Người phụ nữ bén "duyên" với me ngào, món ngon độc lạ ở vùng cao Tây Bắc

Kiều Thanh Tâm Thứ tư, ngày 08/03/2023 12:58 PM (GMT+7)
Me ngào là một đặc sản ở vùng cao Sơn La. Sản phẩm này do bà Dương Thị Hương sản xuất và được khách hàng ở nhiều nơi ưa chuộng bởi mùi vị thơm ngon đặc trưng.
Bình luận 0

Bà Hương chia sẻ bí quyết làm me ngào thơm ngon, bền mùi vị.

Làm me ngào vất vả lắm

Những ngày này, tại ngõ 214, đường Trường Chinh (TP. Sơn La); trong gian nhà nhỏ của bà Dương Thị Hương (61 tuổi) luôn đầy ắp tiếng người. Người chà me, người ngào đường, người đóng hộp, xếp hàng, vận chuyển... Không khí nhộn nhịp được tạo nên bởi quá trình sản xuất me ngào (nước cốt trái me) của bà Dương Thị Hương.

Khi trời còn tờ mờ, hộ sản xuất me ngào của bà Hương đã bắt đầu hoạt động. Đều đặn mỗi ngày, vào 5 giờ sáng, bà sẽ chà hàng chục cân me tươi lấy thịt quả. Đến 8 giờ, những nồi me ngào đã sôi sùng sục trên bếp, chuẩn bị cho những mẻ đầu tiên. Tầm giữa trưa, khi những mẻ me ngào đã sánh mịn, me sẽ được để nguội, đợi đến 8 giờ tối thì đóng nắp, bao gói, cất gọn gàng.

Người phụ nữ bén "duyên" với me ngào - Ảnh 2.

Bác Dương Thị Hương đang cập nhật tin tức hàng ngày liên quan đến giá cả nông sản, đặc biệt là giá me tươi ở những huyện trong tỉnh Sơn La. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Bà Hương đã làm me ngào được 10 năm. Gắn bó với me ngào lâu năm là vậy nhưng hóa ra bà lại “bén duyên” với công việc này bởi một cái cớ rất “ngẫu nhiên”.

Trước khi về hưu, bà Hương là Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty Cổ phần Xe khách số 1. Ban đầu, bà làm me ngào chủ yếu để nhà ăn hoặc đi biếu. Về sau, mọi người khen ngon, hỏi mua nhiều, bà mới làm để bán. 

Người phụ nữ bén "duyên" với me ngào - Ảnh 3.

Me ngào phải được khuấy đều tay để cho ra thành phẩm sánh mịn mà không bị cháy, khét. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Làm me ngào cũng có cái khó. Me ngào chỉ làm được trong thời vụ nhất định. Me tươi cũng không bảo quản được lâu. Vụ làm me ngào lại đúng vào thời điểm nắng nóng. Nhiều hôm có gió Lào thổi rát ràn rạt, người làm me ngào bê bết mồ hôi nhưng vẫn không thể bỏ bếp lửa lấy 1 phút. "Me ngào có đường, khi sôi rất dễ trào và cháy nên người canh bếp phải chấp nhận cái nóng và khuấy me đều tay. Chỉ sơ sểnh một chút, me bén nồi là có mùi khét ngay và mẻ me ngào đành phải bỏ đi. Nhưng làm lâu, làm nhiều rồi cũng thấy yêu cái nghề này" - bà Hương bảo vậy.

Me ngào trở thành đặc sản Sơn La

Cây me không phải là cây ăn quả chủ lực của Sơn La. Nhưng me là loại cây có mặt phổ biến ở hầu hết các huyện của tỉnh Sơn La, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng như huyện Yên Châu, huyện Mường La,... Theo những người già cho biết thì cây me nào ở vùng khí hậu khắc nghiệt thì cho trái càng thơm ngon. Trước đây, trái me chỉ dùng để ăn chơi chứ không thật sự mang lại giá trị kinh tế nên người ta ít quan tâm phát triển cây me. 

Người phụ nữ bén "duyên" với me ngào - Ảnh 4.

Nồi me ngào đang sôi sùng sục. Một nồi như vậy có thể cho ra từ 6 - 8 lọ me ngào. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Mỗi khi mùa me đến, bà Hương nhập khoảng 4 tấn me tươi để sản xuất me ngào. Me được bà Hương thu mua trong tỉnh Sơn La nên vận chuyển nhanh, đảm bảo tươi, ngon, sạch. Bà Hương chia sẻ: “Trái me tươi để được khoảng 3 tháng, với điều kiện là bóc tay, không được dính nước lã. Đặc biệt, trái me muốn để lâu thì phải để trong túi nilon, chứ không được để trong bao tải hay bao cói...”.

Me ngào của bà Hương chế biến thủ công nhưng lại rất được khách hàng ưa chuộng vì chất sánh mịn, độ ngọt vừa phải, hương thơm dịu và bền; khâu chế biến, bảo quản sạch sẽ. Me là loại quả theo mùa nên bà Hương cũng chỉ làm me ngào theo vụ để đảm bảo độ ngon của sản phẩm. Me vừa làm xong đã có khách đến mua nên gần như không có hàng tồn kho. 

Người phụ nữ bén "duyên" với me ngào - Ảnh 5.

Me sau khi để cho nguội bớt sẽ được múc vào lọ. Trung bình mỗi ngày bà Hương có thể sản xuất 100 - 200 lọ me. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Mỗi ngày, bà Hương sản xuất ra từ 100 - 200 lọ me. Cả vụ sản xuất có thể lên đến khoảng 3.000 - 3.500 lọ, với giá chỉ 100 nghìn VNĐ/lọ. Trọng lượng mỗi lọ là 1,2kg. Me ngào của bà Hương phân phối trên thị trường chủ yếu qua các đại lý bán lẻ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội,... Mỗi vụ bà Hương thu lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng.

Người phụ nữ bén "duyên" với me ngào - Ảnh 6.

Me ngào được đóng trong lọ, bọc túi cẩn thận. Khách hàng khi đến có thể dễ dàng vận chuyển, gửi đi xa. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Với nghề làm me ngào, bà Hương không chỉ đem lại lợi nhuận cho hộ sản xuất của mình mà còn tạo cơ hội kiếm thêm thu nhập cho nhiều người khác. Rất nhiều người đã đăng kí mua me ngào của bà Hương đem về bán dần, có những người bán được 500 - 600 lọ/ vụ. Với những người có mong muốn, bà Hương cũng sẵn sàng truyền nghề, hướng dẫn tận tay. 

Người phụ nữ bén "duyên" với me ngào - Ảnh 7.

Me ngào thành phẩm dẻo quánh, sánh mịn, hương thơm. Nếu bảo quản tại nơi mát mẻ, me ngào có thể để khoảng 2 năm mà không cần cất trong tủ lạnh. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Theo bà Phan Thị Thuận, một trong những người tham gia học nghề sản xuất me ngào tại nhà bà Hương thì: "Me ngào hiện nay rất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi trước hết, đây là một thực phẩm ngon và sạch. Me ngào có thể dùng để pha thành thứ nước giải khát rất tuyệt vời, thơm, mát, bổ. Me ngào cũng có thể dùng là nước xốt, gia vị trong chế biến thức ăn, với những món đặc trưng như sườn xào chua ngọt, tôm hấp, bề bề hấp... Có những người thích dùng me ngào trong bữa ăn, chỉ đơn giản là để chấm bánh mì."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem