Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Liên tục bị đại lý cám siết nợ, dọa dẫm (Bài 7)

Trần Quang Thứ năm, ngày 14/07/2022 06:02 AM (GMT+7)
Chủ trang trại có gà, lợn đến ngày xuất chuồng phải bán chui để có tiền gỡ vốn tái nuôi tiếp, bởi đại lý cám theo dõi, "mai phục" tại các trại chờ cơ hội thu hồi nợ... Đó là thực trạng éo leo mà PV ghi nhận được tại các tỉnh, thành ở miền Bắc.
Bình luận 0

CLIP: Người chăn nuôi khốn đốn đòi bỏ trại vì giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.

Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, người nuôi sẽ phải treo chuồng

Dưới thời tiết nắng nóng như đổ lửa đầu tháng 7, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Minh, chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Tiêu Đồng, huyện Bình Lục (Hà Nam) dẫn vào thăm khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Dù cả ô chuồng lớn đã được lắp đặt 3 quạt thông, hút gió cỡ lớn nhưng khu chuồng nuôi 1 vạn gà của bà Minh vẫn nóng hầm hập.

Vừa hướng dẫn công nhân đổ cám chăm gà tại trang trại, bà Minh vừa đi kiểm tra tìm dọn vệ sinh chuồng trại, xác gà chết. "Thời điểm mùa nóng, chuồng trại nuôi nhiều gà cũng khó tránh được rủi ro. Nhưng làm sao phải giảm thiểu hao hụt ở mức thấp nhất thì may ra chúng tôi mới có cơ hội thoát thua lỗ", bà Minh nói.

Theo bà Minh, năm nay giá gà cũng tăng cao kỷ lục, nhưng so với giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã thì cũng không lại. Từ năm 2021 đến nay, giá cám tăng đến trên 10 lần, trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi luôn ở mức thấp. Gần đây giá gà tăng cao thì các trại lại không có hàng để bán nên bà con luôn thiệt đủ đường.

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Chủ trang trại, đại lý cám, tranh giành nhau gỡ nợ - Ảnh 2.

Công nhân đổ cám chăm sóc đàn gà tại trại của gia đình bà Nguyễn Thị Minh ở xã Tiêu Động.

Hiện, đàn gà Mía thuần của gia đình bà Minh đã nuôi được gần 4 tháng tuổi và sắp đến ngày xuất chuồng. Theo tính toán của bà Minh, đàn gà của bà đến khi xuất bán đạt trọng lượng cao nhất khoảng 2,7 đến 2,8kg/con trống; 1,8 đến 2kg/con mái. Vào mùa nắng nóng vật nuôi tăng trọng chậm nên để đạt được 1kg gà, phải tiêu tốn khoảng 3,1kg cám, với giá cám khoảng 13.000 đồng/kg. 

Tính trung bình gà đạt 2kg/con, mỗi con gà ăn hết 6,2kg cám hết hơn 80.000 đồng, cộng tiền thuốc, vaccine khoảng 10.000 đồng/con, + 2.000 đồng tiền điện, nước + 15.000 đồng gà giống + hao hụt = khoảng 140.000 đồng/con.

"Nếu bán xô đàn được giá 80.000 đồng/kg, mỗi con gà 2kg chúng tôi lời được khoảng 20.000 đồng. Tuy nhiên, nếu trừ thêm các chi phí khác như nhân công, thì may ra trại mới hòa vốn", bà Minh khẳng định.

"Hiện chúng tôi đang nuôi ở dạng cầm cự cho chuồng đỡ bị bỏ trống, lãng phí. Nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng thêm thì chúng tôi buộc phải treo chuồng để tránh thêm nợ", bà Minh bộc bạch.

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Chủ trang trại, đại lý cám, tranh giành nhau gỡ nợ - Ảnh 3.

Đàn gà mía của gia đình bà Minh sắp được tuổi xuất chuồng.

Là chủ trang trại nuôi cá khá lớn ở Hà Nam, trong năm 2021 ông Hoàng Văn Thường ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục từng bị thất thu hàng tỷ đồng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bước sang năm nay, ông lại tiếp tục xoay vốn đầu tư vào nuôi 4ha cá trắm, rô phi đơn tính, cá trạch..., mong vớt vát lại được vốn bỏ ra.

Tuy nhiên, khi vừa xuống giống, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng làm cho vợ chồng ông càng khó khăn hơn, trang trại phải xoay đủ kiểu mới mua được cám đưa về chăn nuôi.

"So với cùng kỳ năm 2021, giá cá hiện giờ cũng đã nhích lên ở mức khá, đạt khoảng 50.000 đồng/kg cá trắm. Tuy vậy, giá nguyên liệu đầu vào cũng đang ở mức cao, khoảng 14.000 đồng/kg cám. Tính ra, sau 6 tháng thả nuôi đến khi thu hoạch, hạch toán chi phí cho 1kg cá sẽ hết khoảng 1,8kg cám = 26.000 đồng + 5.000 đồng chi phí thuốc nấm đường ruột, chế phẩm xử lý nước trước khi thả giống... + 10.000 đồng giống + 2.000 đồng phí điện chạy máy oxy + phí hao hụt = khoảng 45.000 đồng. 

Nếu bán cá với giá hiện tại, chưa tính chi phí nhân công, chúng tôi có lãi khoảng 5.000 đồng/kg cá nhưng nếu hao hụt lớn, cá loại 2, 3 nhiều bán giá thấp... có thể trại còn bị thua lỗ chứ đừng nói đến hòa vốn", ông Thường khẳng định.

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Chủ trang trại, đại lý cám, tranh giành nhau gỡ nợ - Ảnh 4.

Ông Hoàng Văn Thường ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục ngâm thóc mầm để chăm đàn cá tại các ao giúp giảm chi phí gánh nặng thức ăn công nghiệp. Ảnh: Trần Quang

Để giảm gánh nặng chi phí đầu vào, vợ chồng ông Thường phải ngâm ủ thóc mầm phục vụ đàn cá. Ông Thường cho hay: Trung bình mỗi ngày, tôi cho cá ăn 3 lần sáng - trưa - tối. Nếu như trước đây đàn cá được ăn 100% thức ăn công nghiệp, thì nay chúng tôi phải thay thế bữa trưa cho đàn cá bằng 200kg thóc mầm.

Ông Thường nhẩm tính, khi thay thế bằng loại thóc mầm (lúa sản xuất tại nhà giá thấp), vợ chồng ông đã kéo được giá thành chăn nuôi xuống còn khoảng gần 40.000 đồng/kg cá. Tuy nhiên, nếu đến cuối năm giá sản phẩm lại giảm sâu thì có thể, vợ chồng ông vẫn khó có lãi.

Chủ trại có của phải bán chui, đại lý mai phục chờ thu hồi vốn

Mới đây, trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Nụ, một chủ trại chăn nuôi gà ở huyện Vụ Bản (Nam Định) cho biết, nhà bà đang có khoảng 1,5 vạn gà ta thịt đến tuổi xuất chuồng. Bà đang nghe ngóng, tìm thời cơ bán kiếm lời và lấy vốn để tái đầu tư mở rộng quy mô trang trại nuôi, tăng đàn hơn trước, mong gỡ gạt lại số vốn tiền tỷ đã thua lỗ vì chăn nuôi lợn mấy năm qua.

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Chủ trang trại, đại lý cám, tranh giành nhau gỡ nợ - Ảnh 5.

Ông Hoàng Văn Thường ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục chăm sóc đàn cá thương phẩm của gia đình.

Nắm bắt được thông tin gia đình bà Nụ đánh tiếng rao bán đàn gà đẹp, chủ đại lý cám trên địa bàn và nhân viên hãng cám ngoại nhập phụ trách vùng đã thường xuyên đến hỏi thăm. Thậm chí có người còn "ăn trực, nằm chờ" tại nhà bà để chờ cơ hội thu hồi tiền cám.

"Tiền cám tôi nợ đại lý trong suốt thời gian dài nuôi lợn đến nay lên đến vài tỷ đồng, sau nhiều lần bị dịch tả lợn châu Phi tấn công, trại đã dần kiệt sức không còn tiền để trả nợ. Có thời điểm họ còn đưa xã hội đen đến đòi nhưng trong nhà không còn gì giá trị nên chúng cũng đành phải chịu về tay không", bà Nụ buồn rầu kể.

Vừa qua, thấy giá gà tăng cao, vợ chồng bà Nụ cố vay được thêm tiền đầu tư giống chuyển sang nuôi gà. Đúng thời điểm đó, có nhân viên của hãng cám (mới làm) đến chào mời bán hàng trả chậm nên ông bà Nụ gật đầu ngay. 

Dù mới nuôi chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nhờ có sự giúp sức của nhân viên tiếp thị cám hướng dẫn cách phòng trị bệnh cho vật nuôi nên việc chăm sóc lứa gà đầu tiên của gia đình bà Nụ khá thuận lợi, hao hụt ít.

Hiện có một số thương lái tìm đến trại của gia đình bà Nụ xem gà, ai cũng khen đẹp trả giá cao nhưng chủ trại chưa tìm được cơ hội xuất chuồng. 

"Vào thờ điểm này, nhân viên công ty và đại lý cám liên tục cử người theo dõi từng động thái của chúng tôi 24/24 giờ. Đại lý còn đe dọa nếu gia đình không trung thực bán gà nhanh trả nợ, họ sẽ đến bắt gà. Cả gia sản, vốn liếng làm ăn trông cả vào lứa gà này, giờ mà đưa hết cho họ, coi như chúng tôi lại về tay trắng. Thê thảm quá!", bà Nụ thở dài nói với PV Dân Việt.

Theo bà Nụ, không chỉ trang trại của gia đình bà rơi vào tình cảnh trên mà nhiều chủ trang trại trên địa bàn cũng liên tục bị các đại lý cám siết nợ, có nhiều nhà cắm cả "sổ đỏ" cũng không trả hết nợ phải dời quê đi làm ăn xa.

Tiết lộ với PV Dân Việt, anh Phạm Khang, nhân viên tiếp thị của một doanh nghiệp cám FDI ở miền Bắc cho biết, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nuôi liên tục vỡ nợ, phá sản bỏ chuồng, sản lượng cám tiêu thụ chậm, các đại lý, và nhân viên thị trường phải dùng mọi chiêu trò để tranh khách hàng.

"Mỗi khi tìm được "con mồi" (khách hàng chủ trại, trang trại) lớn, các nhân viên thị trường thường tung tin đồn thất thiệt như trại nợ nần nhiều, chăn nuôi không có tâm... để tranh giành khách. Khi "cá đã cắn câu", các nhân viên này liên tục nhồi hàng và chăm sóc khách bằng cách tư vấn, hướng dẫn làm thú y lấy lòng chủ trại. Đến lúc khách có hàng xuất bán, mọi người phải bám liên tục để thu hồi tiền cám, nhưng cũng có người "vỡ mộng" gặp "quả đắng" vì chủ trại gặp rủi ro, vỡ nợ", anh Khang nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem