Người họa sĩ với tâm niệm chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật

Thứ bảy, ngày 11/02/2023 11:17 AM (GMT+7)
Câu chuyện anh Nguyễn Văn Hoàng (họa sĩ Nguyễn Hoàng) kể trong chương trình giao lưu “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ 5, do UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban MTTQ Thành phố tổ chức, đã thôi thúc tôi tìm gặp anh.
Bình luận 0

Trong lớp học vẽ ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), họa sĩ Nguyễn Hoàng miệt mài dạy vẽ tranh miễn phí, gieo niềm đam mê mỹ thuật, chắp cánh ước mơ giúp học trò khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng và có việc làm ổn định cuộc sống.

Trao việc làm, tạo niềm tin

Lớp học của họa sĩ Nguyễn Hoàng có 15 học viên đều là người khuyết tật. Cho nên, công việc của anh vất vả hơn nhiều bởi dạy vẽ cho người bình thường đã khó, dạy vẽ cho người khuyết tật còn khó hơn vô vàn. Vậy mà hơn 10 năm nay, cứ đều đặn vào thứ hai và thứ sáu hằng tuần, anh Hoàng chạy xe gần 30km từ nhà (quận 3) lên trung tâm để dạy nghề miễn phí cho các học viên. Chứng kiến lớp học của anh, chúng tôi thực sự khâm phục ý chí, nghị lực, tình cảm và nhiệt huyết của thầy giáo "tay ngang" dành cho học trò.

Những ánh mắt ngơ ngác, những đôi tay tật nguyền lóng ngóng, những gương mặt đủ sắc màu biểu cảm... trước giờ vào lớp, bỗng thay đổi hoàn toàn khi thầy Hoàng bắt đầu giờ giảng. Dường như các em cảm nhận được tấm lòng nhân ái, sự quan tâm, đồng cảm của thầy trước nỗi bất hạnh của mỗi phận đời nên tất cả học trò đều rất chăm chú lắng nghe, tích cực học tập để không phụ công lao thầy dạy dỗ.

Anh Lê Thanh Tùng, 34 tuổi, người có gần 10 năm ở lớp học vẽ, tâm sự: "Từ một người bị liệt hai chân, tưởng chừng như vô dụng, tôi được thầy Hoàng dìu dắt, chỉ dạy, khơi dậy khát vọng trở thành người hữu ích. Nhờ đó, tôi đã nỗ lực học vẽ và ngày càng tiến bộ. Giờ đây, tôi đã có thể hướng dẫn cho các học viên mới những nét vẽ ban đầu".

Ngồi vẽ gần cửa sổ, em Trần Văn Hùng cũng bị liệt hai chân, nhưng đôi tay khá khéo léo. Hùng đang học vẽ tranh sơn dầu. Dù mới học được hơn một năm nhưng những nét vẽ của em tạo nên bức tranh khá sáng và có hồn. Hùng giãi bày: "Em vốn tự ti, mặc cảm vì chẳng làm được việc gì. Nhưng từ khi được thầy Hoàng dạy vẽ tranh, hướng dẫn cách thể hiện tác phẩm theo từng chủ đề, em đã hoàn thành bức tranh theo cảm nghĩ. Dù chưa đẹp nhưng đó là sản phẩm do chính mình làm ra nên em rất vui và tự tin hơn, bởi mình đã làm được một việc có ích". Chàng thanh niên 24 tuổi mơ ước tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để có thể mở một phòng tranh cho riêng mình và giúp đỡ những học viên cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống...

Người họa sĩ với tâm niệm chắp cánh ước mơ cho người khuyết tật... - Ảnh 1.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng ân cần hướng dẫn học viên khuyết tật vẽ tranh.

Lớp học vẽ của họa sĩ Nguyễn Hoàng chỉ chừng 30m2 nhưng gọn gàng, ngăn nắp, có nhiều bức tranh phong cảnh thiên nhiên, làng quê yên bình và tranh chân dung trưng bày khá đẹp. Trong sâu thẳm những bức tranh ấy dường như đều ẩn chứa lòng biết ơn đối với người thầy và ước mơ cháy bỏng của các em về một ngày mai tươi sáng. Tôi cứ ấn tượng mãi với em Lê Minh Châu, bị khuyết tật hai tay, phải dùng miệng cắn cây cọ chấm vào hộp màu để vẽ. Vậy mà em vẫn kiên trì, gắng sức cho bức tranh của mình thêm đẹp.

Hay học viên Nguyễn Thị Sẩm, hai tay không lành lặn, phải dùng chân cầm cọ, lóng ngóng đến vã mồ hôi nhưng vẫn không nản chí... Nhìn vậy, tôi càng cảm phục nghị lực của những học trò khuyết tật ở lớp học vẽ này và càng khâm phục, trân trọng hơn tấm lòng cùng tình thương bao la của họa sĩ Nguyễn Hoàng dành cho những học trò khuyết tật. Em Nguyễn Thị Sẩm tâm sự: "Tay em không cầm cọ được, ngày đầu tiên em dùng miệng để cắn cây cọ, thầy Hoàng phải làm mẫu động tác. Nhìn nước mắt thầy rơi, em tự nhủ mình phải cố gắng thật nhiều để thực hiện ước mơ tự lập một phần cuộc sống từ những tác phẩm mỹ thuật do chính mình tạo nên, không phụ tấm lòng và công lao của thầy dạy dỗ".

Không chỉ dạy nghề, anh Nguyễn Văn Hoàng còn truyền cảm hứng và dạy các em đạo đức làm người; thân tình, thấu hiểu như một người cha, người chú thương yêu các em vô bờ bến. Mỗi lần có đoàn khách đến tham quan, phòng tranh vơi đi là thầy Hoàng lại khen ngợi, khích lệ các em phấn đấu để có thêm nhiều bức tranh đến với người hâm mộ, xứng đáng với sự quan tâm của cộng đồng.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng chia sẻ: "Nhìn ánh mắt các em vui sướng khi thấy tranh của mình có người mua, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của học trò. Các em không còn tự ti, mặc cảm mà đã có nghề, có việc làm, có thu nhập và đương nhiên các em có niềm tin ở chính mình, tự tin trong tâm thế của một người có ích cho xã hội. Đó cũng là điều làm tôi hạnh phúc nhất".

Đến nay, nhiều học trò trong lớp học vẽ của thầy Hoàng đã ra ngoài tự lập, có việc làm ổn định, sống được với nghề và có đóng góp nhất định cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Chân tâm tỏa sáng...

Họa sĩ Nguyễn Hoàng năm nay 55 tuổi, ngụ tại quận 3 (TP Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, anh từng theo nghề cơ khí hơn 10 năm, rồi chợt nhận ra mình đam mê hội họa. Từ đó, anh quyết định học vẽ. Việc tình nguyện tham gia dạy vẽ tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh đến với anh như một cơ duyên.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng kể: "Năm 2007, tôi mở phòng tranh ở quận 3, vừa vẽ, vừa trưng bày. Đến một ngày, có một phụ huynh đưa con đến phòng tranh của tôi, nói rằng bé bị khiếm thính, khó theo những nghề khác và muốn xin tôi cho bé học vẽ. Lúc ấy, tôi rất đắn đo bởi mình chẳng biết chút gì về những thủ ngữ dạy cho người khuyết tật.

Thế nhưng, trước lời đề nghị của vị phụ huynh và sự đồng cảm với người yếu thế, tôi đã nhận dạy vẽ cho bé. Thời gian đầu, mọi giao tiếp, ý tưởng tôi đều phải viết ra giấy để bé thực hiện. Được cái, bé có năng khiếu và rất thông minh nên tiến bộ nhanh. Dần dà tôi tự tin nhận thêm vài bé khuyết tật nữa. Tất cả tôi đều dạy miễn phí. Thế rồi, năm 2012, một người bạn nói Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP Hồ Chí Minh đang cần một giáo viên dạy vẽ. Với tình cảm đặc biệt dành cho các em không may mắn, tôi đã nhận lời, tình nguyện đến dạy vẽ miễn phí cho người khuyết tật ở đây. Mới đó mà đã hơn chục năm rồi...

Những ngày đầu dạy vẽ ở trung tâm, anh Hoàng gặp không ít khó khăn. Mỗi hoàn cảnh một kiểu tật nguyền, một thể trạng tâm lý, sức khỏe khác nhau đòi hỏi thầy Hoàng phải có cách tiếp cận phù hợp. Anh điều chỉnh thời gian, thu xếp công việc của riêng mình, tự đọc, tìm hiểu tâm lý người khuyết tật... Để học trò tiếp thu tốt nhất, mỗi khi lên lớp, họa sĩ Nguyễn Hoàng kết hợp linh hoạt cả lời nói, động tác, cử chỉ, ngữ điệu, ký hiệu... và tận tình hướng dẫn các em từng nét vẽ. Thầy ân cần chỉ bảo, cầm tay học trò tô theo tranh mẫu. Sự kiên trì, nhẫn nại trở thành đức tính không thể thiếu của người thầy trong lớp học đặc biệt này.

Anh Nguyễn Văn Hoàng tâm sự: "Có trường hợp nay dạy, mai các em quên hoặc bôi màu loang hết cả bức tranh, mình lại phải dạy lại từ đầu, mất 3-4 buổi, thậm chí lâu hơn, các em mới hoàn thành một bức tranh đơn giản. Thế nhưng tôi vẫn nhẹ nhàng, kiên trì hướng dẫn. Chính sự cảm thông và tình yêu thương các em đã giúp tôi sửa đổi tính nết, hoàn thiện bản thân và sáng tạo ra phương pháp truyền đạt phù hợp với sự khiếm khuyết của mỗi học trò".

Họa sĩ Nguyễn Hoàng rất thương cảm và luôn bảo vệ học trò bởi hơn ai hết anh thấu hiểu sự nỗ lực vượt bậc của các học viên để có được bức tranh chứa đựng ước mơ và hy vọng. Bởi thế, có lần anh đã phản ứng với một khách hàng khi người đó chê bức tranh chưa đạt. Anh Hoàng nhớ lại: "Tôi đã nói với vị khách rằng, với người khuyết tật, chúng ta cố gắng một thì họ phải cố gắng gấp nghìn lần. Hãy đặt giả sử mình bị tật nguyền như thế liệu có làm được như các em không? Tôi nói vậy cốt để vị khách hiểu được rằng, sống ở đời phải có cái tâm biết cảm thông và chia sẻ!".

Hiện tại, ngoài công việc dạy vẽ tình nguyện, họa sĩ Nguyễn Hoàng còn kết nối với một số siêu thị, công ty để tìm đầu ra cho các sản phẩm tranh của học trò khuyết tật, giúp các em có thêm nguồn thu nhập; giới thiệu việc làm cho những học trò có đủ khả năng tự lập... Bên cạnh đó, gia đình họa sĩ Nguyễn Hoàng còn hỗ trợ bằng hiện vật trị giá gần 100 triệu đồng để sửa chữa hai lớp học vẽ tranh sơn dầu và lớp vẽ tranh hoa đất tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi nơi anh dạy vẽ miễn phí...

Nói về dự định của mình sắp tới, họa sĩ Nguyễn Hoàng tâm sự: "Tôi sẽ tiếp tục gắn bó với lớp dạy vẽ cho người khuyết tật đến khi không còn sức khỏe để chạy xe lên đó nữa. Tôi đang ấp ủ và sẽ hướng cho các em vẽ một bức tranh đa sắc màu, trong đó có những cánh diều tượng trưng cho ước mơ của các em sẽ bay cao, xa hơn trong tương lai. Tôi tự nguyện dốc lòng chắp cánh cho những ước mơ đó của các em!".

* Bài có sự biên tập ở title

THANH HUYỀN (QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem