Người Lô Lô ở Hà Giang làm du lịch trên đá sỏi

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 02/09/2022 06:06 AM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm làm du lịch cộng đồng với những nét văn hóa đặc sắc, con người bình dị, đồng bào dân tộc Lô Lô ở thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) đã thoát khỏi cảnh nghèo đói bám riết họ bao đời nay.
Bình luận 0

Thoát khỏi "bóng tối" đói nghèo

Buổi sáng thức dậy ở Lô Lô Chải, chúng tôi đến cà phê Cực Bắc nằm trong ngôi nhà trình tường cổ kính hơn 200 tuổi. Đây được biết đến là địa điểm hút khách du lịch bậc nhất, bởi không gian yên tĩnh, du khách có thể checkin, khám phá văn hóa của đồng bào Lô Lô.

Ngồi trước hiên nhà, đôi tay mềm mại, khéo léo của người phụ nữ Lô Lô đưa từng đường kim, mũi chỉ thêu thùa trang phục. Tôi cùng vài khách du lịch khác bị lôi cuốn liền xúm lại xem, chụp hình. Nếu như những đôi tay ấy hơn 10 năm trước quanh năm bám đá tai mèo, cấy cày, tra từng hạt ngô, gieo từng hạt cải thì giờ đây người phụ nữ Lô Lô đã biết pha chế cà phê, chế biến những món ăn độc đáo, hấp dẫn để phục vụ khách du lịch.

Nói với tôi, chị Lù Thị Vấn cho biết, chị là chủ của ngôi nhà trình tường cổ hơn 200 tuổi này. Ngôi nhà chính là nhân chứng sống cho 4 thế hệ con người trong gia đình được sinh ra và lớn lên.

gop/ Người Lô Lô làm du lịch trên đá sỏi - Ảnh 1.

Quán cà phê Cực Bắc phục vụ du khách đến tham quan của gia đình chị Lù Thị Vấn (ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang). Ảnh: Hoài Nam.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề làm du lịch, chị Vấn bảo, quán cà phê Cực Bắc do ông Ogura Yasushy - một người Nhật từng có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam và đặc biệt yêu mến Hà Giang xây dựng. Ông đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng để tạo nên quán cà phê này và sau đó giao lại toàn bộ cho gia đình tôi quản lý.

Chị Vấn vui tính, có khả năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo và cách pha chế đồ uống khá ngon. Nhờ đó, đến cà phê Cực Bắc, khách du lịch không chỉ được thưởng thức đồ uống mà còn được nghe về văn hóa của người Lô Lô.

"Không gian của quán không quá lớn, chỉ có 4 đến 5 chiếc bàn nhỏ đặt ngoài sân, ngay cạnh quầy bar và vừa đủ cho khoảng 10 người ngồi. Quán có phục vụ wifi miễn phí. Du khách cũng có thể thuê trang phục của người Lô Lô để chụp ảnh lưu niệm. Giá thuê là 100.000 đồng/bộ. Quán có nhiều loại cà phê và đồ uống với giá từ 25.000 - 40.000 đồng và một quyển sổ để khách đóng góp ý kiến và ghi lại những cảm xúc khi đặt chân đến đây"- chị Vấn chia sẻ.

gop/ Người Lô Lô làm du lịch trên đá sỏi - Ảnh 2.

Anh Sình Dỉ Gai - Trưởng thôn Lô Lô Chải giới thiệu với chung tôi về các lễ hội trong năm của đồng bào Lô Lô. Ảnh: Minh Ngọc

"Các hộ làm du lịch đang thực hiện rất bài bản, để thuận tiện, khách du lịch đến đây có thể đặt phòng nghỉ, đặt cơm trên Facebook, Zalo. Các hộ kinh doanh cập nhật hằng ngày về khai báo tạp trú, tạm vắng trên nhóm Zalo riêng. Thôn Lô Lô Chải với vốn có là văn hóa truyền thống được lưu giữ và bảo tồn, người dân làm du lịch ở đây đang tiến tới sự chuyên nghiệp, đây chính là những yếu tố thu hút du khách nhiều hơn trong nay mai".

Anh Sình Dỉ Gai- Trưởng thôn Lô Lô Chải

Sau khi thưởng thức ly cà phê ở nhà chị Vấn, chúng tôi tiếp tục ghé thăm gia đình anh Sình Dỉ Gai. Anh Gai cũng là Trưởng thôn Lô Lô Chải, anh bảo, bao đời nay người Lô Lô chỉ biết sống dựa vào nương ngô trên núi đá tai mèo lởm chởm, sắc lẹm thì những năm gần đây đã biết chọn nghề làm homestay để "khởi nghiệp". Nhờ có nghề làm du lịch nên cuộc sống của đồng bào nơi biên viễn của Tổ quốc đã từng bước được cải thiện rõ nét.

Anh Gai nhớ lại, thời điểm năm 2011, khi một vị cán bộ của Đại sứ quán Luxembourg lên Lũng Cú để du lịch, họ trầm trồ trước vẻ đẹp của thôn Lô Lô Chải. Sau đó, vị khách này làm việc với tỉnh về việc tài trợ cho 3 gia đình làm dịch vụ homestay, trong đó có nhà anh. Tập tọe làm du lịch, năm 2011, anh Gai sửa sang lại một gian bên bếp và gian nhà chính. Không nghĩ sẽ có khách du lịch nên anh cũng không đầu tư nhiều nên phòng cũng chỉ lưu trú được 6 khách. Thế rồi, khách ngày càng lên nhiều nên nhà không đủ phòng để lưu trú. Sau đó, anh tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm phòng để phục vụ khách. Đến nay, gia đình anh Gai đã có 3 khu homestay, có thể phục vụ vài chục khách lưu trú.

Hướng đến làm giàu từ du lịch

Anh Gai cho biết, thôn Lô Lô Chải có 114 hộ. Trong đó dân tộc Lô Lô là 99 hộ, chiếm gần 70% còn lại là đồng bào người Mông. Hiện, trong thôn có 30 nhà làm du lịch cộng đồng.

Mỗi căn homestay đều được bố trí theo phong cách truyền thống, hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày trong các gian phòng, tạo nên sự gần gũi và thân thiện. Quan trọng nhất, đó là thái độ, phong cách phục vụ chu đáo, niềm nở của bà con nơi đây cũng là điểm cộng cho ngôi làng.

Theo kiến trúc của người Lô Lô, nhà trình tường đất vây kín 3 mặt, nhưng để phù hợp cho làm du lịch, các hộ dân đã sửa sang cho phù hợp. Các gian đón khách đã được đục tường ra để làm thêm vệ sinh khép kín, tiện cho du khách đến ăn nghỉ, sinh hoạt.

Nhận thấy một số hộ trong thôn "ăn nên làm ra" nhờ làm du lịch, anh Dìu Dỉ Siến đến học hỏi kinh nghiệm để làm... homestay. Anh Siến chia sẻ, mùa hoa tam giác mạch đầu tiên từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng 11/2017, gia đình anh đã đón được hơn 200 khách. Ngoài cho thuê phòng nghỉ qua đêm, gia đình anh còn nấu các món ăn truyền thống phục vụ khách theo nhu cầu như mèn mén, thịt treo gác bếp, rau cải xanh...

Anh Siến khoe: "Thôn Lô Lô Chải ngày càng được du khách biết đến nhiều hơn nên lượng khách cũng tăng theo. Vào mùa hoa tam giác mạch, mùa đông hommestay luôn kín phòng. Từ ngày biết làm du lịch, đón khách, nhà vui hẳn lên vì có người ra vào trò chuyện. Có khách tới chơi, thuê phòng nên nhà nào nhà nấy trong bản cũng phải vệ sinh sạch sẽ, trong nhà thì ngăn nắp hơn. Bây giờ chúng tôi không chỉ lo no cái bụng mà còn phải phấn đấu làm giàu".

Sau hơn 10 năm bắt tay vào làm du lịch, sức sống mới đang đến ở thôn Lô Lô Chải - nơi cực Bắc của Tổ quốc. Đồng bào đã không còn chìm trong nghèo đói mà thay vào đó người dân biết nói cả tiếng Anh, có nguồn thu khá từ làm du lịch. Thêm nữa, nơi đây còn là điểm giao lưu, quảng bá văn hóa của đồng bào người Lô Lô.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem