng trong nước vẫn trong tầm kiểm soát do nguồn cung dư thừa trong vụ mùa.

Nguồn cung giảm, giá lúa gạo neo ở mức cao - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 3/10 ghi nhận điều chỉnh tăng tại một số mặt hàng, trong đó gạo nguyên liệu biến động mạnh.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneva, Ấn Độ khẳng định bảo vệ quyết định cấm xuất khẩu lúa mì và gạo trước những lo ngại của Mỹ, Liên minh châu Âu và một số nước thành viên của WTO về những bất ổn trên thị trường toàn cầu.

Các nước như Thái Lan, Australia, Uruguay, Mỹ, Australia, Canada, Brazil, New Zealand, Paraguay và Nhật Bản đã yêu cầu tham vấn với Ấn Độ về việc sử dụng điều khoản hòa bình để bảo vệ các chương trình lương thực của nước này trước các hành động tranh chấp thương mại.

Senegal - nhà nhập khẩu gạo tấm và các sản phẩm gạo khác của Ấn Độ, đã kêu gọi Ấn Độ mở cửa thương mại để đảm bảo đủ lương thực cho nước này.

Ấn Độ tuyên bố rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo và lúa mì này chỉ mang tính chất tạm thời và đang được giám sát liên tục. Ấn Độ đã cố gắng tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Trước đó, nước này liên tục đưa ra các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo và lúa mì khiến thị trường thế giới bị xáo trộn.

Theo đó trong tháng 9 vừa qua, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với loại gạo ngoài giống Basmati trong bối cảnh diện tích trồng lúa trong vụ kharif (một trong hai vụ lúa chính của Ấn độ) giảm và lo ngại về nguy cơ an ninh lương thực đối với lúa mì.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm, loại gạo được sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, cùng sự gia tăng xuất khẩu ngũ cốc trong những tháng gần đây đã gây áp lực lên thị trường nội địa.

Trong nước, giá lúa gạo hôm nay 3/10 tại Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động so với hôm qua. Giá gạo trong nước dao động quanh mốc 8.700 – 9.300 đồng/kg.

Cụ thể, nếp khô An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 8.600 – 8.800 đồng/kg; nếp Long An khô 8.500 – 8.800 đồng/kg; lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 5.500 -5.700 đồng/kg; lúa IR 504 5.300 – 5.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh tăng. Hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 8.700 đồng/kg; gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 9.300 đồng/kg. Tương tự mặt hàng phụ phẩm cũng duy trì ổn định. Hiện giá tấm ở mức 9.100 đồng/kg; giá cám khô 8.250 – 8.300 đồng/kg.

Tại thị trường trong nước, giao dịch giữa kho và nhà máy chậm lại. Nguồn cung đang dần giảm do vụ lúa Hè Thu đã đi vào cuối vụ, trong khi chưa tới vụ thu hoạch lúa Thu Đông, giá lúa gạo neo ở mức cao. Hiện gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm IR 504 đã tăng lên 8.700 đồng/kg và 9.300 đồng/kg, tăng lần lượt 700 đồng/kg và 450 đồng/kg so với trước đó. Tương tự, giá tấm IR 504 cũng tăng vọt 800 đồng/kg lên 9.100 đồng/kg; cám khô tăng 650 đồng/kg lên 8.300 đồng/kg. Thị trường giao dịch sôi động.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Việt Nam có vị thế vượt trội để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 423 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 403 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hai loại gạo tác động mạnh nhất khi Ấn Độ có chính sách trên là gạo trắng và gạo tấm.

Thực tế, hiện giá gạo trắng Việt Nam xuất khẩu đã tăng khoảng 15-20 USD/tấn, lên mức 415-425 USD/tấn. Trong khi gạo Thái Lan cũng hưởng lợi tăng lên mức 410 USD/tấn.

Còn gạo tấm là loại gạo tăng mạnh nhất, giá gạo tấm xuất khẩu của Việt Nam cũng như các nước tăng thêm 20-25 USD/tấn, lên mức 380-390 USD/tấn.

Tuy nhiên, số lượng tấm xuất khẩu của Việt Nam không lớn. Các nước xuất khẩu gạo tấm nhiều như Myanmar, Pakistan lại hưởng lợi lớn.

Hiện nhiều khách hàng từ châu Phi, Nga và một số nước châu Á đã bắt đầu hỏi dò giá gạo trắng, tăng lượng đặt hàng với phía doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vì lo ngại giá gạo có thể tăng thêm trong thời gian tới.

Nguồn cung giảm, giá lúa gạo neo ở mức cao - Ảnh 2.

Thống kê mới nhất từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 15/9, xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt 5,02 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo mới công bố bởi Công ty chứng khoán VNDIRECT, Việt Nam có vị thế vượt trội để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc, chiếm 24,5% thị phần.

Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Trong 8 tháng năm 2022, giá trị và sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 2,3 tỷ USD và 4,8 triệu tấn tăng tương ứng  9,9%, 20,7% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, sau Philipines, chiếm 12% tổng xuất khẩu gạo trong 8 tháng năm 2022.

Chính phủ Thái Lan đang tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng giá gạo trên thị trường thế giới đã chưa tăng tương xứng.

Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan chiếm tới 20,6% tổng giao dịch thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh giá gạo có xu hướng tăng, giới phân tích cho rằng, những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sẽ được hưởng lợi.

Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021. Thống kê mới nhất từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 15/9, xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt 5,02 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không có gì xảy ra, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Liên tục trong những năm qua, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là châu Á (chiếm hơn 50%), tiếp theo là châu Phi và châu Mỹ.

Philippines là quốc gia đứng đầu trong nhập khẩu gạo Việt Nam và chiếm tỷ trọng lớn của xuất khẩu gạo Việt Nam. 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines gần 2,4 triệu tấn (gần 50% số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam), với giá trị hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước.

Philippines là thị trường rất quan trọng trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trước đây khi thực hiện Hiệp định thương mại gạo với Việt Nam, Philippines thường mua gạo trắng thường có 15 - 25% tấm. Sau khi nước này mở cửa cho nhập khẩu tự do thì thương nhân của họ tập trung vào phân khúc gạo thơm, gạo chất lượng cao Việt Nam.

Đối với gạo thơm, gạo chất lượng cao (Đài Thơm 8, OM5451, OM18) là những loại gạo hiện không có nước nào xuất khẩu thay thế được. Định hướng cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài không thay đổi trong năm 2022 và năm 2023. Đây cũng là lợi thế của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Với thị trường Trung Quốc, trước đây, mỗi năm Trung Quốc (thị trường đứng thứ hai nhập khẩu Việt Nam) nhập khẩu khoảng 30 đến 40% lượng gạo Việt Nam nhưng trong 8 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ hơn 520.000 tấn gạo (chiếm tỷ trọng khoảng 10% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam), trị giá gần 270 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian qua, thị trường Trung Quốc luôn có sự thay đổi trong chính sách nhập khẩu gạo, năm nay, tập trung nhập gạo nếp và gạo ST từ Việt Nam. Hiện nhu cầu gạo nếp của Trung Quốc lớn nhưng Việt Nam không đủ nguồn cung.

Riêng thị trường Ghana và Bờ Biển Ngà nhập khẩu số lượng gạo Việt Nam tương đối lớn và ổn định; tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang hai thị trường này trên 18% và tập trung vào loại gạo thơm, gạo chất lượng cao (OM5451, Đài thơm 8, Jasmine).

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, nhìn chung, bức tranh cung cầu của thị trường gạo đang thiên về một xu hướng tăng trong giai đoạn quý IV/2022 và đầu năm 2023. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt đáng báo động.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu, trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Do là loại lương thực thiết yếu, nên nhu cầu sử dụng gạo sẽ không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế như những mặt hàng khác. Trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm, nhu cầu ổn định, giá gạo thế giới và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn dư địa tiếp tục tăng trong thời gian tới.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục