Ngược núi săn ảnh trong mùa Xuân biên cương

Chủ nhật, ngày 01/03/2015 08:00 AM (GMT+7)
Những triền ruộng bậc thang vẽ vào mái núi, cả ngàn đường sóng lượn. Càng ở trên cao chúng tôi mới cảm nhận hết được sắc đỏ thiêng liêng, hùng vĩ của mầu cờ Tổ quốc.
Bình luận 0
Cuối năm dương lịch, trời bắt đầu rét sâu. Chỉ được thông tin trước chín tiếng, tôi kịp nạp pin, chuẩn bị thẻ nhớ, nai nịt đồ mặc ấm, “súng ống” lên đường. Đây là chuyến ngược núi đi săn hoa đào và ảnh đẹp ở biên cương phía Tây thuộc huyện Hoàng Su Phì.

Đường lên huyện đã cải thiện nhiều. Ấy là nền và mặt đường. Còn cua gấp, đèo dốc vẫn thế. Sương lạnh buông chùng chình. Nhiều đoạn vừa bật đèn vừa phải có người xi - nhan. Nhiếp ảnh gia Hồ Thăng, 80 tuổi, với gia tài “khủng”: Hai thân máy chuyên nghiệp, bốn đầu ống kính, kính bảo vệ, kính lọc màu, chân máy. Chưa “ghê” bằng nghệ sỹ Quang Minh: Bộ thân Canon 5D mark II, đầu Canon 70-200, dài gần nửa mét, nặng trĩu tay, thêm 3 máy mang dự phòng, kèm theo pin và hàng chục ghi thẻ nhớ. Tôi, con Nikon D7000 mới toanh, 12 ghi thẻ nhớ. Lượng “đạn” cũng không kém, các tay máy tha hồ “vãi”. Ba thành viên của Hội Văn học - Nghệ thuật Tuyên Quang, và, một tay máy Thế Sơn, dân máu mê với ảnh.
img
Bức tranh quê núi Sán Sả Hồ (Hoàng Su Phì). Ảnh: LƯƠNG NAM
Trời vùng biên ải núi mờ mờ, thấp thoáng trong sương. Hàng thông, sa mộc cũng mờ ảo. Gần trưa mà sương còn đặc quánh...

Ngót bẩy tiếng trên quãng đường gần 200 km, chúng tôi có mặt tại thị trấn Vinh Quang. Điều vui nhất của nhóm là có dấu hiệu của nắng. Cũng chưa cần lo chỗ nghỉ, cơm nước xong lái xe Quang Minh lại hối thúc lên đường. Trên xe có thêm chủ nhà, một cô gái có đôi mắt sáng, nick name Nga Ngo. Nắng bắt đầu hửng. Cái nắng vàng rây như có rượu. Chúng tôi ai cũng phấn chấn. Từ rất xa đã nhận ra điểm trường qua lá Quốc kỳ đỏ tươi, bay trong gió. Những mái tôn hồng, xanh chênh vênh sườn núi. Càng ở trên cao chúng tôi mới cảm nhận hết được sắc đỏ thiêng liêng, hùng vĩ của mầu cờ Tổ quốc.

Những triền ruộng bậc thang vẽ vào mái núi, cả ngàn đường sóng lượn. Xong vụ gặt, ruộng đang phơi ải. Phần lớn chờ sang Xuân bà con mới gieo cấy. Những nơi có nước, bà con trồng rau, màu vụ Đông. Từng vạt hoa Tam giác mạch đã phủ mầu hồng, phớt tím. Sắc hoa như mời gọi, như níu giữ. Nhà người Nùng sáng lên trên nền xanh cây lá.  Thỉnh thoảng, bên đường gặp nguồn nước từ đỉnh núi, róc rách về vui bên mái lá. Mùi cơm nếp xôi, mùi men rượu nồng thơm hấp dẫn. Mấy năm nay được mùa lúa, ngô, người Nùng U của Sán Sả Hồ đã thấy mùa Xuân đến sớm. Cây Tam giác mạch khoe sắc trên bản Hạ A, Hạ B. Người Nùng, người Dao, người Mông đang thêu những sợi chỉ hồng vào núi.

Chúng tôi gặp một nghi lễ cúng ma rừng của người Nùng ngay cạnh đường đi. Anh Lý Dịn Phương, 20 tuổi, nói với chúng tôi: Hôm nay ngày tốt, bản làm Lễ cúng ma. Cách đường ô - tô không xa, trên mé rừng, thầy cúng Vùi Lao Dìn, 80 tuổi, đang hành lễ. Khuôn mặt già làng quắc thước, đầy bí ẩn. Ông Lao Dìn rì rầm cầu khấn, rung chuông đồng xua đuổi tà ác, mời Thần Rừng về phù hộ, chở che cho dân bản. Bản Hạ B có 62 hộ, từ khi xây dựng Nông thôn mới đời sống bà con đã khá hơn. Bí thư, Trưởng thôn Vùi Văn Thành đi Đại hội Chi bộ thôn nên chưa đến. Hôm nay bản  mổ một con bò, một con dê, một con lợn và bảy con gà để cúng ma. Trai bản tất bật làm thịt bò bên đường, từ nguồn nước trên núi. Các tay máy sấn lại ghi hình. Khói lửa nghi ngút lan tỏa.

Nắng lên, soi hồng từng ánh mắt, nụ cười người Sán Sả Hồ, nhất là các em nhỏ. Phía xa là tầng tầng thang ruộng hằn vào núi. Mầu hồng hoa Tam giác mạch tô đẹp cho bức tranh khi Xuân về...

Sớm hôm sau, Nga Ngo lại đưa chúng tôi đi Chiến Phố, Bản Máy. Cả đoàn trầm trồ khi gặp mầu hồng đào, phơn phớt tím nổi bật trên nền xanh rừng. Hoa đào rừng! Từng cánh hoa nhỏ ríu rít bên nhau. Trên vòm hoa, rất nhiều chim nhỏ hút mật đang mê đắm cùng hoa. Càng đi sâu nữa, sẽ gặp cả một rừng đào. Chợt thấy hai phụ nữ Mông đi lấy củi và một em bé đi học về. Sắc váy áo Mông càng làm nổi lên những bông hoa nở sớm. Chúng tôi ai cũng chớp cơ hội ghi thật nhiều hình ảnh về con người và cảnh sắc miền biên viễn.

Từ Chiến Phố ra biên giới Bản Máy, nhiều ruộng bậc thang có nước đang được trồng màu, rau. Xe trườn trên những dãy núi cao ngất trời, tưởng mình đang đi trên mây. Từng vòng cua gấp liên tiếp dẫn lên đỉnh núi, rồi lại bò xuống chân đèo để leo lên ngọn núi khác. Mới thấy con người quá nhỏ bé so với thiên nhiên hùng vĩ, bao la. Cột mốc 219 hiện ra trước mắt. Nó được dựng lên từ năm 2001. Mọi người đều xúc động. Thả tầm mắt bao quát núi rừng bao la rồi dừng thật lâu ngắm cột mốc. Cột mốc như niềm tin được giữ mãi để bảo vệ chủ quyền dân tộc Việt Nam. Không chỉ bằng xi - măng, cốt thép, cột mốc chủ quyền còn được xây bằng xương máu ngàn đời của ông cha. Chúng tôi cùng giơ tay cúi chào cột mốc!

Nắng cuối chiều còn rớt lại chóp núi. Những bản làng ở Bản Máy đã tỏa khói cơm chiều... Lớp học mẫu giáo bên đường vừa tan. Bọn trẻ con ùa theo xe. Những bé trai, bé gái khuôn mặt bầu bĩnh thật đáng yêu. Sắc váy áo Mông rực rỡ với nắng chiều. Ánh sáng ngược, ánh sáng xiên rọi vào chiều Đông bình yên càng thấy lòng ấm áp. Tuổi thơ vùng cao hôm nay sẽ là những người tiếp bước xây dựng và gìn giữ biên cương đất nước.

Trên đường về, mỗi người một tâm trạng. Cùng chung sự trải nghiệm, niềm đam mê với những gặt hái của chuyến đi. Chúng tôi mang theo cả mùa Xuân sớm nơi biên cương về với phố...
(Theo Lê Na/ Báo Hà Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem